Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với những gia đình của các bà mẹ đơn thân hay các gia đình gốc Phi và gốc Latinh.
Cuộc khảo sát theo dõi các gia đình chật vật để kiếm ăn, tức là ở mức độ “thiếu lương thực” và các hộ thiếu những dưỡng chất cơ bản vào một thời điểm nào đó trong năm, được coi là mức độ “rất thiếu lương thực”.
Một siêu thị tại New York dán thông báo cho biết chấp nhận thanh toán bằng phiếu thực phẩm
Theo đánh giá, có khoảng 6,8 triệu thuộc diện “rất thiếu lương thực” trên toàn nước Mỹ, trong đó người lớn thường bỏ bữa, không đủ khả năng để có những bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng và thường lo lắng không có đủ tiền để mua thức ăn vài tháng trong năm.
Tính tổng thể, 5,7% hộ gia đình Mỹ nằm trong diện “thiếu lương thực”. So với năm 2010, con số này không thay đổi nhiều nhưng so với năm 1998, số hộ này đã tăng ít nhất 2%, tức là nhiền hơn khoảng vài nghìn người.
Kết quả cuộc khảo sát được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Nông nghiệp phát đi thông báo số phiếu thực phẩm (thường được biết tới như Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung), đạt mức cao nhất trong tháng 6 ở Mỹ, với hơn 46 triệu hộ gia đình sử dụng loại phiếu này để mua thực phẩm.
Theo hãng tin Bloomberg, mức chi cho chương trình này cũng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, lên tới 75.7 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9/2011 vừa rồi. Gần một nửa số người sử dụng phiếu lương thực là trẻ em.
Một người phát ngôn cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney nói với hãng tin Bloomberg rằng việc gia tăng số phiếu thực phẩm là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ không hề tốt lên so với 4 năm trước. Trong suốt mùa bầu cử sơ bộ, một ứng cử viên đảng Cộng hòa khi đó là ông Newt Gingrich, đã gọi ông Barack Obama là “tổng thống phiếu thực phẩm”.
H.P
(dantri.com.vn)