Tinh Hoa

Khai thác thuỷ điện: Hiệu quả và rủi ro tiềm ẩn

– Những cơn động đất vừa xảy ra ở Nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều người băn khoăn về độ an toàn của các công trình thuỷ điện. Hãy cùng giới khoa học nhìn lại “thị phần” thuỷ điện trên thế giới, cùng những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của nguồn điện năng “sạch” và rẻ này.

Thuỷ điện Sông Tranh 2 được khắc phục sự cố rò nước.


Chỉ tính với các nhà máy thuỷ điện có công suất từ 400MW (Mega-oat) trở lên, nước ta có các nhà máy thuỷ điện sau đây: 

1/ Đang vận hành: 

– Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) với công suất 1920MW.

– Nhà máy thuỷ điện Yali (Gia lai), công suất 720MW.

– Nhà máy thuỷ điện Trị An (Đồng Nai), công suất 400MW.

2/ Đang xây dựng:

– Nhà máy thuỷ điện Sơn La (Sơn La), công suất 2400MW.

– Nhà máy thuỷ điện Huội Quảng (Sơn La), công suất 520MW.                                       

3/ Chuẩn bị xây dựng:

– Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, 1200MW.                  

4/ Quy hoạch xây dựng: 

– Nhà máy thuỷ điện Đông Phù Yên (Sơn La), công suất 1200MW.

– Nhà máy thuỷ điện Bác Ái (Ninh Thuận), công suất 1050MW.

Toàn cảnh thuỷ điện Sơn La. (Ảnh: Báo Yên Bái).

 

10 nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới

10 nhà máy thuỷ điện lớn nhất được sắp xếp theo thứ bậc công suất (đơn vị Giga-oat GW, 1GW= 1.000MW) trong bảng phía dưới đây.

Từ bảng này có thể thấy, Nhà máy thuỷ điện Long Đàm xếp ở vị trí cuối cùng (công suất hiện nay 4.900MW), cũng to gấp đôi nhà máy Sơn La (với 2.400MW) lớn nhất của Việt Nam.

Xếp đầu bảng về tổng công suất là Nhà máy thuỷ điện Tam Hiệp, Trung Quốc (22.500MW) gấp đôi nhà máy ở vị trí số 2 là nhà máy Itaipu (Brasil-Paraguay).

Các nhà máy thuỷ điện của Trung Quốc, Brazil và Paraguay, Venezuela và Mỹ nằm trong Top 5 những nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới. Tiếp sau đó mới đến các nhà máy thuỷ điện của Nga và Canada.

Đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới ở Trung Quốc.

Cũng cần lưu ý về hậu quả gây ngập nước một diện tích rất rộng do các nhà máy thuỷ điện gây ra (xem cột cuối của bảng), ít nhất là 324 cây số vuông (Grand Coulee, Mỹ) và rộng  nhất (Churchill Falls, Canada) đến 7 nghìn cây số vuông.

10 nước có sản lượng thuỷ điện cao nhất thế giới

Các nước thuộc trong nhóm TOP 10 về tổng công suất thuỷ điện (tính theo đơn vị Giga-oat, GW) sắp xếp theo thứ tự sau:

1 – Trung Quốc – 171GW

2 – Canada – 90GW                                                                                                                           

3 – Mỹ – 79GW

4 – Brazil – 70GW

5 – Nga – 45GW

6 – Ấn Độ – 33GW

7 – Na-Uy – 28GW

8 – Nhật – 27GW

9 – Thuỵ Điển – 16,2GW

10 – Venezuela – 15,0GW.

Các số liệu trên lấy theo thống kê của năm 2006 (trừ Thụỵ Điển lấy của 2009), nhưng nói chung, sự thay đổi vài năm gần đây không nhiều.

Ngoài ra, sự sắp xếp thứ tự TOP 10 nhà máy thuỷ điện trên theo giá trị về tổng công suất (tính theo đơn vị GW hay MW) và tổng sản lượng điện hàng năm ((tính theo đơn vị GW.h hay MW.h) có thể khác nhau, nhưng không đáng kể. Hình phía dưới là “chiếc bánh” mô tả sự phân chia theo số liệu tổng sản lượng thuỷ điện toàn thế giới mới nhất, năm 2011 (đơn vị là Tỷ kilowat/giờ, tức GW.h).

Số liệu tổng sản lượng điện toàn cầu năm 2011.

 

Thảm hoạ thuỷ điện lớn nhất từng xảy ra

Nếu tính về thiệt hại nhân mạng đối với nhà máy thuỷ điện, sự cố vỡ Đập Bản Kiều ở Trung Quốc có thể xếp vào số 1.

Con đập này xây trên sông Ru tỉnh Hà Nam. Nhà máy thuỷ điện có công suất đến 18 Gega-oat (GW), tương đương 20 tổ máy điện hạt nhân, có khả năng đáp ứng 1/3 nhu cầu sử dụng điện cho cả nước Anh.

Sự cố bất ngờ xảy ra hai lần trong năm 1975. Lần đầu con đập đã bị vỡ và thiệt hại cũng khá nặng nề. Sau khi vừa sửa chữa và xây lại, một cơn lũ lớn đã làm đập vỡ toang.

Hậu quả hết sức nặng nề. Mãi đến năm 2005 hậu quả đó mới được công bố cụ thể: 175.000 người thiệt mạng (26.000 người chết trực tiếp vì lũ lụt và 145.000 người chết do dịch bệnh và nạn đói sau đó), trên 11 triệu người mất sạch nhà cửa do 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Dĩ nhiên, Trung Quốc cũng đã mất một nguồn năng lượng khổng lồ.

Tuy tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi vỡ đập có thể nhấn chìm cả một vùng hạ lưu rộng lớn, nhưng do chi phí xây dựng thấp hơn so với các loại điện năng khác (như điện gió, điện hạt nhân…) và không gây ô nhiễm môi trường (như khí thải nhiệt điện, phóng xạ điện hạt nhân…), nên thuỷ điện vẫn được nhiều quốc gia lựa chọn như một giải pháp khai thác điện năng rẻ và sạch.

Hoàng Hà

(vietnamnet.vn)