Họ không chỉ nổi bật về nhan sắc mà đa số còn nổi tiếng vì những việc làm tốt dành cho con người, vì vậy mà được thờ phụng khắp nơi, thậm chí đến ngày nay.
Aphrodite – Thần thoại Hy Lạp
Tên gọi khác: Venus, Cytherea.
Danh hiệu: Nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự hoan lạc.
Nổi tiếng nhất trong danh sách này không ai khác ngoài Aphrodite, một trong 12 vị thần tối cao của thần thoại Hy Lạp cư ngụ trên đỉnh Olympus. Nàng sinh ra từ bọt biển, khi thần Cronus cắt “quả ớt” của thần Uranus, cha mình, và “quả ớt” rơi xuống biển tạo thành đám bọt ấy. Một dị bản khác cho rằng Aphrodite là con gái của thần Zeus và tiên nữ Dione.
Trong cuộc chiến với nữ thần Hera và Athena giành quả táo vàng “Dành cho người đẹp nhất”, Aphrodite chiến thắng khi hứa hẹn với Paris sẽ tặng người vợ xinh đẹp tuyệt trần cho anh ta là nàng Helen, sau đó gián tiếp gây ra cuộc chiến thành Troy. Danh hiệu nữ thần sắc đẹp của Aphrodite có được một phần nhờ bảo bối của nàng: một chiếc thắt lưng có khả năng quyến rũ người khác giới. Đã có lần Aphrodite cho nữ thần Hera mượn bảo bối này để quyến rũ thần Zeus.
Vốn có tính lẳng lơ, lại có sắc đẹp tuyệt trần nên dù đã kết hôn với thần thợ rèn xấu xí Hephaestus, Aphrodite rất bất mãn nên hay giấu chồng đi “mây mưa”. Số người tình cả thần thánh và người trần của Aphrodite có thể chỉ thua mỗi… thần Zeus đào hoa. Có thể kể ra thần thánh như Ares, Poseidon, Hermes, Dionysus,… người trần như Adonis, Anchises,… Trong đó, mối tình sâu đậm với thần chiến tranh Ares, bị mọi người “bắt quả tang” ngay trên giường, trở thành câu chuyện nổi tiếng trong thần thoại.
Freyja – Thần thoại Bắc Âu
Tên gọi khác: Valfreyja, Seid, Vanadis, Mardoll.
Danh hiệu: Nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, chiến tranh, sự sung túc và vàng.
Nữ thần Freyja được xem là “đại diện nhan sắc” của thần thoại Bắc Âu. Nàng là con của thần biển Njord và nữ thần Nerthus, em sinh đôi của thần ánh sáng và sung túc Freyr. Cặp đôi Freyr và Freyja được mệnh danh là “tiên đồng, ngọc nữ” của vùng Scandinavia. Nàng có sở thích chu du thiên hạ trên cỗ xe do những chú mèo kéo.
Sắc đẹp của Freyja làm điên đảo cả thần thánh và tộc người khổng lồ. Nhiều tên khổng lồ vì quá mê mẩn sắc đẹp của nàng mà liều mình “quậy tung” thế giới thần thánh Asgard để được diện kiến dung nhan của nàng một lần, sau đó phải hứng chịu hậu quả thảm khốc là cái chết. Ngay cả thần tối cao Odin cũng từng cải trang thành người thường để “mây mưa”với Freyja.
Freyja là nữ thần của vàng vì mỗi giọt nước mắt của nàng rơi ra đều biến thành… vàng! Hơn nữa Freyja rất yêu thích trang sức, châu báu. Để sở hữu chuỗi vòng cổ Brisingamen đẹp tuyệt trần, nàng đã chấp nhận “qua đêm” với bốn người lùn. Sau khi bị thần Odin phát hiện, để chuộc lại lỗi lầm, Freyja chấp nhận trở thành nữ thần chiến tranh, gây chiến giữa các nước để số anh hùng tử vong đến cung điện thần thánh Valhalla tăng lên nhiều lần. Nhưng dù sao, Freyja vẫn là biểu trưng cho một nét đẹp thánh thiện.
Cliodna – Thần thoại Celtic
Tên gọi khác: Cliona, Cleena, Clionadh.
Danh hiệu: Nữ thần tình yêu, sắc đẹp, sóng biển và… thế giới bên kia.
Cliodna là một trong những chủ thần của người Irish, một tộc người thiểu số của đất nước Ireland. Một điều đáng ngạc nhiên khi Cliodna lại là nữ hoàng của những nữ thần… báo tử, người đứng đầu thế giới bên kia. Tuy nhiên, nàng sở hữu ba chú chim thần, ăn trái từ cây táo ở cõi chết, sau đó trở về cõi trần hát chữa bệnh cho những người ốm đau.
Cliodna thừa hưởng vẻ đẹp của cha, thần biển Gebann, nên được phong tặng danh hiệu nữ thần sắc đẹp. Giống nữ thần Aphrodite của Hy Lạp, Cliodna khá… đào hoa nên có rất nhiều người tình nhân gian, và nàng thường kéo luôn người tình về… cõi bên kia vui chung. Chàng trai Ciabhan là người duy nhất khiến Cliodna chấp nhận từ bỏ thế giới bên kia để đến trần gian vui vầy. Điều này khiến thần Gabann không hài lòng. Ông đã phù phép cho con gái ngủ say rồi dùng sóng biển dìm chết Ciabhan. Cliodna thức dậy, biết được sự thật và đau khổ vô cùng. Cũng vì vậy mà nàng thường xuất hiện trong bộ dạng của chim hải âu, biểu tượng báo tử theo quan niệm của người Celtic.
Con số 9 được xem là biểu tượng cho nữ thần Cliodna, cũng như trong quan niệm của người Irish ngọn sóng thứ chín xô vào bờ chính là hiện thân của nàng. Ngày nay, dòng họ O’Keefe được cho là những truyền nhân của vị nữ thần đặc biệt này.
Hathor – Thần thoại Ai Cập
Tên gọi khác: Hethara, Hesat, Bat.
Danh hiệu: Nữ thần của tình yêu, niềm vui và nghệ thuật.
Hathor là một trong những vị thần có vai trò quan trọng của thần thoại Ai Cập. Nàng là con gái của thần mặt trời “mình người đầu chim ưng” Ra, vợ của thần trí tuệ “mình người đầu cò” Horus. Vì là một nữ thần khởi thủy xa xưa nên ngoài các danh hiệu chính, Hathor còn rất nhiều danh xưng khác như Bà chủ của Lãnh địa Chết (Mistress of Necropolis), Bà chủ của sa mạc (Mistress of Dessert), Mẹ Vĩ đại của các Mẹ (Mother of Mothers), Công nương của Dandera (Lady of Dandera: trung tâm văn hóa của Hathor ở Dadera),…
Nàng thường hiện thân dưới dạng một con bò thần xinh đẹp với hai chiếc sừng nâng giữ đĩa mặt trời và đeo chuỗi vòng cổ Menat, hoặc là một người phụ nữ xinh đẹp với đầu bò và đôi mắt thần của Ra. Với danh hiệu nữ thần sắc đẹp, Hathor được người dân Ai Cập tôn vinh là người bảo trợ cho nghệ thuật trang điểm với biểu tượng là chiếc gương đồng trông như chiếc đĩa mặt trời. Những hiện vật trang điểm ngày xưa như gương, hộp son, bảng phấn mắt đều khắc hình của nàng.
Vì sắc đẹp của mình, Hathor được giao nhiệm vụ nhảy múa giải khuây cho thần Ra khi cảm thấy mệt mỏi. Nàng đại diện cho tháng ba trong lịch Ai Cập cổ đại và ngoài ra còn bảo trợ cho bảy thành phố: Thebes, Heliopolis, Aphroditopolis, Sinai, Momemphis, Herakleopolis và Keset.
Lakshmi – Thần thoại Hindu
Tên gọi khác: Mahalakshmi, Padma, Kamala,…
Danh hiệu: Nữ thần của sắc đẹp, vận may, sự giàu có và sự thịnh vượng.
Nữ thần Lakshmi là vợ của Vishnu, vị thần của sự bảo vệ và gìn giữ. Cùng với nhau, đây được xem là cặp đôi phúc thần trong thần thoại Hindu, luôn mang đến những điều tốt lành cho mọi người.
Trong thần thoại Hindu, câu chuyện về nữ thần Lakshmi luôn mang nhiều màu sắc tươi đẹp nhất. Khi nàng sinh ra từ một đóa sen hồng trên đại dương vũ trụ, nàng lập tức được mọi người nâng đỡ, đeo trang sức vào người, và thờ phụng cho đến ngày nay. Lakshmi xinh đẹp được miêu tả trên các tranh vẽ luôn nở nụ cười mỉm chi tươi tắn, có nước da bánh mật, ngồi trên một tòa sen nở bung, hai tay cầm sen thể hiện sắc đẹp, sự tinh sạch và sự sung túc.
“Đồng nghiệp” của Lakshmi là thần trở ngại Ganesha. Khi nàng gieo tiền bạc, sự giàu có cho ai đó thì thần Ganesha luôn chắn lối, ám chỉ sự khó khăn trong chuyện kiếm tiền. Nhưng khi Lakshmi bảo Ganesha dọn dẹp lối đi, tức nghĩa nàng muốn người đó nhận được sự may mắn về tiền bạc. Lakshimi luôn mặc những bộ váy sari đỏ thêu chỉ vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng. Nàng đem lại sự may mắn tốt lành cho những người thờ phụng, cũng như bảo vệ họ khỏi những nỗi đau khổ vật chất, tiền bạc.
Lakshmi cũng giống như “ông táo” ở nước ta, được mọi gia đình người Hindu thờ phụng hằng ngày. Tuy nhiên, tháng lễ chính Lakshmi Puja của nàng diễn ra vào tháng mười hằng năm.
Oshun – Thần thoại Yoruba (Châu Phi)
Tên gọi khác: Yeye, Yalode.
Danh hiệu: Nữ thần của sắc đẹp, tình yêu và nước ngọt.
Thần thoại Yoruba (Tây Phi và các nước vùng Caribbean) cũng sở hữu một phúc thần sắc đẹp. Nữ thần Oshun được miêu tả là một người phụ nữ trẻ, đẹp và quyến rũ. Đôi khi nàng còn hiện thân là một người cá. Nàng có sở thích với những món đồ lấp lánh màu mặt trời, nên trong những bức họa, Oshun thường diện những bộ váy màu vàng, đeo rất nhiều trang sức. Không những thế, tất cả những gì màu vàng óng trong cuộc sống như cam, bánh mì, mật ong, hổ phách,… đều là biểu tượng của nàng.
Oshun là nữ thần nước ngọt vì nàng cai quản tất cả những con sông duy trì sự sống cho con người. Tương truyền chính nàng đã hóa thành chim công, bay đến vị thần tối cao Olodumare cầu xin thần giải bỏ hạn hán, mang mưa trở lại cho con người. Người châu Phi quan niệm nước chảy là nàng đang nhảy múa, tiếng nước róc rách là giọng nói của nàng, đãi cát trên sông tìm vàng chính là tìm đến nữ thần Oshun xin một chút trang sức.
Oshun kết hôn với thần lửa Shango và trở thành người vợ được yêu quý nhất vì sắc đẹp, sự nổi tiếng và tài nấu nước xuất sắc. Điều này khiến Oba, một tiểu nữ thần sông và là người vợ khác của Shango ghen tị. Tương truyền sự đố kị giữa hai nữ thần là nguyên nhân khiến những con sông xuất hiện những vũng nước xoáy dữ dội.
Xochiquetzal – Thần thoại Aztec
Tên gọi khác: Ixchel.
Danh hiệu: Nữ thần của sắc đẹp, hoa cỏ, nghề thủ công và sự sung túc.
Tên gọi Xochiquetzal có nghĩa là “đẹp như một đóa hoa”, mặc dù chữ “quetzal” trong tiếng Anh chỉ một loài chim đặc hữu ở Trung Mỹ. Nét đẹp của nàng được truyền tụng là tự nhiên, vĩnh cửu, không bao giờ phai nhạt. Xochiquetzal vốn là vợ của thần mưa Tlaloc, nhưng sắc đẹp của nàng khiến thần bóng đêm Tezcatpiloca lập mưu bắt cóc nàng cho mình, và tôn nàng làm nữ thần tình yêu.
Giống với nữ thần Aphrodite của Hy Lạp, nàng thường được một đàn chim bồ câu tháp tùng trong khi đi dạo. Một điểm tương đồng nữa là Xochiquetzal khá phóng đãng, khuyến khích dân chúng “vui vẻ” với nhau vì niềm vui chứ không đơn thuần để duy trì nòi giống. Tuy nhiên, nàng lại là người bảo vệ cho những thai phụ.
Trong lễ hội tôn vinh Xochiquetzal mỗi tám năm một lần, người Aztec sẽ đeo những chiếc mặt nạ bướm để nhảy múa. Nhưng ngay cả trong lễ hiến tế cho một nữ thần sắc đẹp, người Aztec vẫn duy trì “tính man rợ” vốn có của dân tộc. “Nạn nhân” được trang điểm giống Xochiquetzal, sau đó bị… lột da, chủ tế khoác bộ da đó lên người, quỳ trước đền thờ làm lễ. Trong khi đó những người thợ thủ công hóa trang thành… khỉ, tay cầm hoa cúc vạn thọ và nhảy múa xung quanh!
Tường Vy