Tinh Hoa

Những người vô danh nổi tiếng!

Sự thật, họ hoàn toàn vô danh. Nhưng, dưới bàn tay của những họa sỹ tài năng, những người làm mẫu vô danh ấy đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Sự nổi tiếng vượt thời gian. Và, những bức chân dung của họ có giá lên tới hàng triệu đô…

Đó chính là trường hợp của những người làm mẫu trong những bức họa nổi tiếng thế giới. Những người vô danh ấy đã trở nên nổi tiếng qua hàng trăm năm, hàng triệu năm cùng với bức chân dung bất hủ của mình.

American Gothic (Phong cách Gothic Mỹ)

Hoạ sĩ: Grant Wood (1891 –1942)

Năm sáng tác: 1930

Grant Wood vẽ bức American Gothic khi nước Mỹ bước vào thời kỳ đại suy thoái. Wood lúc đó đi tìm những “mẫu” thể hiện được sự vất vả trong cuộc sống khi đó, những con người thuộc tầng lớp trung lưu, luôn cố gắng thể hiện mình ở mặt tích cực, luôn cố gắng thoát khỏi sự nghèo đói, túng quẫn nhưng khi cuộc sống trở nên khó khăn, họ cũng là những người vất vả, giằng xé nhất khi phải lăn lộn giữa cái vỏ phù phiếm bên ngoài và những khó khăn hiện hữu bên trong mỗi cuộc đời và số phận.

Hoạ sĩ Grant Wood đã mời bác sĩ của gia đình, ông B.H. McKeeby (1867-1950) làm mẫu cùng cô em gái của ông là bà Nan Wood (1899-1990). Hai nhân vật chính của chúng ta đã ưng thuận làm mẫu vẽ cho Wood sau khi hoạ sĩ hứa rằng danh tính của hai người sẽ không bị tiết lộ. Hai nhân vật chính thực chất không đứng trước căn nhà và được vẽ riêng từng người chứ không đứng cạnh nhau. Về sau bức hoạ trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới và là một trong những bức được nhái lại nhiều nhất.

Pinkie (Ngón út)

Tác giả: Thomas Lawrence (1769 –1830)

Năm sáng tác: 1794

Pinkie là bức chân dung khắc hoạ Sarah Barrett Moulton lúc 11 tuổi. Sarah là con gái của mộ chủ đồn điền giàu có ở Jamaica tên là Charles Barrett Moulton. Cô bé được sinh ra và lớn lên ở Jamaica, sau này đến Anh để học tập. Trong thời gian ở Anh, bà của cô bé đã mời hoạ sĩ Thomas Lawrence vẽ bức chân dung này và hiện giờ nó là một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới.

Thật đáng buồn, cô bé đã qua đời chỉ một năm sau khi bức tranh được hoàn thành vì bệnh ho gà. Bức Pinkie và bức The Blue Boy hiện được trưng bày đối diện nhau trong cùng một căn phòng tại viện bảo tàng The Huntington ở San Marino, bang California và trên thị trường tranh chép, chúng cũng thường được coi là một cặp tranh rất xứng đôi dù không được vẽ bởi cùng một hoạ sĩ và thời điểm vẽ cách nhau cả ¼ thế kỷ.

Whistler’s Mother (Mẹ của Whistler)

Hoạ sĩ: James McNeill Whistler (1834 –1903)

Năm sáng tác: 1871

Nhiều người thường cho rằng đây là bức tranh khắc hoạ một phụ nữ mang đặc trưng phong cách Mỹ, nhưng thực tế mẫu nữ Anna McNeill Whistler được khắc hoạ trong bức chân dung này khi bà đang ở nước ngoài. Bà chính là mẹ đẻ của hoạ sĩ James McNeill Whistler. Sinh năm 1884 tại bang North Carolina, năm 1831, bà kết hôn với người đàn ông goá vợ và trở thành mẹ kế của 3 con nhỏ. Bà cũng có 4 con trai nhưng hai người chết sớm chỉ còn lại hoạ sĩ James và William Whistler.

Năm 1842, cả gia đình chuyển tới Anh vì chồng bà được một công ty đường sắt mời tới làm kỹ sư, phải nói rằng ông George Washington Whistler, chồng bà, là một kỹ sư đường sắt xuất chúng khi đó. Sau khi ông qua đời năm 1849, bà Anna quay lại Mỹ và sống ở Connecticut trong suốt cuộc nội chiến Mỹ. Sau khi hoạ sĩ Whistler bị đuổi khỏi Học viện Quân sự Hoa Kỳ, bà đã cùng con tới Luân Đôn để James bắt đầu khởi nghiệp hoạ sĩ. Bà luôn khích lệ con mình hãy tự tin theo đuổi ước mơ dù cuộc sống của hai mẹ con lúc đó thực sự rất khó khăn, eo hẹp. Bà đã làm mẫu cho con trong những bức tranh đầu tiên khi con khởi nghiệp hoạ sĩ.

Christina’s World (Thế giới của Christina)

Hoạ sĩ: Andrew Wyeth (1917– 2009)

Năm sáng tác: 1948

Andrew Wyeth lấy cảm hứng vẽ nên bức tranh này trong chuyến về thăm gia đình ở Cushing, tiểu bang Maine trong một kỳ nghỉ hè. Khi đó ông nhìn qua cửa sổ và thấy một người phụ nữ bò qua cánh đồng. Người phụ nữ đó tên là Christina Olson (1893-1969). Christina bị chứng thoái hoá cơ và mất khả năng đi lại. Wyeth gặp gỡ Olson và anh trai của cô, Alvaro năm 1939. Hai người đã giới thiệu một người phụ nữ có tên là Betsy cho Andrew và sau này Betsy trở thành vợ của hoạ sĩ tài danh.

Thực chất có hai mẫu nữ giúp Andrew hoàn tất bức tranh này. Đôi chân gầy guộc, cánh tay và chiếc váy hồng khắc hoạ Christina Olson, khi đó đã ngoài 50. Phần đầu và thân mình khắc hoạ Betsy, vợ của hoạ sĩ, khi đó mới ngoài 20. Christina Olson chẳng bao giờ đi xa quá ngôi nhà và cánh đồng gần nhà nên trong suốt cuộc đời mình cô không hề biết rằng bức tranh khắc hoạ mình đã trở nên nổi tiếng.

Năm 2000, Andrew và Betsy đã kỷ niệm 60 năm tổ chức đám cưới. Tình bạn giữa gia đình Olsons và hoạ sĩ Wyeth đã phát triển kể từ khi ông thực hiện bức tranh này và gia đình còn dành hẳn một tầng cho hoạ sĩ Wyeth dung làm phòng tranh, chuyên sáng tác trong những kỳ nghỉ hè của ông. Căn nhà của gia đình Olson giờ được Uỷ ban di tích quốc gia Mỹ xếp vào những di sản cần bảo vệ kể từ năm 1995.

Le déjeuner sur l’herbe (Bữa trưa trên cỏ)

Họa sĩ: Édouard Manet (1832-1883)

Năm sáng tác: 1862/63

Manet đã khiến dư luận Pháp trải qua một phen náo loạn khi bức tranh này được đem ra trưng bày năm 1863. Có hai mẫu nữ khỏa thân trong tranh, họ là những mẫu yêu thích nhất của Manet, gồm mẫu Victorine Meurent (1844-1927) để khắc họa khuôn mặt người phụ nữ trong tranh, và người vợ tương lai của ông – mẫu Suzanne Leenhoff (1830-1906) để khắc họa thân hình.

Suzanne Leenhoff đã có một mối tình kéo dài 10 năm với Manet trước khi họ kết hôn năm 1863. Hai người gặp nhau khi Suzanne còn là một nhạc công được cha Manet thuê để giúp họa sĩ và em trai ông là Eugene học chơi đàn piano. Trong suốt quãng thời gian 10 năm đó, Suzanne đã sinh cho Manet một người con trai đặt tên là Leon Koella. Mẫu Victorine Meurent cũng là một nghệ sĩ có nhiều tác phẩm được triển lãm tại các gian trưng bày ở Paris. Hai người đàn ông còn lại là em trai của Manet, Eugene và người em vợ của ông, Ferdinand Leenhoff.

The Weeping Woman (Người phụ nữ lau nước mắt)

Họa sĩ: Pablo Picasso (1881 –1973)

Năm sáng tác: 1937

Người phụ nữ làm mẫu cho bức tranh này là Dora Maar (1909-1997). Maar là một nhiếp ảnh gia người Pháp, ngoài ra còn là một nhà thơ và họa sĩ. Cô cũng là người tình của Picasso từ năm 1936-1944. Họ quen biết nhau khi cô 29 và Picasso 54. Trong cuộc tình này, khi nói về Maar, Picasso nhận xét:

“Đối với tôi, cô ấy là người phụ nữ đang lau nước mắt. Trong nhiều năm liền tôi luôn vẽ cô ấy trong những trạng thái đau khổ, cách khắc họa đó xuất phát từ hình ảnh luôn hiện diện trong đầu tôi về cô ấy, nó buộc tôi phải khắc họa cô ấy như thế. Thực tế là như thế đấy. Dora đối với tôi lúc nào cũng thế thôi, người phụ nữ đang lau nước mắt. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Phụ nữ đang phải chịu đựng quá nhiều sức ép.”

Maar là một nghệ sĩ độc lập và cá tính nhưng trải qua mối tình với Picasso, cô cũng có những kỷ niệm buồn khi phát hiện ra mình không thể có con. Picasso còn ví Dora như một nàng thơ của riêng ông. Cô dành tất cả những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để sống một mình trong ngôi nhà gần Paris mà Picasso đã tặng cho cô.

Năm 2006, một bức tranh khác của Picasso có tên là “Dora Maar with Cat” được trả giá 95.216.000 đô la Mỹ và trở thành bức tranh đắt thứ hai thế giới.

Portrait of Adele Bloch-Bauer I (Chân dung của Adele Bloch-Bauer I)

Họa sĩ: Gustav Klimt (1862 –1918)

Năm sáng tác: 1907

Adele Bloch-Bauer sinh ra ở thành phố Viên của Áo, năm 1881 trong một gia đình giàu có người Do Thái, chuyên kinh doanh ngân hàng. Năm 1899, ở tuổi 17, cô kết hôn với ông trùm buôn đường kiêm chủ nhà băng Ferdinand Bloch Bauer. Ferdinand là khách hàng quen thuộc của Gustav Klimt, ông ta đã giao nhiệm vụ cho họa sĩ thực hiện một bức chân dung cho vợ của mình. Năm 1907, sau ba năm với hàng trăm bức phác thảo được thực hiện, bức chân dung của Adele đã được hoàn thiện.

Klimt sau đó còn thực hiện bức chân dung thứ hai năm 1912 và cô cũng là mẫu duy nhất được vẽ tới hai lần trong các tác phẩm của Klimt. Gia đình nhà Bloch-Bauers duy trì mối quan hệ thân thiết với họa sĩ trong một thời gian dài và mua tổng cộng 6 bức tranh của ông bao gồm 2 bức chân dung của Adele và 4 bức tranh phong cảnh. Ngày 24/1/1925, Adele bất ngờ qua đời vì bị viêm màng não. Trong di chúc của mình, bà yêu cầu chồng hiến tặng những bức tranh của Klimt cho viện bảo tàng quốc gia Áo sau khi bà qua đời. Năm 1938, khi Đức quốc xã xâm lược Áo, chồng của Adele phải vượt biên ra nước ngoài vì nguồn gốc Do Thái của ông và buộc phải bỏ lại tất cả tài sản. Đa số chúng đều bị đánh cắp bao gồm cả những bức tranh của Klimt.

Năm 1945, trong chúc thư của ông Ferdinand Bloch-Bauer, ông đã lại tất cả tài sản cho các cháu họ của mình. Sau đó đã diễn ra một cuộc kiện tụng kéo dài giữa Mỹ và Áo tranh giành quyền sở hữu những bức tranh từng bị thất lạc trong thời kỳ Đức quốc xã. Cuối cùng, vào năm 2006, Maria Altmann, người cháu gái sống tại California của Bloch-Bauer đã được thừa kế những bức tranh này. Năm 2007, bức chân dung thứ nhất của Adele năm xưa được bán với giá 135 triệu đô la và nằm trong danh sách những bức tranh đắt nhất trên thế giới.

Luncheon of the Boating Party (Tiệc trưa trên thuyền)

Họa sĩ: Pierre-Auguste Renoir (1841-1919)

Năm sáng tác: 1881/82

Renoir thường đưa vào người bạn của mình vào các tác phẩm tranh và bức này cũng không ngoại lệ. Trong số rất nhiều những hình ảnh bạn bè hiện diện trong tranh là người vợ tương lai của ông, bà Aline Charigot, chính là người phụ nữ đang trêu đùa với chú chó. Một người bạn khác là họa sĩ người Pháp nổi tiếng Gustave Caillebotte, đứng ở vòng ngoài. Renoir và Aline kết hôn năm 1890, 5 năm sau khi con trai Pierre của họ ra đời. Aline trở thành tình yêu vĩnh cửu trong suốt cuộc đời Renoir và cô xuất hiện trong rất nhiều bức tranh khác của ông. Sau nà họ còn có thêm hai người con đặt tên là Jean và Claude. Dù Aline trẻ hơn chồng tới 23 tuổi nhưng cô lại qua đời trước Renoir 4 năm.

Hai con trai của họ là Pierre và Jean sau này đều trở thành những diễn viên, đạo diễn nổi tiếng. Jean được đề cử giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The Southerner. Năm 1975, anh nhận được giải Oscar vì những đóng góp trong ngành công nghiệp phim màu.

Portrait of Dr. Gachet (Chân dung bác sĩ Gachet)

Họa sĩ: Vincent van Gogh (1853 –1890)

Năm sáng tác: 1890

Bác sĩ Paul Gachet (1828-1909) là một họa sĩ không chuyên theo trường phái ấn tượng và luôn cổ vũ cho phong cách này. Bác sĩ kết bạn với những họa sĩ nổi tiếng như Pissarro, Renoir, Manet và Cezanne và được các bạn tặng rất nhiều tranh khiến ông trở thành nhà sưu tập sở hữu số tranh thuộc trường phái ấn tượng lớn nhất tại Châu Âu. Bác sĩ Gachet đã kết hôn với Blanche Castets năm 1868 và có hai con là Marguerite và Paul. Tháng 5/1890, sau khi Van Gogh được ra khỏi bệnh viện tâm thần, ông vẫn cần một người giám sát y tế.

Trong suốt thời gian Van Gogh ở với vị bác sĩ, Van Gogh nhận xét về Gachet là một người “còn yếu đuối hơn cả tôi, tôi nghĩ vậy, hay là tôi đã nói quá lời nhỉ”. Không ai hiểu sự thực đằng sau những lời nói này là gì. Ngày 27/7/1890, Van Gogh đi ra cánh đồng để vẽ và tự bắn súng vào ngực mình bằng một khẩu súng lục. Bác sĩ Gachet đã được gọi đến ngay lập tức nhưng vết thương quá nặng không thể phẫu thuật và Van Gogh đã ra đi sau hai ngày hấp hối. Không thành viên nào trong gia đình Van Gogh yêu cầu bác sĩ Gachet chịu trách nhiệm về cái chết của người bệnh nhân đang trong thời kỳ giám sát của ông.

Bác sĩ Gachet thường sáng tác với nghệ danh Paul Van Ryssel. Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là bức phác họa Van Gogh nằm trên giường bệnh hấp hối. Con trai của bác sĩ là Paul Louis sau này đã trở thành một người buôn tranh khi được thừa kế hàng trăm tác phẩm nghệ thuật từ cha mình. Cũng giống như cha, anh trở thành họa sĩ nghiệp dư.

Mona Lisa

Họa sĩ: Leonardo da Vinci (1452 – 1519)

Năm sáng tác: 1503-1506

Tên thật của nàng Mona Lisa là Lisa del Giocondoa, một thành viên của gia đình Gherardini. Nàng sinh ra ở thành phố Florence, Pháp vào ngày 15/6/1479 và là con gái cả trong gia đình có 7 người con. Ở tuổi 15, nàng kết hôn với Francesco del Giocondo, một nhà buôn vải và buôn lụa. Sau khi công việc kinh doanh phất lên vào năm 1503, chồng của Mona Lisa đã đặt vẽ bức chân dung cho nàng. Lúc đó, Mona Lisa đang mang thai đứa con thứ hai. Trong suốt thời gian vẽ bức tranh này, Da Vinci đã ghi lại vắn tắt những nhận xét về Lisa như tính cahcs vui vẻ và nụ cười ấm áp. Lisa và Francesco có tất cả 5 người con là Piero, Camilla, Andrea, Giocondo và Marietta. Lisa cũng nuôi dạy Bartolomeo, người con riêng của chồng với người vợ cả đã qua đời. Hai con gái của bà là Camilla và Marietta sau này đều trở thành các bà xơ. Camilla qua đời ở tuổi 18 còn Marietta sau này trở thành một nữ tu sĩ có chức vụ cao trong giáo hội. Chồng của Mona Lisa, ông Francesco được nhiều tài liệu kể lại là người đàn ông vô cùng yêu vợ, ông qua đời ở tuổi 80 khi dịch đậu mùa quét qua thành phố. Cuộc đời của nàng Mona Lisa sau đó không được biết tới và vẫn còn nằm trong huyền bí với nhiều tranh luận khác nhau.

Năm 1506, Leonardo vẫn coi bức chân dung đó là chưa hoàn thiện và không đưa cho khách hàng vì vậy ông không nhận được thù lao. Trong cả cuộc đời xê dịch của mình, ông luôn mang theo bức tranh bên cạnh và hoàn thiện từng chút một trong nhiều năm.

 
Hồ Bích Ngọc
Theo LV