Tinh Hoa

‘Trăng xanh’ không làm người ta phát điên

Trăng xanh ở Floria năm 2009. Ảnh: Flickr/LiveScience.

Tuần trước đúng vào dịp lễ Vu lan, Việt Nam và các nước trên thế giới đã có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng trăng tròn lần thứ hai trong tháng 8. Phải đến tháng 7/2015, “trăng xanh” mới lại xuất hiện.

Thuật ngữ “trăng xanh” được dùng để gọi hiện tượng trăng tròn lần thứ hai trong tháng, chứ thực ra trăng sẽ không phát ra ánh sáng màu xanh.

Tuy nhiên, hiện tượng kỳ thú hiếm gặp trên lại đang trở thành tâm điểm của nhưng tin đồn, nhiều người cho rằng, “trăng xanh” khiến người phát điên. Do đó, khi nó xảy ra, mọi người sẽ chốt chặt cửa trong nhà, vì theo truyền thuyết cũ (người sói) và mới (số liệu thống kê của cảnh sát và nhân viên bệnh viện) cho thấy trăng tròn liên quan đến hành vi bất thường.

Trước vấn đề trên, giới khoa học thực hiện cuộc điều tra để tìm hiểu mối liên hệ giữa mặt trăng và sự bất bình thường của con người. Kết quả, họ hầu như không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về mối liên quan đó.

Để minh chứng, các nhà nghiên cứu lấy ví dụ về số người bệnh tới phòng cấp cứu tại các bệnh viện. Năm 1996, Mỹ kiểm tra sổ lưu của hơn 150.000 cuộc thăm khám bệnh ở khoa cấp cứu của một bệnh viện vùng ngoại ô. Các nhà khoa học không phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào giữa các đêm trăng tròn với đêm khác của tháng.

Nhiều thử nghiệm khác đưa ra nhưng đều không tìm thấy liên hệ nào giữa dịp trăng tròn với việc nhập viện vì bệnh tâm thần, hay động kinh, phẫu thuật.

Theo LiveScience, nhiều khả năng truyền thuyết về bệnh tật với trăng tròn là khái niệm mà các chuyên gia tâm lý học dùng để chỉ xu hướng ghi nhớ thông tin có chọn lọc của con người. Cụ thể, nếu bạn là y tá đang làm việc vất vả trong khoa cấp cứu và chợt nhận ra hôm nay trăng tròn, từ đó bạn sẽ ghi nhớ mối liên hệ này hơn là đêm trăng khuyết.

Liệu động vật có bị ảnh hưởng của trăng tròn? Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thú y Mỹ năm 2007, vào đêm trăng tròn, chủ của những con chó, mèo thường đưa nó tới phòng khám của Đại học Colorado nhiều hơn. Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể đêm trăng tròn sáng khiến người đi ra ngoài với vật nuôi nhiều hơn, nguy cơ khiến vật nuôi bị thương tăng lên. Nhưng, họ vẫn chưa giải thích rõ ràng mối liên hệ này.

Trăng xanh” tồn tại do tháng trong Công lịch không trùng khớp với tháng theo chu kỳ trăng. Thông thường mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do mặt trăng quay quanh trái đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Vì thế sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn.

Hương Thu

(vnexpress.net)