Lượng vũ khí mà Mỹ bán cho thế giới đã tăng lên gấp 3 lần trong năm 2011, đạt
mức 66,3 tỉ USD. Các quốc gia vùng Vịnh đứng đầu bảng trong số các khách hàng
chính, và nước mua nhiều vũ khí nhất là Ả Rập Xê Út.
|
Các Tiểu vương quốc Ả Rập mua hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD (Hệ thống đánh chặn theo khu vực ở độ cao) trị giá 3,49 tỉ USD |
Trung tá đã nghỉ hưu Anthony Shaffer của quân đội Mỹ, hiện đang nghiên cứu
tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến tin rằng, doanh thu buôn bán vũ khí
tăng nhiều như vậy là vì ngành công nghiệp này đang tìm cách bù cho các khoản lỗ
trước đó.
“Tôi không hề thích thú gì khi phải nói ra rằng, chúng ta có một tổ hợp công
nghiệp quân sự khổng lồ cần tới mọi kiểu chăm sóc cũng như cung ứng, nhưng đó là
một phần của thỏa thuận” – Shaffer nói và cho biết thêm: ‘Nói một cách thẳng
thắn thì khi mà chúng tôi bắt đầu nhìn vào các hoạt động quân sự giảm dần tại
Iraq và Afghanistan, sự thật đau lòng là: ngành công nghiệp của chúng tôi đang
phải tìm kiếm các thị trường mới”.
Shaffer cũng lưu ý rằng một trong những lý do khiến cho Ả Rập Xê Út và các
quốc gia vùng Vịnh đang đứng đầu danh sách mua vũ khí là vì Mỹ muốn đảm bảo rằng
họ muốn có một nguồn cung dầu ổn định.
“Đã từng có lý thuyết như sau: nếu như chúng tôi duy trì tốt quan hệ với tất
cả các quốc gia này, đặc biệt là Ả Rập Xê Út như hồi chiến tranh vùng Vịnh năm
1991, thì họ sẽ duy trì nguồn dầu mỏ và dầu xuất khẩu của họ” – ông Shaffer nói.
Một lý do quan trọng nữa khiến các quốc gia trên phải trang bị vũ khí là vì
Mỹ có vẻ như đã sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến với Iran, và Shaffer tin rằng
điều này “không thể tránh khỏi”.
“Tôi nghĩ là vào lúc này chỉ trừ khi có điều gì đó cực kỳ ghê gớm xảy ra, còn
không thì chúng ta sẽ có thể chứng kiến chiến tranh chỉ trong vòng 18 tháng tới,
thậm chí có thể sớm hơn. Về mặt nguyên lý là, khi trang bị và giúp trang bị vũ
khí cho các đồng minh của chúng ta, các đồng minh về cơ bản có thể tiến hành một
cuộc chiến được ủy quyền” – Shaffer phân tích.
Ông Shaffer lưu ý thêm là cùng lúc đó, Mỹ không có một chiến lược lâu dài cho
các khu vực bất ổn mà họ đang cung cấp vũ khí với số lượng lớn.
“Lúc này Mỹ vẫn chưa có một chiến lược toàn cầu. Chúng tôi không biết điều gì
sẽ xảy ra tại Syria. Do vậy, ngoài việc cố gắng cô lập Iran vào lúcu này và hậu
thuẫn cho Israel, Mỹ chẳng có một lộ trình nào phía trước khi thiếu một chiến
lược rõ ràng và cố kết” – Shaffer nhận định.
Số vũ khí các quốc gia vùng Vịnh mua có trị giá lên tới 33, 4 tỉ USD, với các
mặt hàng từ máy bay chiến đấu F-15 cho tới các loại tên lửa.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập mua hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD (Hệ thống đánh
chặn theo khu vực ở độ cao) trị giá 3,49 tỉ USD, cùng với 16 máy bay trực thăng
Chinook gần 1 tỉ USD.
Các chuyên gia cho rằng việc kinh doanh vũ khí của Mỹ phát đạt như vậy có thể
là do các quốc gia láng giềng của Iran lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng gia
tăng của Tehran.
“Các quốc gia vùng Vịnh đang mua vũ khí vì họ đang lo ngại về phong trào Mùa
xuân Ả Rập và các cuộc nổi dậy tại Bahrain, họ cũng đồng thời là một phần trong
tiến trình tăng cường lực lượng vũ trang do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Iran” –
nhà phân tích quân sự Chris Bambery nói.
Chris Bambery nói thêm rằng Ả Rập Xê Út đã trở thành đồng minh then chốt của
Mỹ trong thế giới Ả Rập sau khi chính quyền Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sụp
đổ, “và việc kinh doanh vũ khí của Mỹ đã phản ánh rõ điều đó”.
Căng thẳng giữa Iran và Israel đã gia tăng trong bối cảnh các thông tin đăng
tải rằng Tel Aviv đang cân nhắc việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trước
khi Mỹ bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Hàng trăm người xuất chúng ở Israel đã ký vào một bản kiến nghị phản đối động
thái của chính phủ vốn do Mỹ hậu thuẫn, trong đó không loại trừ khả năng hành
động quân sự.
Các khách hàng quan trọng khác của Mỹ còn có cả Ấn Độ (4 tỉ USD) và Đài Loan
(2 tỉ USD).
Mỹ mới chốt một thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD với nền kinh tế lớn nhất châu Á
là Trung Quốc. Thỏa thuận cuối cùng cho thấy Washington hưởng lợi từ dòng tiền
của Trung Quốc trong khi vẫn triển khai các hoạt động được cho là nhằm vào quân
đội của Bắc Kinh. Trong khi Washington tích cực đối trọng với quân đội Trung
Quốc tại Thái Bình Dương, Washington vẫn phụ thuộc về mặt kinh tế khi muốn bán
thêm nhiều vũ khí cho Bắc Kinh.
Như vậy, chỉ trong năm 2011, buôn bán vũ khí của Mỹ đạt tới 78% kinh doanh vũ
khí nước ngoài trên toàn cầu. Do đó, năm 2011 đánh dấu mốc kinh doanh cao nhất
trong lịch sử Mỹ. Nghiên cứu của ban Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ chỉ ra rằng kinh
doanh vũ khí đã ‘tăng đặc biệt’ kể từ năm 2010 khi mà lượng vũ khí Mỹ bán ra
nước ngoài đạt trị giá lên tới 21.4 tỉ USD.
Đứng sau Mỹ là Nga, nhưng doanh thu chỉ đạt 4,8 tỉ USD.
- Lê Thu (theo RT)
(vietnamnet.vn)