Tinh Hoa

GS Ngô Bảo Châu: ‘Sống tử tế, phải biết xấu hổ’

Sáng 31/8, giáo sư Ngô Bảo Châu có buổi giao lưu với giới trẻ TP.HCM. Tại đây, giáo sư chia sẻ nhiều vấn đề về Toán học và những suy nghĩ về sách giáo khoa (SGK) Lịch sử hiện nay.

Nhiều bạn trẻ đặt vấn đề “Làm thế nào để có thể giỏi toán như giáo sư?” được giáo sư Ngô Bảo Châu đáp lời: “Muốn học toán giỏi thì phải học. Bí quyết duy nhất là học chăm. Muốn mình phát triển phải có sự chịu trách nhiệm về bản thân…”

GS Ngô Bảo Châu ký tặng sách cho bạn trẻ

Để minh chứng, giáo sư chia sẻ một kỉ niệm về thầy Tôn Thân – người thầy đã dạy toán cho mình hồi học cấp 2. Thầy mang chiếc áo mưa vào lớp, để ngay ngắn trên bàn, tuy nhiên sau khi đó lại bị vo tròn như quả bóng và nằm dưới chân một học sinh tên Huy.

“Khi đó, thầy hỏi chúng tôi ai là người làm việc này. Không có người nào trả lời. Cuối cùng Huy đã đứng lên nhận lỗi”. Thầy nghiêm giọng nói, “hôm nay tôi rất buồn vì các em. tôi không tin trong sự viêc này chỉ có một mình bạn Huy có lỗi, mà có nhiều em không dám đứng ra nhận lỗi, con người ai cũng có lỗi cả, nhưng để cho mình tốt hơn cần phải biết xấu hổ”

“Thú thật lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ và học được rằng muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ, không chỉ tôi mà bã xã sau này đều coi đó như một bài học quý giá cho hết thời gian đi học sau này” – lời giáo sư.

Chia sẻ về sách giáo khoa và hiện nay, giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết: Thực tế tôi có đọc một số sách giáo khoa Toán, Sử học và nhận thấy rằng SGK của chúng ta không hề tệ như người ta nói. Trên thực tế SGK không như thế này thế kia. Cái khó không phải nằm ở SGK mà là cách dạy.

Khi đánh giá về SGK Lịch sử giáo sư Ngô Bảo Châu luôn thể hiện sự băn khoăn ở cách trình bầy trong SGK Lịch sử cấp 3.

“Tôi có cảm tưởng như người viết sợ bị người khác phê bình, nên khi viết cái gì cũng đưa ra những sự kiện ngày – tháng – năm, hoàn toàn không có bất cứ một sự liên hệ, phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ cá nhân của người viết liên hệ thực tiễn với nhau. Có thể người viết sợ sai nên cách viết rất khô khan?” – giáo sư chia sẻ.

Buổi giao lưu thu hút nhiều bạn trẻ tham dự

Vẫn ý kiến giáo sư, sách Lịch sử như một tư liệu tuyệt vời để cho học sinh, giáo viên suy nghĩ về con người, đất nước, mặc dù những sự kiện là dữ liệu nhưng suy nghĩ, đánh giá như thế nào tùy ở từng người. Lịch sử không nhất thiết phải có đáp án.

Chỉ ra vai trò của giới trí thức và thanh niên trong việc đưa đất nước phát triển bền vững, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: “Người có trí thức không phải là người đi dạy dỗ người khác, là người có khả năng, hiểu biết, tư duy độc lập trong mỗi vấn đề, có khả năng chỉ ra những lựa chọn, cái đúng, cái sai, cái hay, đẹp để cho những người khác có thể có điều kiện được trang bị kiến thức hơn và có những lựa chọn kiến thức cho họ”.

Trả lời về việc một số tỉnh thành từ chối với những người học tại chức, giáo sư nêu quan điểm: Việc học tại chức ở nước ta có vẻ bị biến thái vì động cơ của nó không xuất phát từ nhu cầu nội tại của công việc, từ sự cầu tiến của bản thân mà lại từ cái mà người ta gọi là chuẩn hóa bằng cấp. Có lẽ ràng buộc hành chính việc thăng quan tiến chức với sở hữu bằng cấp là nguyên nhân. Theo ông, việc đánh giá được năng lực con người là rất khó, vì thế càng không thể đơn giản hóa nó thành chuyện sở hữu một số bằng cấp.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, cũng có lúc gặp phải nhiều áp lực trong cuộc sống, không có lối thoát nhưng quan trọng là kiên định con đường mà mình đã chọn. Ngày hôm nay có thể cả một chân trời đã sụp nhưng ngày mai trời lại tươi sáng hơn, xung quanh còn có bạn bè, đồng nghiệp…. Họ đặt niềm tin vào mình và niềm tin đó đã trở thành “xi măng” để gắn kết, củng cố vững vàng cho tôi.

Tại buổi giao lưu, giáo sư Ngô Bảo Châu cùng các khách mời – nhà văn Nguyễn Phương Văn, nhà thơ Phan Đan và nữ họa sĩ Thái Mỹ Phương chia sẻ về quyển sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” của NXB Nhã Nam.

(vietnamnet.vn)