Việc trăng tròn xuất hiện đến 2 lần trong cùng một tháng đã làm dấy lên vô số lời đồn thổi về sự kỳ quái. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng hiện tượng “trăng xanh” khiến người phát điên thực tế chỉ là chuyện hoang đường.
Trang Live Science dẫn lời các chuyên gia thiên văn học cho biết, “trăng xanh” năm nay – lần trăng tròn thứ 2 của tháng – rơi đúng vào ngày 31/8/2012. Đây là một hiện tượng đặc biệt, chỉ xảy ra trung bình 2,7 năm1 lần. Lần “trăng xanh” tiếp theo sẽ không xuất hiện cho mãi tới năm 2015.
Nhiều người tin “trăng xanh” là dịp mọi người nên chốt chặt cửa trong nhà vì các truyền thuyết, cả cũ (về người sói) và mới (thống kê của cảnh sát và các nhân viên cấp cứu bệnh viện ở nhiều nơi), đều quy kết trăng tròn có liên quan đến những hành vi bất thường.
Các nhà khoa học đã phải vào cuộc để tìm hiểm về mối liên hệ giữa Mặt trăng với tình trạng điên rồ của con người. Họ gần như chẳng tìm thấy bằng chứng nào làm căn cứ cho sự liên can đó.
Thử lấy số lần “viếng thăm” phòng cấp cứu tại các bệnh viện làm ví dụ. Năm 1996, các nhà nghiên cứu Mỹ đã lật lại sổ lưu hơn 150.000 cuộc thăm khám bệnh tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở vùng ngoại ô. Họ không phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào giữa các đêm trăng tròn với những đêm khác của tháng. Một số cuộc nghiên cứu khác đã thử nhưng đều thất bại trong việc khám phá ra một mối liên hệ nào đó giữa dịp trăng tròn với việc nhập viện cấp cứu vì tâm thần, động kinh hay phẫu thuật.
Nhiều khả năng nhất là, những truyền thuyết về bệnh tật, việc phát điên và trăng tròn là những ví dụ của “xu hướng chứng thực” – khái niệm mà các chuyên gia tâm lý học dùng để chỉ xu hướng ghi nhớ thông tin một cách chọn lọc của con người. Nếu bạn là y tá tại khoa cấp cứu bệnh viện đang có một đêm làm việc bận rộn và bất chợt nhận ra hôm nay trăng tròn, bạn nhiều khả năng sẽ ghi nhớ mối liên hệ này hơn là vào một đêm bận rộn nhưng trăng khuyết.
Nếu con người không bị tác động gì, liệu động vật có chịu ảnh hưởng nào đó khi trăng tròn? Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Thú y Mỹ năm 2007 cho thấy, có nhiều chó và mèo được chủ đưa tới phòng khám cấp cứu tại Đại học Colorado hơn vào các đêm trăng tròn. Cụ thể là, số lần phải thăm khám bác sĩ thú y khẩn cấp của các con mèo tăng 23% vào dịp trăng tròn so với các giai đoạn khác của Mặt trăng, trong khi con số này ở chó là tăng 28%. Các nhà nghiên cứu không biết căn nguyên của mối liên hệ này, mặc dù nhận định có thể đêm trăng tròn sáng rõ khiến nhiều người đi ra ngoài hơn cùng với các vật nuôi của họ, do đó, làm tăng nguy cơ khiến chúng bị thương.
Các nghiên cứu khác về động vật cũng lâm vào tình trạng bối rối tương tự. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y học Anh tháng 12/2000, một phòng cấp cứu của Anh đã ghi nhận số ca bị động vật cắn trong hoặc quanh các đêm trăng tròn tăng cao. Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu chủ yếu ở Australia và cũng được đăng tải trên Tạp chí Y học Anh tháng 12/2000 lại không phát hiện bất kỳ mối liên hệ nào. Giới khoa học kết luận một cách khôi hài rằng, có lẽ người sói ở London đã không tìm đường tới Sydney.
Tuấn Anh
(vietnamnet.vn)