Tinh Hoa

Gấu trúc Bắc Mỹ đe dọa châu Âu

Số lượng gấu trúc tại châu Âu bắt đầu tăng vọt từ thập niên 70. Ảnh: surfgraph.info.

Gấu trúc Mỹ được nhập khẩu vào châu Âu để làm động vật cảnh và số lượng của chúng bắt đầu bùng nổ từ thập niên 70. Giờ đây, dư luận châu Âu coi chúng là động vật xâm lấn. Giới khoa học cảnh báo gấu trúc Mỹ có thể gieo rắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh do ký sinh – như bệnh dại.

“Do sự bùng nổ về số lượng và hàng loạt bệnh mà gấu trúc Mỹ có thể mang trong cơ thể, chúng ta phải nhớ rằng chúng là một nguy cơ đối với sức khỏe”, Livescience dẫn lời Beatriz Beltrán-Beck, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Tây Ban Nha. Bà là người chỉ đạo một nghiên cứu về tình trạng xâm lấn của gấu trúc Mỹ tại châu Âu.

Bệnh dại đã bị đẩy ra khỏi phần lớn khu vực Tây Âu, song Beltrán-Beck cảnh báo gấu trúc Mỹ có thể phát tán mầm bệnh ở khu vực Đông Âu. Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Tây Ban Nha cho biết, trong nhiều năm qua, người ta phát hiện 142 trường hợp gấu trúc Mỹ mắc bệnh dại ở châu Âu. Phần lớn trường hợp xảy ra ở Ukraina, Estonia, Đức và Lithuania.

Người dân châu Âu thường thả gấu trúc Bắc Mỹ vào môi trường hoang dã khi chúng tới giai đoạn trưởng thành hoặc trở nên hung dữ. Ảnh: surfgraph.info.

Đôi khi cơ thể gấu trúc Mỹ mang giun tròn Baylisascaris procyonis, loài động vật ký sinh có khả năng gây mù, thương tổn thần kinh hoặc tử vong ở người. Con người chỉ phát hiện ra bệnh sau khi ấu trùng giun di chuyển vào mắt hoặc não. Rất ít người nhiễm giun tròn Baylisascaris procyonis, song các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Tây Ban Nha cảnh báo rằng số ca nhiễm giun ở châu Âu có xu hướng tăng dần.

“Một trong những vấn đề đáng lo ngại là các nước châu Âu, như Tây Ban Nha, không kiểm soát hoạt động buôn bán gấu trúc Mỹ. Người dân châu Âu mua chúng để nôi rồi thả chúng vào rừng khi chúng lớn hoặc trở lên hung dữ. Các nước châu Âu cũng không có thông tin về tình trạng phân bố và mật độ gấu trúc Mỹ tại châu Âu”, Beltrán-Beck nói.

Minh Long

(vnexpress.net)