Không cần điện, máy nổ hay các nguồn cung cấp năng lượng, xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh vẫn có thể tự vận hành, chữa cháy với nhiều tính năng được đánh giá là chưa từng có trong bất cứ xe chuyên dụng PCCC trên cả nước, thậm chí trên thế giới.
Ông Phương (phải) giới thiệu hệ thống van trộn bọt khí, nước giúp tiết kiệm nước, triệt tiêu nguồn lửa. Ảnh: Ng.H |
Sáng 28-8, tại Đà Nẵng, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC&cứu nạn cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC – Bộ Công an) trực tiếp kiểm định các tính năng của “Xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh 1.500. Thiết bị do “nhà sáng chế không bằng cấp” Phan Đình Phương (Tổng giám đốc Cty CP KHCN An Sinh Xanh, Đà Nẵng) chế tạo, sau 15 năm nghiên cứu, thử nghiệm.
Tám bể dầu được châm lửa cháy phừng phực giữa khoảng sân rộng. Cùng một hệ thống ống dẫn nước cứu hỏa, ban đầu, ông Phương dùng các loại vòi chữa cháy của các hãng Mỹ nổi tiếng như Listed, Tyco…
Tuy nhiên, sau hơn 30 phút, ngọn lửa không bị khống chế. Chỉ khi dùng thiết bị vòi hòa khí do An Sinh chế tạo, cộng thêm cơ chế phun bọt khí, khí nén… chưa đầy 3 phút, các đám lửa lớn được dập tắt hoàn toàn.
Ở vị trí không xa, xe cứu hỏa làm nhiệm vụ cấp nước, bơm khí nén, nhưng động cơ máy không hoạt động như những loại xe cứu hỏa thông thường.
Ông Phương lý giải: Thay vì dùng động cơ máy nổ để bơm nước, thiết bị này hoạt động trên nguyên lý tự vận hành, sử dụng khí nén được tích trữ dưới dạng áp suất để nén lên trên bề mặt nước trong bình chứa kín tạo ra áp suất, đẩy nước chữa cháy. Ở vòi phun nước, hệ thống các van nước, khí, bọt được thiết kế riêng với độ phun xa 70-80m.
Ngoài tính năng tự vận hành, ưu điểm đặc biệt của xe chữa cháy là tiết kiệm nước tối ưu. Theo ông Phương, bình khí nén (230-250kg CO2/xe) đủ để đẩy 10m3 nước thành 15.000 m3 hơi nước/CO2/bọt; 1 lít CO2 hóa lỏng thành 500 lít khí CO2 và từ sức mạnh của CO2, 1 lít nước hóa thành 1.500 lít hơi nước.
Cũng bởi tính năng này mà thiết bị có tên An Sinh và đính kèm thông số 1.500. Thiết bị được ông Phương khắc phục thêm một số hạn chế của các xe chữa cháy thông dụng, như: kèm dây dẫn ôxy bảo vệ lính chữa cháy và cứu người, đủ thiết bị cho 20-30 người dập nhiều đám cháy cùng lúc; không làm ẩm ướt tài sản, máy tính, tiền bạc ở những nơi dập lửa… khiến chiếc xe được giới khoa học, chuyên môn đánh giá 5 trong 1 với nhiều tiện ích tích hợp.
Thượng tá Đỗ Công Xảo, Phó trưởng phòng Hậu cần (Cục Cảnh sát PCCC), cho hay: Qua đánh giá, việc áp dụng khí nén đẩy, bọt khí làm giảm tiêu thụ nước dập lửa 3-5 lần so với xe chữa cháy hiện nay.
Khả năng tự vận hành giúp phương tiện hoạt động ổn định ngay cả khi không có nguồn điện.
Theo Thượng tá Trần Văn Được, Phó giám đốc Trung tâm NCKH và tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC&cứu nạn cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC), bình thường 1 xe chữa cháy chỉ chở 3.500 lít nước nên ở những đám cháy lớn phải huy động nhiều phương tiện, gây khó khăn di chuyển, tắc đường, đặc biệt những vụ cháy trong hẻm. Tính năng tiết kiệm nước giúp xử lý đám cháy lớn nhanh gọn, không cần nhiều phương tiện.
Việt Nam, quốc tế đánh giá cao
Người dân có thể tham gia chữa cháy và xe chữa cháy tự vận hành. |
Giải pháp sử dụng khí nén để đẩy nước chữa cháy trong các sản phẩm của ông Phương chế tạo được Việt Nam và Mỹ cấp bằng sáng chế độc quyền; Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố và nhận được sự đồng thuận từ 147 nước.
Trên cơ sở những sáng chế đầu tiên của ông Phương, năm 2007, Bộ KH&CN quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia thiết bị đẩy nước chữa cháy tự vận hành bằng khí nén.
Cục An toàn và bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) đã gửi báo cáo đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để bảo chứng thiết bị chữa cháy này.
Đồng thời, công trình này đã được Bộ KH&CN phê duyệt đưa vào nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước năm 2012, nhằm nghiên cứu để triển khai áp dụng tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Năm 2011, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), Đại tá Đỗ Văn Sơn, ký văn bản hướng dẫn các sở cảnh sát PCCC và phòng PCCC nghiên cứu ứng dụng hệ thống chữa cháy tự vận hành của ông Phương.
Cty An Sinh Xanh từng đón tiếp các chuyên gia cao cấp về an toàn điện hạt nhân của Pháp đến đây để tìm hiểu. Và họ đánh giá: “Đây là thiết bị hữu dụng, đặc biệt trong trường hợp ứng phó điện hạt nhân như ở Fukushima (Nhật Bản)”.
Để ra đời sản phẩm này, ông Phương mất 15 năm mày mò nghiên cứu, từ khi còn là nhân viên Tổng kho Xăng dầu Mỹ Khê (Đà Nẵng). Không phải là kỹ sư, không bằng cấp, ông Phương tự tham khảo tài liệu, để chế tạo từ con mắt báo cháy, máy nén khí, hệ thống bơm phun đến những sản phẩm đầu tiên, như máy chữa cháy An Sinh, xe đẩy chữa cháy và cứu ngạt, xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh 1.500 cùng dựa trên nguyên lý hoạt động tự vận hành nhờ áp suất khí nén. Hiện các sản phẩm máy chữa cháy được áp dụng tại trạm biến áp EVN (Thừa Thiên – Huế), Tập đoàn Dầu khí Thành Tài (Long An), Tập đoàn Công nghiệp Morito Nhật Bản (Đà Nẵng)… Thượng tá Được cho hay, so với giá thành xe chữa cháy thông dụng, xe chữa cháy An Sinh có giá cạnh tranh hơn. Xe chữa cháy hiện đại đang được các sở Cảnh sát PCCC sử dụng có giá 5-6 tỷ đồng. |
Nguyễn Huy