Tinh Hoa

Trung Quốc trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng nhất thập kỷ

Chính sách của giới lãnh đạo mới sẽ có khả năng quyết định tương lai của Trung Quốc cũng như có tầm ảnh hưởng trên quy mô rộng hơn trong thập kỷ tới.

 

 

Ai sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào đứng trên bục cao kia? Ảnh: AFP

 

Quá trình chuyển giao quyền lực cấp cao nhất tại Trung Quốc, sự kiện chính trị quan trọng nhất chỉ diễn ra 1 lần trong 1 thập kỷ, chuẩn bị diễn ra. Không giống cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ chẳng có các cuộc tranh luận được tường thuật trực tiếp, giây phút đếm bang thắng cử đầy gay cấn hay phiên nhậm chức hoành tráng theo kiểu các ngôi sao.

Tuy nhiên sẽ không có nghĩa rằng cuộc chuyển giao quyền lực của Trung Quốc toàn những điều nhàm chán. Dưới đây là những điều nên kỳ vọng từ sự kiện chính trị nổi bật của năm 2012 này.

“Sương mù” che phủ các bí mật quan trọng

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới, tên tuổi của thành viên mới thuộc Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được công bố. Khoảng 6 tháng sau đó, họ sẽ chính thức nắm quyền.

Ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ trở thành Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc.

Cho đến nay, gần như chắc chắn ông Tập Cận Bình, con trai của người anh hùng cách mạng, cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Trần Trọng Huân, sẽ trở thành Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc. Ông Lý Khiết Cường (Li Keqiang), thành viên còn lại trong nhóm 9 chính trị gia cấp cao thuộc Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đủ trẻ để tiếp tục tham gia trong ban thường vụ, sẽ lên giữ chức Thủ tướng.

Còn ai nữa? Ông Uông Dương (Wang Yang), bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông, đối thủ của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, hiện đang nhận được nhiều sự chú ý. Ngoài ra không thể không kể đến ông Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), hiện đang giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề tài chính của Trung Quốc.

Hiện nay, gần như tất cả mọi thông tin liên quan đến ngày giờ công bố tên lãnh đạo cũng như số lượng nam chính trị gia trong ban thường vụ chưa được công bố, nếu có nữ chính trị gia trong ban, hẳn sẽ gây ra không ít ngạc nhiên. Ngoài ra, số lượng thành viên trong ban thường vụ có thể được điều chỉnh từ 9 xuống 7. Hoạt động bổ nhiệm bí thư thành ủy các tỉnh của Trung Quốc gần đây không khỏi gây ngạc nhiên, phần lớn người được bổ nhiệm đều đang ở độ tuổi 50 hoặc 60.

Sự tĩnh lặng khác thường

Năm 2002, khi ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Chính lãnh tụ nổi tiếng Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, đã tiến cử ông Hồ Cẩm Đào. Mọi thứ hiện nay khó đoán trước hơn rất nhiều.

Điều này lý giải tại sao cho đến nay chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến đảm bảo sự ổn định. Hàng loạt sự kiện gây bất ổn gần đây đã được giải quyết triệt để, hoạt động tìm kiếm trên mạng bị kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Nếu có điều gì đó cần nhấn mạnh, có thể thấy không khí trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực cực kỳ quan trọng này dường như im ắng quá mức. Bất chấp kinh tế đang tăng trưởng kém, chính phủ Trung Quốc không đưa ra bất kỳ chính sách nào có khả năng gây tranh cãi. Nếu tình hình xấu hơn nữa, giới lãnh đạo mới sẽ phải vội vàng tính đến chương trình giải cứu nền kinh tế?

Trung Quốc có phải mô hình chuẩn?

Giới chuyên quan sát và dõi theo tình hình chính trị Trung Quốc khẳng định, hiện đang tồn tại 3 nhóm đối lập trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không thể không kể đến nhóm được coi như “vương tôn công tử”, trong đó bao gồm ông Vương Kỳ Sơn và Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh trước đây. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể nổi lên như nhóm thứ 4.

Rất khó để tiếp cận được nhiều thông tin liên quan đến chính trường Trung Quốc. Mọi cuộc đối đầu, nếu có, luôn trong vòng bí mật. Gần như không thể biết được ai đến, ai đi cho đến khi mọi chuyện đã xong xuôi rồi, giống như ông Bạc Hy Lai thời gian qua.

Sự sụp đổ của ông Bạc chỉ tạo ra thêm chỗ trống trong Ban thường vụ

Bộ Chính trị Trung Quốc.

Số phận Bạc Hy Lai sẽ ra sao?

Việc ông Bạc mất chức thời gian qua đã khiến cho lý thuyết rằng mọi thứ được sắp đặt từ trước đó rất lâu trở nên sai lầm. Những gì xảy ra với ông Bạc khiến người ta nhớ đến các đợt làm thanh sạch đội ngũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ trước. Vợ của ông bị buội tội sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood, tội danh và hình phạt cụ thể dành cho ông Bạc chưa được công bố chi tiết.

Dù sự sụp đổ của ông Bạc khiến người ta quan tâm, nó cũng sẽ chẳng thay đổi được gì nhiều ngoại trừ việc tạo ra thêm chỗ trống trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Quá trình chuyển giao quyền lực cấp cao nhất Trung Quốc sẽ diễn ra trôi chảy hơn khi không còn ông.

Tại sao thế giới quan tâm đến Trung Quốc?

Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc thuộc nhóm chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Kinh tế Trung Quốc đang trên con đường trở thành nền kinh tế số 1. Nếu kinh tế Trung Quốc không “hạ cánh an toàn”, nhà đầu tư nước ngoài, những người đã rót đến 116 tỷ USD vào Trung Quốc năm 2011, sẽ trở nên khốn khổ. Ngoài ra, nếu kịch bản trên thành hiện thực, rất nhiều tầng lớp nhân dân Trung Quốc sẽ phải sống cuộc sống vô cùng khó khăn.

Thách thức với tầng lớp lãnh đạo mới tại Trung Quốc không hề nhỏ. Trung Quốc hiện cần rất nhiều: hệ thống an sinh xã hội tốt, hoạt động phân bổ vốn tốt hơn, cải cách chính sách chính phủ. Song bất kỳ thay đổi nào quan trọng, từ chính sách một con cho đến hệ thống hộ khẩu, sẽ phải vượt qua được truyền thống và quyền lợi của không ít người.

Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng sẽ phải quyết định nên ứng xử thế nào với phần còn lại của thế giới. Ví dụ, nhà đầu tư vào Trung Quốc và nhà đầu tư trong nước muốn tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài phải được hỗ trợ ra sao. Chính sách nới lỏng kiểm soát dòng vốn và giảm bớt biện pháp hạn chế hoạt động đầu tư liên biên giới sẽ tốt cho dài hạn nhưng trong ngắn hạn làm dấy lên nỗi lo về khả năng dòng tiền đổ vào ồ ạt.

Trên phương diện chính trị, Trung Quốc cần phải giải quyết tốt quan hệ với Mỹ, tranh chấp biển đảo với Nhật, Philippin. Phần còn lại của thế giới hồi hộp chờ đợi thay đổi mới.

Vai trò của ông Tập Cận Bình trong Trung Quốc của tương lai

Ông Ôn Gia Bảo và ông Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Quốc từ khi nước này còn “khép kín” với thế giới. Ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo tương lai sẽ lên nắm quyền trong thời kỳ mới, họ đã nhìn thấy lợi ích của thương mại và sự cởi mở dù họ phải chứng kiến việc Trung Quốc bị đổ lỗi do gây ra nhiều yếu tố bất ổn trên toàn cầu.

Ông Tập Cận Bình có thể sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ xuất khẩu, kích thích lĩnh vực còn yếu kém của nền kinh tế như dịch vụ phát triển.

Nếu như ông Hồ Cẩm Đào mang đến cho thế giới từ ngữ “tiến bộ khoa học công nghệ”, “xã hội ổn định”. Ông Tập Cận Bình sẽ còn có nhiều lựa chọn hơn, ví như “tái cân bằng”, “công bằng”, “cải cách”…Chính sách của ông sẽ định hình Trung Quốc và có thể trên quy mô rộng hơn trong thập kỷ tới.

Ngọc Diệp

Theo TTVN/Slate, Cafef