Tinh Hoa

2 phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ bị vây đánh vì nghi buôn lậu thịt bò

Hôm 26/7, hai phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ đã bị đám đông vây đánh tại một nhà ga ở Madhya Pradesh vì nghi ngờ buôn lậu thịt bò, một việc bị cấm tại quốc gia này.

Theo các nhân chứng, cảnh sát có mặt tại hiện trường nhưng không ngăn chặn vụ việc mà để họ bị đánh trong gần nửa giờ đồng hồ, và chỉ tịch thu 30 kg thịt từ hai người phụ nữ.

Những xét nghiệm sau đó cho thấy số thịt này thực chất là thịt trâu. Tuy nhiên, 2 người phụ nữ trên vẫn bị buộc tội vì họ không có giấy phép bán thịt. Trong khi những người hành hung và cảnh sát thờ ơ trước vụ việc không hề bị gì.

Trước sự việc trên, Bộ trưởng Nội vụ bang Bhupendra Singh hôm 27/7 tuyên bố: “Không thể để luật pháp trong tay họ. Một cuộc thăm dò sẽ được tiến hành“.

Một phụ nữ bị đánh ngã trong vụ hành hung ở Madhya Pradesh hôm 26/7. (Ảnh cắt từ video)

Trước đây, tại Ấn Độ từng xảy ra nhiều trường hợp tương tự. Tối 28/9, ông Mohammad Akhlaq, 50 tuổi, bị khoảng 100 người lôi ra khỏi nhà và vây đánh ở làng Dadri, cách thủ đô New Delhi khoảng 35 km. Dù được cứu ra khỏi đám đông giận dữ và đưa đến bệnh viện nhưng ông đã tử vong.

Tờ Indian Express dẫn lời con gái của nạn nhân nói rằng, gia đình cô chỉ trữ thịt cừu trong tủ lạnh chứ không có thịt bò.

Hơn 1 tuần sau, ngày 8/10, các thành viên đảng BJP của Ấn Độ đã tấn công chính trị gia người Hồi giáo Rashid Ahmed ngay sau khi phiên họp của nghị viện ở bang Kashmir bắt đầu. Họ nổi giận vì ông Ahmed phục vụ thịt bò trong một bữa tiệc cá nhân. Ông này sau đó được các nghị sĩ phe đối lập giải cứu và đưa ra khỏi cuộc họp.

Ahmed cho hay, ông tổ chức bữa tiệc trên là để phản đối lệnh cấm phục vụ thịt bò trên toàn bang Kashmir.

Việc giết mổ bò bị cấm ở nhiều bang của Ấn Độ, quốc gia có đa số dân cư theo đạo Hindu, bên cạnh một lượng nhỏ theo đạo Hồi, đạo Thiên chúa và đạo Phật.

Đối với các tín đồ Hindu, bò là loài động vật linh thiêng và được thờ phụng như một vị thần. Họ không ăn thịt bò và xem việc cho bò ăn là một cách để lấy lòng thần thánh. Sự tôn sùng này dẫn đến tình trạng rất nhiều bò ở Ấn Độ tự do đi lại ở các khu phố hay trên đường cao tốc vào giờ cao điểm.

Tổng hợp