Tết thì không thể thiếu củ kiệu chua ngọt nhưng để làm món ăn này giòn, ngon và không bị hăng, cần một chút bí quyết. Nàng nào muốn lấy lòng gia đình người yêu thì nhanh nhanh học cách làm đi nhé!
Tết cổ truyền của dân tộc Việt không thể thiếu món kiệu ngâm. Đây là món ăn kèm vừa thơm ngon vừa làm tăng thêm hương vị món ăn chính. Kiệu có vị chua thanh, giòn giòn và mùi vị đặc trưng riêng biệt đã trở thành một hương vị của Tết.
Cách 1
Nguyên liệu:
– 500g củ kiệu tươi
– 300g đường
– 80ml giấm
– 40g muối
– Muối hạt
– Một tí xíu phèn chua
Cách làm:
– Kiệu mua về ngâm với muối hột để ra hết các chất dơ. Ngâm kiệu ít nhất 8 tiếng hoặc có thể ngâm qua đêm. Sau đó xả cho thật sạch nước.
– Pha phèn chua với nước rồi tiếp tục ngâm kiệu vào. Sau đó, đem kiệu đi phơi nắng trong vòng 1 đến 2 tiếng.
– Đem kiệu đi xả nước cho sạch rồi đem phơi cho thật ráo.
– Tiến hành cắt bỏ phần rễ, chân và tước bỏ lớp vỏ bên ngoài.
– Rửa qua nước cho sạch rồi đem kiệu đi phơi nắng khoảng 6 tiếng.
– Đun nóng ấm và khuấy đều hỗn hợp 1 lít nước, đường, muối và giấm đến khi hòa tan hoàn toàn. Đợi cho hỗn hợp thật nguội. Xếp kiệu vào hũ, chế hỗn hợp nước ngâm ngập mặt, đậy kín, bảo quản nơi khô thoáng.
Sau chừng 10 ngày thì kiệu có thể sử dụng, tuy nhiên còn phụ thuộc vào độ chua của giấm.
Để món kiệu ngâm ngon nhất, lưu ý khi mua, hãy chọn những củ kiệu nhỏ để khi ngâm sẽ nhanh thấm giòn và ngon hơn. Sẽ rất thiếu sót nếu Tết đến mà trong nhà vắng đi hũ kiệu ngâm.
Cách 2
Nguyên liệu:
– Kiệu: 1 kg (nên chọn kiệu Huế củ nhỏ sẽ ngon hơn)
– Đường: 300 gram
– Muối hột: 2 muỗng canh
– Phèn chua: 1 tí xíu
– Giấm: 1 chén nhỏ
Cách làm:
– Củ kiệu mua về rửa sơ, đem ngâm kiệu với nước có pha muối khoảng 12 tiếng. Sau đó đem kiệu xả lại với nước sạch nhiều lần.
– Cho kiệu đã rửa sạch vào thau có pha nước phèn chua, tiếp tục ngâm và đem thau kiệu đi phơi 1 nắng.
– Vớt kiệu đã ngâm ra rổ, xả lại bằng nước sạch từ 5-6 lần. Rải kiệu đều ra khay và phơi 1 nắng.
– Kiệu khô hẳn, ta tiến hành cắt bỏ rễ và lá, lột bớt vỏ lụa bên ngoài cho sạch. Lưu ý khi cắt kiệu, chúng ta đừng cắt quá sâu vào phần rễ vì như vậy khi ngâm kiệu sẽ dễ bị hư.
– Tiến hành rửa kiệu bằng cách lấy chén giấm, cho một ít củ kiệu vào chén rửa qua, sau đó vớt kiệu ra để khô (hoặc dùng khăn sạch lau khô). Làm lần lượt cho đến khi hết kiệu.
– Cho kiệu đã rửa vào thố, cứ 1 lớp kiệu rồi đến 1 lớp đường, làm cho đến hết kiệu. Đậy nắp thố lại đem đi phơi nắng, thỉnh thoảng đảo kiệu cho đường tan. Khoảng 2 ngày sau là kiệu sẽ có nước và đường sẽ tan hết.
– Xếp kiệu vào lọ thủy tinh. Dùng nan tre nén chặt kiệu lại, sau đó trút hết phần nước đường đã ngâm kiệu vào trong hũ. Đậy kín nắp để khoảng 2 tuần là ăn được.
Với cách làm này, tuy thời gian để kiệu chua hơi lâu hơn nhưng bù lại dưa kiệu sẽ giòn, ngon và đặc biệt là để lâu sẽ không bị hư. Dưa kiệu ăn kèm với tôm khô hay trứng bắc thảo sẽ là món ngon để “lai rai” trong những ngày Tết. Bạn hãy thử tài để đãi cả gia đình trong dịp Tết này nhé!
Tổng hợp