Tinh Hoa

‘Bướm lạ’ ở Quảng Nam không độc

Loài bướm tấn công ngư dân Quảng Nam trong thời gian qua là bướm đêm, chúng khôn truyền độc nhưng có thể gây dị ứng cho người. 

Loài bướm đêm tìm thấy trên tàu của ngư dân Quảng Nam. Ảnh: Kienthuc.

Suốt 2 tuần qua, hàng trăm ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình vẫn trong tình trạng lo lắng khi trên boong tàu xuất hiện hàng triệu con bướm lạ tấn công. Chúng lao vào và cắn người gây mụn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Nhiều người do quá ngứa đã gãi trầy da, tứa máu mà không hết.

Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Vũ Văn Liên, thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, đó là loài bướm đêm, còn gọi là ngài, thuộc các họ ngài trời Sphingidae, ngài đêm Noctuidae và một số họ bướm đêm khác.

“Bướm đêm thích ánh sáng đèn, vì thế thấy ánh đèn của thuyền đánh cá, chúng sẽ bay vào. Nhưng nếu biển hôm đó có gió lớn, chúng sẽ ít bay vào vì gió làm chúng mât cân bằng”, tiến sĩ Liên nói.

“Loài bướm đêm tấn công ngư dân không có độc hại”.

Về việc mẩn ngứa của ngư dân, tiến sĩ Liên cho biết, đó là do phấn của nhiều loài khi tiếp xúc với da gây ngứa, khiến nhiều người dị ứng. Biểu hiện của dị ứng do loài bướm đêm gây nên là người đó sẽ thấy nổi mề đay, da sần sùi, nổi mụn, thậm chí khiến da bỏng rộp.

Khi bật đèn, những com bướm đêm sẽ tập trung dày đặc. Ảnh: Vũ Văn Liên.

Trước đó, trả lời báo giới, bà Phan Thị Thanh Diễm, giảng viên môn sinh học, trường Đại học Quảng Nam nhận định, loài bướm lạ xuất hiện trên biển gây ngứa cho ngư dân Quảng Nam có thể là loài biến đổi theo sự thay đổi của môi trường.

Theo bà Diễm, chắc chắn có một chất gì đó tác động đến loài bướm, chẳng hạn như chất thải công nghiệp, chất thải do con người thải ra gây ô nhiễm môi trường sống nên chúng mới di chuyển ra khu vực biển để sống.

Bà Diễm cho rằng, phấn bướm gây nên các bệnh hen suyễn, còn phấn bướm gây ngứa là hiếm gặp.

Theo các chuyên gia, để tránh bị phấn hay lông của côn trùng, khi bật đèn điện, con người không nên đứng gần đèn, hoặc nên mặc quần áo dài, đeo khẩu trang kín.

Hương Thu