Thời báo TNN (Ấn Độ) hôm 19/8 trích dẫn lời Tư lệnh Không quân nước này, ông N A K Browne cho biết, Moscow và New Delhi sắp ký kết một dự án quốc phòng lớn chưa từng có trong lịch sử, trị giá tới 35 tỷ USD trong thời gian 20 năm tới.
“Ấn Độ và Nga đang thực hiện tất cả những giai đoạn thiết kế cuối cùng trong hợp đồng nghiên cứu và phát triển (R&D) loại chiến đấu cơ thế hệ thứ năm vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm 2013”, Tư lệnh IAF Browne nói.
Ông Browne cũng nhấn mạnh rằng, nước này đã quyết định “từ chối” lời đề nghị mua loại chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 Lightning-II Joint Strike Fighter (JSF) mà trước đó người Mỹ đã từng đề xuất.
Theo người đứng đầu Cơ quan hợp tác phát triển của Ấn Độ, Không quân nước này muốn đặt hàng hơn 200 máy bay chiến đấu tàng hình từ năm 2022 trở đi. Một nhóm các kỹ sư cấp cao của tập đoàn hàng không Hindustan Aeronautics(HAL) và các chuyên gia Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) sẽ đến Nga trong vòng 2 tuần để chắc chắn nhận được “đầy đủ tài liệu và các công việc khác” của hợp đồng thiết kế sơ bộ.
Chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi T-50, sản phẩm hợp tác phát triển giữa Nga và Ấn Độ. |
Theo ông Browne, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Không quân Ấn Độ sẽ được chế tạo chủ yếu dựa trên nguyên mẫu máy bay Sukhoi T-50, nhưng sẽ được điều chỉnh đáp ứng các yêu cầu của IAF.
Ấn Độ đã ký hợp đồng thiết kế sơ bộ trị giá 295 triệu USD với Nga trong tháng 12/2010. Hợp đồng hợp tác phát triển máy bay tàng hình thế hệ thứ năm được quyết định ở 11 tỷ USD, trong đó mỗi bên phải trả một nửa (5,5 tỷ USD cho mỗi nước).
Trước đây, Ấn Độ xác định cần mua ít nhất 214 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA), trong đó có 166 biến thể máy bay 1 người ngồi và 48 máy bay 2 người ngồi. Tuy nhiên, theo ông Browne thì Ấn Độ hiện đang cân nhắc có nên chỉ lựa chọn máy bay 1 chỗ ngồi như hiện nay hay là mua cả hai biến thể.
“Cả F-35 và Su-T-50 đều là máy bay 1 người ngồi. Nếu có thêm một buồng lái thứ hai sẽ làm máy bay giảm khả năng tàng hình, ít nhất là 15%, ngoài ra máy bay cũng nặng hơn trong khi lượng nhiên liệu mang trong thân giảm đi. Hơn nữa, chi phí R&D có thể tăng lên tới 2 tỷ USD cho máy bay 2 chỗ ngồi”, ông Browne nói.
FGFA sẽ được thiết kế dựa trên Sukhoi T-50. |
Ấn Độ có máy bay tàng hình đầu tiên năm 2014
Ông Browne cũng tiết lộ rằng, biến thể ban đầu của một máy bay tàng hình thế hệ mới và cũng là một máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới do Nga và Ấn Độ phát triển sẽ được cung cấp cho Không quân Ấn Độ vào năm 2014.
“Mẫu thử nghiệm đầu tiên của FGFA được lên kế hoạch chuyển tới Ấn Độ vào năm 2014, sau đó máy bay sẽ được thử nghiệm rộng rãi ở căn cứ không quân Ojhar (Maharashtra)… Chúng tôi hy vọng rằng máy bay mới sẽ sẵn sàng sản xuất từ năm 2022”, ông Browne nói.
Cũng theo ông này, mẫu thử nghiệm FGFA thứ hai sẽ về Ấn Độ vào năm 2017, và mẫu thứ ba về năm 2019. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm của mỗi nguyên mẫu, biến thể cuối cùng của FGFA sẽ được phát triển để đưa vào phục vụ.
FGFA cùng với các máy bay Su-30MKI của Nga và 126 máy bay Rafale của Pháp dự kiến sẽ là trụ cột của Lực lượng Không quân Ấn Độ trong hơn 4 thập kỷ tới.
Yến Phạm (theo Idrw)
(bee.net.vn)