Tinh Hoa

“Thần dược” thổi mập giá đỗ: Độc hại hay không?

– Kết quả kiểm nghiệm của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đối với thuốc làm mập giá SHS được nhiều hộ dân làng Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội sử dụng vẫn chưa thể đánh giá được loại thuốc này có độc hại hay không vì không có chất chuẩn để xác định.

 

Thành phần không rõ ràng?

Theo tìm hiểu từ một số website ở Trung Quốc, chúng tôi được biết thuốc SHS này ngoài chất 6 benzylaminopurine còn có chất Gibberelin (GA) và một hợp chất có tên viết tắt là IAA (thuộc họ Auxin).

Sau khi gửi mẫu thuốc SHS (đựng trong túi polime, ống nhựa dẻo) tới Trung tâm kiểm định của Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả thu được là không có chất Gibberelin. Khi thực hiện thí nghiệm có xuất hiện 2 chất khác, song không có chất chuẩn, nên không kết luận được đây là chất gì.

Thuốc SHS dùng trong ủ giá đỗ hiện nay được dùng tại làng Thượng Cát đã thay đổi so với thuốc SHS mà chính những hộ dân nơi đây đã dùng trước đó. Khác biệt ở chỗ, SHS trước được đóng trong hộp bìa cứng thì nay được chuyển sang đóng theo túi polime, mỗi túi 20 ống bằng nhựa dẻo. Và ngay cả những thông tin trên bao bì cũng đã có những thay đổi giữa 2 kiểu đóng gói.

Không một dòng chữ tiếng Việt nào, tất cả chỉ  hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Chỉ  những người thực sự am hiểu tiếng Trung và có kiến thức về hóa học thì mới hiểu hết được nội dung trên bao bì của loại thuốc này. Điều đó cho thấy người bán và sử dụng có ai dám chắc chắn biết và hiểu hết được tất cả chỉ dẫn, cơ sở sản xuất, xuất xứ hay cả liều lượng dùng, cách dùng ra sao ? Thay vào đó chỉ là những lời mách nước theo kiểu rỉ tai nhau và tự biên tự diễn khi người dân sử dụng.

Chị Hạnh – một người biết tiếng Trung sau khi dịch hoàn chỉnh bao bì, cho biết: Để dịch hoàn chỉnh và hiểu rõ các chất ghi trên nhãn phải cần phối hợp với người có kiến thức về hóa chất, hóa học nữa.

Theo thông tin ghi trên hộp đựng kiểu cũ của SHS thì nổi bật là hình ảnh gần giống chữ V ngược cách điệu từ cây giá đỗ với tên Cấu Lực. Theo như những chữ tiếngTrung được in trên bao bì thì thành phần, công dụng của sản phẩm này là dung dịch chất lỏng không màu, trong suốt. SHS được chiết xuất từ loại thảo dược không độc hại, không chất bảo quản. Có chức năng ức chế sản xuất rễ nhỏ của giá đỗ, khiến cho giá đỗ dày, trắng, nâng cao được chất lượng và sản lượng.

Người sử dụng ngâm đỗ khoảng 3 tiếng, sau đó dựa vào phương pháp thông thường để gieo giá đỗ hoặc khi mầm đậu cao được 2 cm thì tiến hành tưới dung dịch chất lỏng 1 lần, khi mầm đậu cao 5cm lại tiếp tục tưới một lần nữa. Thời hạn sử dụng thuốc là 2 năm.

 

Cùng 1 loại thuốc SHS nhưng cách đóng gói đã khác nhau

 

Còn đối với nhãn mác mới của thuốc SHS đã thay đổi khá nhiều, hình logo gần giống chữ V ngược với cách điệu cây giá đỗ đã có kèm chữ R, điều này có nghĩa là thương hiệu đã được đăng ký bản quyền. Ngoài ra, sự khác biệt thấy rõ là trên nhãn mác mới không còn được ghi chất kích thích giá đỗ không ra rễ nữa, mà thay vào đó là chất phụ gia thực phẩm– 6 benzylaminopurine. Hàm lượng 1,1% và mỗi ống 2 ml.

Kèm theo đó là dòng tiêu chuẩn số: Q/321183 XT 002, giấy phép y tế số 320000 – 050077 do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Giang Tô cấp năm 2007 – Phòng Nghiên cứu hóa sinh thành phố Cấu Dung. Còn nơi sản xuất là thị trấn Hành Hương- thành phố Cấu Dung – tỉnh Giang Tô, kèm số điện thoại, fax và mã bưu điện. Trên túi polime còn có dòng chữ sản phẩm chuyên dùng cho giá đỗ.

Ở mặt sau của túi polime ghi công dụng như sau: Đây là sản phẩm này làm tăng lượng 6-benzylaminopurine (C12H11N5) trong thực phẩm. Khi dùng cho giá đỗ, giúp ức chế sự tăng trưởng của rễ, kích thích giá đỗ lớn nhanh, thân mập và trắng, giúp tăng sản lượng và nâng cao chất lượng giá đỗ. Mỗi gói sản phẩm có thể dùng cho 10 đến 12 kg đậu khô.

Cách dùng và liều lượng cũng rõ ràng hơn trước khi giá đỗ dài tới 1 – 1.5cm, pha 1 gói vào 3-4 lít nước, đổ giá vào ngâm, sau 30 phút vớt ra và dùng bình tưới nước lên giá một lần nữa. Để có tác dụng tốt nhất, khi giá đỗ dài 3 – 4 cm lại tiếp tục lặp lại quy trình lần nữa.

Như vậy, trên bao bì chỉ có một chất duy nhất là 6 benzylaminopurine. Ngoài ra không ghi rõ thành phần gồm những chất gì ở bên trong.

Sử dụng kiểu rỉ tai nhau

Thuốc SHS được nhiều hộ sản xuất giá đỗ sử dụng từ lâu nay, nhưng hầu như chỉ sử dụng mà chẳng mấy ai  quan tâm đến việc bao bì, nhãn mác ghi nội dung, liều lượng ra sao. Theo lời chị M ( người đã đi làm giá đỗ ở Thượng Cát) cho biết: “Chủ yếu người bán nói thuốc dùng thế nào, rồi người ủ cứ thế mà làm. Chứ làm gì có chuyện đi xem chữ trên vỏ ghi chép cái gì”.

Thế nhưng, không phải không có trường hợp vì cho nhiều thuốc SHS mà giá không mọc được, thậm chí lượng pha 1 ống SHS với 1 lít nước làm nồng độ quá cao dẫn đến giá làm ra nhão nhoét khiến bao công sức đổ xuống sông xuống biển.

Một người bán giá đỗ tiết lộ thật thà với PV: “Giá đỗ ở những hàng mà có dùng thuốc, kể cả thuốc ngấm vào rồi, nhưng dùng lượng hơi nhiều là không để được qua buổi chiều, vì nó sẽ nát rất nhanh”.

Thậm chí, theo lời một số người ở Thượng Cát cho biết, người ủ giá đỗ khi cho SHS vào chỉ kiểu truyền tai nhau. Bà T ( người dân Thượng Cát cho biết): “ Nhà này làm rồi nhà kia hỏi, người này hỏi người kia cứ thế mà tự làm rồi rút kinh nghiệm cho lượng thế nào”.

Được biết, có người cho 1 ống SHS vào 4 lít nước lã và tưới lên 2 vại, nhưng có người lại cho lượng đó vào 3-4 vại và thậm chí có người sợ giá không lên nên dùng đến 5-6 vại với 1 ống SHS kèm nước lã. Một người dân khác ở Thượng Cát cũng bật mí: “ Cho đặc quá là giá không lên đâu, cứ 1 ống pha nước 3-4 lít mà dùng cho 4 -5 vại là vừa”.

Không nên quá hoang mang khi mua giá đỗ

Trong cuộc trao đổi về loại thuốc SHS của PV VTC News với ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, ông Hồng cho biết: “Với bao bì nhãn mác chỉ có tiếng Trung Quốc như thế này, thì đây là loại thuốc chưa được phép sử dụng và lưu hành ở Việt Nam, tức là ngoài danh mục. Thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành ở Việt Nam phải đảm bảo về nhãn mác tiếng Việt, cách sử dụng, cảnh báo về độ độc theo quy định chi tiết trong Thông Tư 38 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”.

Ông Hồng nhấn mạnh: “Theo kết quả thí nghiệm của Trung tâm kiểm định thuộc Cục Bảo vệ thực vật thì chưa kết luận được có hại hay không ?”. Loại thuốc SHS này chưa được đăng ký sử dụng và khảo nghiệm, nên người bán và người sử dụng đều vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt hành chính nếu cơ quan chức năng phát hiện”. 

Tuy nhiên, nếu xét theo những thành phần mà Website ở Trung Quốc đưa ra thì những chất như 6 – benzylaminopurine, Gibberelin (GA), IAA ( Auxin)… đó là những chất kích thích điều hòa sinh trưởng cây trồng. Được biết, Việt Nam hiện cũng có danh mục thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng cây trồng được sử dụng, các loại hoạt chất thuộc danh mục đó thuộc nhóm ít độc. 

“Không phải những thuốc chưa được đăng ký mà sử dụng ở Việt Nam đều là những thuốc độc hại. Bởi, có những loại thuốc là tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của các nước, họ đã sử dụng, nhưng chưa có doanh nghiệp nào trong nước đứng ra đăng ký khảo nghiệm để đưa vào sử dụng” – Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng nói thêm.

 

Ông Nguyễn Xuân Hồng
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

 

Còn việc sử dụng thuốc SHS trên giá đỗ, do chưa có khảo nghiệm cụ thể, nên không biết được có nên sử dụng hay không?. Ông Hồng khuyến cáo “ Chưa biết thuốc SHS này có nguồn gốc ở đâu hay có chứa chất độc hại bên trong không? Nên người  dân không sử dụng hoặc bán loại thuốc này và cần chờ kết quả khảo nghiệm”.

Liều lượng sử dụng mà người dùng áp dụng như 1 ống SHS cho 3-4 vại hoặc 1 ống dùng cho 2 vại hay 1 ống cho 7-8 vại, ông Hồng cho biết: Với chất kích thích điều hòa sinh trưởng có lượng sử dụng rất ít, nếu dùng lượng nhiều thì không đạt được mong muốn.

Bởi vì, thuốc kích thích điều hòa sinh trưởng, nếu dùng nhiều sẽ gây biến dạng và khiến ảnh hưởng phẩm chất cây trồng, chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Cụ thể, với SHS chứa hoạt chất điều hòa kích thích sinh trưởng cây trồng, nếu dùng lượng nhỏ thì có tác dụng kích thích, còn sử dụng với lượng lớn tại có tác dụng ngược lại.

Ông Hồng cho rằng: “Người tiêu dùng không quá hoang mang”. Bởi, nếu xét theo thông tin từ website ở Trung Quốc mà thuốc chỉ có những chất điều hòa kích thích sinh trưởng như trên, thì đó là những chất ít độc.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ quan tâm chỉ đạo lấy mẫu và phân tích thông tin, đồng thời tìm hiểu ở Trung Quốc có được phép sử dụng thuốc SHS hay không, xem xét mức độ độc hại của nó. Khi thuốc này chưa được đăng ký thì tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Thành Công