Tinh Hoa

Trung Quốc và quá trình ‘nhập khẩu’ tư tưởng

Trong khi Trung Quốc xuất khẩu đủ mọi thứ thì nước này vẫn nhập khẩu các tư tưởng chính trị.

 

Có cùng một cách thức “nhập khẩu tư tưởng” (du học ở phương Tây), nhưng quan điểm của phái hữu và phái tả mới ở Trung Quốc vẫn có sự khác biệt.

Một quá trình sàng lọc tư tưởng đang ngầm diễn ra tại Trung Quốc trước giai đoạn chuyển giao quyền lực của nước này. Trong đời sống chính trị phương Tây, điều giống như sự cọ sát của các quan điểm cánh tả và cánh hữu.

Phái hữu mới

Giáo sư Zhang Jian không chỉ thông thạo tiếng Anh mà còn thông thạo văn hóa, lịch sử và tư tưởng phương Tây. Ông Zhang có 6 năm theo học tại ĐH Columbia (New York, Mỹ), trước khi có được vị trí tại trường ĐH Bắc Kinh danh giá.

Quá trình học tập của ông Zhang giống với nhiều tri thức ở Trung Quốc đại lục. Bắt đầu hành trình tới phương Tây để tiếp thu kiến thức, sau đó trở về nước làm việc. Vì vậy, với người phương Tây, thảo luận các chính sách của Trung Quốc có thể dễ dàng hơn việc tiếp xúc với ngôn ngữ hay đồ ăn của nước này.

Ông Zhang tự xếp mình vào phe “hữu”, theo trường phái tự do cổ điển. Ông ủng hộ tự do thương mại và cải cách chính trị. “Tôi rất vui nếu nhìn thấy đất nước mình có một hệ thống quản lý chung giống với Anh hoặc Mỹ”, ông nói. Những người có tư tưởng giống ông, đôi lúc được gọi là “phái hữu mới” của Trung Quốc, những người đã gây ảnh hưởng đến giai đoạn “tự do hóa” từ những năm 1980 đến bây giờ.

Trung Quốc vẫn “nhập khẩu” ý tưởng chính trị của phương Tây.

Mark Leonard, đến từ Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, tác giả của cuốn “What does China think?”, cho biết, họ (“phái hữu mới” ở Trung Quốc) đều sinh ra trong những năm 1980 (giai đoạn bà Margaret Thatcher làm Thủ tướng ở Anh, Ronald Reagan làm Tổng thống Mỹ), thường học kinh tế ở những nơi như ĐH Oxford hoặc ĐH Chicago. Họ trở thành nhưng tín đồ của kinh tế thị trường”.

Ông Zhang, mới ngoài 30 tuổi, trẻ hơn so với nhiều chính trị gia theo phái tự do. Ông đã đọc các tác phẩm của các học giả nổi tiếng phương Tây về thị trường tự do như Friedrich Hayek, Milton Friedman và Karl Popper từ thời thiếu niên, trước khi ông đặt chân tới Mỹ. “Bản dịch các tác phẩm của họ từng bán rất chạy ở Trung Quốc”, ông nhớ lại.

Ông Zhang, người theo chủ nghĩa tự do, cho biết, bản thân nhận thức được rằng mình đang đi theo lối mòn của phương Tây. Ông đề cập đến giáo sư Hu Shih, người học tại Columbia 100 năm trước, sau đó quay về ĐH Peking, như một nhà lãnh đạo xuất chúng của chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc.

Ông Zhang lo lắng tiến trình cải cách tự do hóa có thể bị chặn lại trong thời gian tới. “Bản thân tôi không nhìn thấy trước được bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cách thức làm chính trị ở Trung Quốc. Tôi nghĩ họ sẽ tăng cường quản lý xã hội (một thuật ngữ khác của khái niệm “duy trì ổn định”).

 

TT Reagan và bà Thatcher gây ảnh hưởng nhất định tới thế hệ trí thức của Trung Quốc.

 

Phái tả mới

Khác với “phái hữu mới”, những người không bị hấp dẫn bởi nền kinh tế thị trường phương Tây, phái tả mới của Trung Quốc là những người không chối bỏ hoàn toàn thị trường tự do nhưng ủng hộ quan điểm về một sự điều tiết mạnh mẽ của nhà nước. Họ là những người thuộc “phái tả mới” (vẫn gọi được thuận miệng là cánh tả mới).

“Một trong những nhân vật đó, một nhà nghiên cứu trẻ từng học tại Viện Công nghệ Massachusetts, tên là Cui Zhiyuan”, ông Mark Leonard cho biết. Theo ông Leonard, ông Cui giờ là giáo sư tại ĐH Thanh Hoa (Tsinghua, một trường đại học hàng đầu Trung Quốc ở Bắc Kinh). Ông Cui cho rằng Trung Quốc cần giải phóng bản thân khỏi thể chế kinh tế tự do mới.

Một nhân vật hàng đầu khác của cánh tả mới là giáo sư Wang Hui, người từng làm công nhân, sau đó theo học tại ĐH Harvard. Không bị ấn tượng, những người này, thậm chí đã vỡ mộng sau khi tận mắt mình chứng kiến nền kinh tế phương Tây

Một lượng lớn các sinh viên Trung Quốc đi du học ngày nay có cách nhìn “mang nhiều sắc thái” về chủ nghĩa tư bản và dân chủ kiểu Mỹ hơn là những người thuộc thế hệ 1980. Đó là nhận xét của giáo sư Daniel Bell, một nhà sử học đến từ Canada đang giảng dạy tại ĐH Thanh Hoa, người đã có nhiều năm làm việc ở Trung Quốc và có quan hệ mật thiết với cánh tả mới.

Ông Bell giải thích, việc xâm lược Iraq và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng củng cố tư tưởng của cánh tả mới ở Trung Quốc. “Sự việc Iraq đã dẫn tới những cách nhìn hoài nghi không chỉ trong giới trí thức mà còn cả với những người dân bình thường”, ông nói.

Sự “phục hồi” của cánh tả được chú ý nhiều nhất ở thành phố Trùng Khánh (Chongqing), nơi “ngôi sao chính trị mới nổi” Bạc Hy Lai vừa “vụt tắt” hồi đầu năm 2012. Ông Bạc Hy Lai bị chỉ trích nặng nề vì đã quá “đam mê” tư tưởng cánh tả. Khi còn giữ chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông này đã cho phát động phong trào “xướng hồng, đả hắc” (hát nhạc đỏ và trấn áp xã hội đen).

Theo ông Bell, sự vỡ mộng với nền dân chủ phương Tây dẫn đến sự hồi phục của truyền thống một cách sâu rộng hơn giữa các trí thức Trung Quốc.

Bên cạnh xu hướng tả – hữu, Giáo sư Pan Wei, một “ngôi sao” diễn thuyết ở Trung Quốc, cho rằng đất nước không nên đi theo dân chủ kiểu phương Tây, thay vào đó nên học tập những gì tinh túy từ lịch sử Trung Quốc như cách tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài làm quan chức. “Đó là hệ thống của Trung Quốc và nó là một hệ thống vô cùng phức tạp”, ông Pan nói. Ông Pan dạy ở ĐH Bắc Kinh nhưng lấy bằng giáo sư tại một trong những học viện hàng đầu ĐH California (Mỹ, Berkeley).

Quan điểm của ông Pan Wei được cho là khá kỳ lạ trong mắt ông Bell. Bởi quá trình du nhập các ý tưởng chính trị từ phương Tây vào Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 bắt đầu khi giới trí thức nước này đổ lỗi cho truyền thống dẫn đến tình trạng lạc hậu của đất nước tự nhận là “trung tâm thế giới”. Quá trình du nhập tạm thời ổn định khi Chủ nghĩa Mác giành chiến thắng ở Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là, liệu việc gia tăng số lượng trí thức được đào tạo tại phương Tây ở Trung Quốc ngày nay có nghĩa là các tranh luận chính trị giữa cánh tả và cánh hữu sẽ cởi mở hơn sau khi có sự thay đổi bộ phận lãnh đạo hay không?

Theo Báo Đất Việt