Tinh Hoa

‘Chết trôi’ cùng BĐS, nữ thạc sĩ đi bán mỹ phẩm thuê

Sau khi ra trường, Hòa xin vào một công ty kinh doanh tài chính và địa ốc. Cuộc sống có lúc tưởng thành đại gia, ai ngờ đến bây giờ Hòa lại trở thành con nợ.

Nữ thạc sĩ kiêm cò đất

Sinh ra ở vùng đất Thạch Thất, Hà Nội, Cấn Thị Hòa (SN 1984) đã học xong hệ cao học khối ngành Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Mấy năm trước, Hòa làm chuyên viên kinh doanh địa ốc của một công ty tài chính ở phường Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Thời hoàng kim trong công việc của Hòa cũng là thời điểm bất động sản “đỏ sàn”. Hòa nhanh chóng kiếm được những khoản tiền hoa hồng lớn từ các hợp đồng và cả những khoản tiền chênh ăn giá với khách.

 

“Lúc đó, tôi chẳng nhớ mỗi tháng mình kiếm được bao nhiêu tiền. Cuối năm 2010, có lúc tôi kiếm 200 – 300 triệu đồng/tháng. Tôi ngại nhất là phải đi nhận lương chỉ có hơn 3 triệu đồng từ phòng hành chính” – Hòa nhớ lại.

Thời điểm năm 2010, việc buôn đất xen kẹt như vớ bẫm của thiên hạ vì có phao là Quyết định 121/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Cô đã có ý định mua một căn hộ chung cư để đỡ cảnh đi thuê nhà. Một mặt cô lại muốn đầu tư vào đất cát để kiếm thêm tiền làm ngoài. Không chỉ tranh giành bán đất dự án, Hòa còn lấn sân vào cả mảng kinh doanh đất thổ cư, đất xen kẹt.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2011, rơi vào cảnh chung của thị trường bất động sản, Hòa cũng “chết trôi” cùng với các dự án, đất xen kẹt thành kẹt thật. Không chỉ dùng số vốn ít ỏi lướt sóng, Hòa còn vay thêm ngân hàng từ các hợp đồng mua bán và vay nóng tiền từ những dịch vụ cho thuê tài chính.

Đến thời điểm tháng 6/2011, Hòa chính thức trở thành con nợ tiền tỷ khi số tiền đầu tư vào nhà đất bị lừa gần hết và tiền từ các dự án cũng kẹt lại. Từ một chuyên viên kinh doanh kiếm tiền khủng, Hòa bỗng chốc trở thành một “nữ con nợ”. Đi đến đâu, cô cũng bị người ta đòi nợ. Thậm chí, tấm bằng Thạc sĩ là cái “đắt giá” nhất cô cũng bị chủ nợ cầm.

“Có lúc tôi chỉ muốn đâm đầu vào ô tô chết cho xong. Bao nhiêu tiền của tôi đầu tư đều không còn, nợ ngân hàng còn đỡ chứ nợ xã hội đen thì mau mau mà trả nợ. Tôi đã phải bán cả xe Vespa LX, mua xe wave để lấy tiền trả nợ cho người ta”.

Chấp nhận đi bán hàng thuê, chạy bàn

Công việc đổ bể, công ty làm ăn khó khăn, Hòa xin sang làm việc cho một công ty khác cũng về bất động sản. “Lúc xin vào công ty này, tôi tìm hiểu thấy tiềm lực tài chính của họ cũng ổn. Với công việc mới này, tôi hi vọng sẽ kiếm được tiền. Nếu kiếm tiền nhiều như trước, chỉ vài tháng tôi trả xong nợ”.

Tuy nhiên, khi Hòa xin vào làm tại đây, tình hình tài chính của công ty cũng bung bét. Nợ lương nhân viên, nợ tiền khách hàng. “Thậm chí, tiền công đoàn để đi du lịch cho nhân viên cũng bị sung vào quỹ lương”. Hòa lại xin nghỉ việc để tìm một công việc kiếm ra tiền.

Ở thời điểm kinh tế tài chính khó khăn, việc xin việc cũng không hề đơn giản. Gần 2 tháng cầm hồ sơ đi các nơi xin việc, phỏng vấn hết vòng này tới vòng khác, Hòa vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với mình. Trong khi đó, tiền nhà thuê, tiền lãi vay nóng… các loại phí khác cứ bủa vây cô nữ Thạc sĩ.

Cần gấp tiền nên Hòa xin vào làm nhân viên văn phòng cho một công ty truyền thông. Cô cũng ý định lấn sân sang lĩnh vực mới hi vọng sẽ có cơ hội thể hiện khả năng kiếm tiền của mình. Ở công ty mới, Hòa vẫn rơi vào cảnh chậm lương như các công ty khác.

Kinh tế khó khăn chuyện Thạc sĩ đi làm thêm cũng nhiều. Ảnh nhân vật 

Trong điều kiện lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, Hòa phải đi làm thêm các công việc vào buổi tối như chạy bàn quán cafe từ 5h đến 11h. “Hai tháng đi chạy bàn trong quán cafe lương cũng chỉ 1,5 triệu, buổi tối đi làm về chỉ muốn ngủ, sáng dậy đi làm ngáp dài ngáp ngắn. Tôi sụt mất 3kg”.

Sợ công việc chạy bàn, Hòa lại xin sang làm bán hàng thuê cho một cửa hàng mỹ phẩm từ 5h chiều đến 9h30 tối ở Cầu Giấy. Công việc bán hàng cũng nhàn hơn, cộng với kinh nghiệm làm đẹp Hòa tư vấn cho khách nên cửa hàng ngày càng nhiều khách tới. Chủ cửa hàng tin tưởng Hòa nên giao cô việc buôn bán với mức lương mỗi tháng 1,7 triệu đồng.

“Từ Tết đến giờ cứ ban ngày làm ở công ty, tối chạy xe thẳng về cửa hàng. Đêm về nhà lọ mọ nấu ăn để hôm sau mang hai suất cơm đi làm cho bữa trưa và bữa tối. Cái thời tôi đi ăn, đi hát hò hết 2, 3 triệu/bữa chẳng xót gì, bây giờ suất cơm 30 nghìn cũng phải tiết kiệm”, Hòa chua chát.

Nhắc đến chuyện chồng con vì đã luống tuổi, Hòa chỉ nhếch miệng “chồng con gì cái thời buổi khó khăn này. Mình còn chưa lo xong công việc, ai dám lấy con nợ về làm vợ chứ”.

Theo Phunutoday

(vtc.vn)