Dù đã ‘ngã ngựa’, nhưng những hậu quả mà họ Bạc để lại không kém gì các quả bom hẹn giờ cài trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, bài viết trên Reuters bình luận.
Đầu tiên là các vụ án oan, giới cầm quyền ở Bắc Kinh bị nói là đang chịu áp lực lớn từ việc giải quyết án oan dưới thời Bạc Hy Lai.
Cựu Tổng giám đốc Đài truyền hình Trùng Khánh, ông Lý Hiểu Phong đã phải vào tù do không chịu làm theo chỉ đạo của Bạc Hy Lai: Tăng cường những bộ phim cách mạng trên sóng truyền hình.
Bạc Hy Lai từng nổi tiếng với phong trào ‘xây dựng lại một số giá trị trong cách mạng văn hóa’ |
Ông Lý nói, không thể biến một kênh truyền hình thành kênh phát sóng của ‘cách mạng văn hóa’ – bóng đen từng phủ lên đất nước hơn tỷ dân những năm 60 của thế kỷ trước. Kết quả là, ông Lý nhận án tù, phải bóc lịch 12 năm.
Còn nhiều những người như ông Lý, theo nguồn tin của trang mạng Backchina, tuy nhiên, có thể sẽ không có nhiều người được giải oan. Lý do là Bắc Kinh e ngại phản ứng dây chuyền từ khắp các tỉnh trong nước.
Điều này có thể gây ra biểu tình với sự tham gia của nhiều tầng lớp trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm một lần ở Trung Quốc vào cuối năm nay.
Nguồn tin của hãng Reuters nói, Trung Quốc sẽ phải đối mặt làn sóng phản đối mãnh liệt trong nước vào năm sau. Ước tính, hơn 700 người đã phải chịu án tù, 70 người lĩnh án tử hình dưới chiến dịch “đả hắc” của họ Bạc và Vương Lập Quân- cựu Giám đốc công an Trùng Khánh.
“Chúng tôi sẽ kiện, đương nhiên là thế. Nhưng hiện tại chưa thể tới tòa án, gia đình tôi sẽ đợi sau khi Đại hội đại biểu nhân dân 18 bế mạc”, Trâu Chí Dũng, con rể cựu Tổng giám đốc Đài truyền hình Trùng Khánh, nói với Reuters.
Bạc Hy Lai chỉ đạo công an dùng cực hình?
Một số phạm nhân và luật sư của họ ở Trùng Khánh nói, chiêu thường gặp của Vương Lập Quân – tay chân thân tín của Bạc Hy Lai là vu vạ, sau đó đưa nạn nhân vào nhà giam và dùng cực hình ép cung.
‘Cặp đôi quyền lực’ Bạc Hy Lai – Vương Lập Quân |
Chiêu phổ biến nhất của Vương và những cảnh sát dưới quyền là “ghế hổ”, khiến nạn nhân không thể ngủ trong mấy ngày liền.
“Sợi dây treo lủng lẳng từ trên trần, có gắn một chiếc cùm để cùm tay chúng tôi vào đó. Người bị treo lơ lửng trên không, mũi chân cố rướn hết mức cũng không chạm đất.
Họ ép chúng tôi uống nước ớt, đánh đập hoặc tra tấn bằng điện. Người cứng rắn tới mấy cũng phải nhận tội mà cảnh sát đã chuẩn bị trước”, một nạn nhân dưới thời ‘bàn tay sắt’ của họ Bạc kể lại.
Số phận của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân hiện chưa thể đoán biết, theo giới thạo tin từ Bắc Kinh. Các tờ báo chính thống của Trung Quốc gần như không đưa chi tiết sự vụ, thay vào đó, họ dẫn lại nguồn từ Tân Hoa Xã – hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã chỉ tập trung đưa tin về vụ xử Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hy Lai với tội danh giết người. Trong bản tin mới nhất, Tân Hoa Xã khẳng định tòa án có đầy đủ chứng cớ về việc Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đã giết doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Động thái này được cho là sẽ giúp “cặp đôi quyền lực” Bạc Hy Lai – Vương Lập Quân thoát tội “tham nhũng” sang hướng bị xử vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn, bao che người có tội”. Mức án này được nói là sẽ “dễ thở” hơn nhiều so với án chính trị, nếu cặp Bạc – Vương bị xử vì tham nhũng, lạm dụng quyền hạn để bỏ tù, tử hình nhiều người v.v.
(vtc.vn)