Tinh Hoa

Doanh nghiệp Trung Quốc bành trướng sang châu Âu

Được chính phủ khuyến khích, doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thâu tóm các đối thủ ở châu Âu như một cách định hình lại thương mại dòng vốn đầu tư toàn cầu trong những năm tới.

Điều này đã gây ra không ít lo lắng cho EU.

Ông Wang Zong Nan, chủ tịch tập đoàn thực phẩm lớn nhất Trung Quốc – Bright Food, là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đi mua lại các doanh nghiệp châu Âu. Chính phủ Trung Quốc đã coi ngành thực phẩm là lĩnh vực các doanh nghiệp Trung Quốc cần tiếp thu công nghệ và càng phải cải tiến để hiệu quả hơn. Năm ngoái, doanh thu của Bright Food đã lên tới 7 tỷ USD và hãng muốn gấp đôi con số này lên trước năm 2015.

Nhà phân tích Chen Gang của Sinolink Securities tại Thượng Hải cho biết, để đạt được mục tiêu đó thì không còn cách nào khác ngoài việc đi mua lại các hãng châu Âu. Bright Food dự định sẽ mua lại các doanh nghiệp thuộc khu vực này và giữ nguyên bộ máy lãnh đạo bởi họ không có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý một doanh nghiệp đa quốc gia.

Để trợ giúp các công ty nội địa trong những chuyến công tác nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã xuất bản sách hướng dẫn về đầu tư vào mỗi nước. Bên cạnh những thông tin thông thường, chúng còn đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn, đảo Síp có ngành công nghiệp nhẹ gồm dệt may, da giày và sản xuất mũ. Còn Bỉ nổi tiếng về hóa chất và vận tải biển.

Hãng Lenovo của Trung Quốc đã mua lại một số vốn lớn của hãng máy tính Medion của Đức. Ảnh: AP

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tính đến cuối năm 2009, tổng tích lũy trong nước của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới này đã đạt 2.700 tỷ USD, và trước năm 2020 có thể sẽ tăng lên gấp 6 lần. Giới chuyên gia nhận định số vụ thâu tóm các công ty nước ngoài của Trung Quốc cũng sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.

Theo hãng tư vấn Dealogic, nếu trong giai đoạn 2003 – 2005, lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty châu Âu chỉ là 853 triệu USD, thì từ 2008 – 2010 đã tăng lên 43,9 tỷ USD, giúp các công ty của họ kiểm soát đến 118 doanh nghiệp châu Âu.

Tuần trước, hãng sản xuất máy tính Lenovo của Trung Quốc đã mua lại 37% vốn của hãng máy tính và điện tử gia dụng Đức Medion AG. Lenovo cũng sẽ phát hành lượng cổ phiếu đủ để nắm quyền kiểm soát.

Bên cạnh một số thương vụ đình đám như việc Zhejiang Geely Holding Group mua lại hãng xe Volvo từ Ford Motor Co., nhiều công ty Trung Quốc cũng đã âm thầm nắm kiểm soát hơn 100 doanh nghiệp nhỏ châu Âu, từ công ty thuốc lá của Séc tới hãng dược phẩm Hà Lan, hay nhà sản xuất gỗ Anh. Lượng thương vụ như vậy đang ngày càng nhiều lên.

Thilo Hanemann, Giám đốc nghiên cứu của hãng tư vấn Rhodium Group tại New York, dự báo từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD ra nước ngoài. Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, họ cũng tìm kiếm cơ hội tại những thị trường phát triển.

Chính điều đó khiến EU trở thành tâm điểm chú ý của Trung Quốc. Với hàng nghìn nhà máy và các nhà phân phối, châu Âu – thị trường giàu có nhất thế giới – đã trở thành mục tiêu hàng đầu cho các vụ sáp nhập và thâu tóm của Trung Quốc. Theo khảo sát năm 2009 của chính phủ Trung Quốc, một phần ba trong số 3.000 công ty lớn của nước này đã đầu tư vào các nước châu Âu, chỉ có 28% chọn Mỹ làm điểm đến.

Một lý do khiến lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc thích thú với châu Âu đó là khu vực này khác với Mỹ. Tại Mỹ, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài có thể ngăn chặn những thương vụ có liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Còn các nhà lãnh đạo châu Âu lại không hề lo lắng về nguồn tiền đổ vào như vậy.

Tuy đa số đầu tư từ Trung Quốc đều được chào đón tại châu Âu, song một vài nước lại tỏ ra không mấy hoan hỉ. Theo Ủy viên công nghiệp EU – ông Antonio Tajani và một số quan chức các nước nam Âu như Tây Ban Nha, Italy và Pháp, họ lo ngại các công ty Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu lục này nhằm chiếm đoạt công nghệ.

Đầu tư của Trung Quốc đã trở thành đề tài gây tranh cãi căng thẳng trong nội bộ EU. Ông Tajani đặc biệt chú ý tới việc đầu tư và thương mại của Trung Quốc có thể dẫn đến việc thất thoát công nghệ vào tay nước này. Ông muốn EU có quyền ngăn chặn đầu tư và thành lập một cơ quan tương tự như Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ.

An Lâm (theo Wall Street Journal)