Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao) tổ chức họp báo sau vài lần bị Manila triệu tập để phản đối vì những vụ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Sự kiện diễn ra ngay sau khi một tàu cá với sự yểm trợ của các tàu ngư chính Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam và cắt cáp tàu thăm dò Viking II, sáng 9/6.
Dàn khoan dầu khổng lồ “nửa chìm nửa nổi” của Trung Quốc đang chuẩn bị đưa vào Biển Đông. Ảnh: Shanghai Daily. |
Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời ông Lưu nói: “Chúng tôi đang kêu gọi tất cả các bên chấm dứt tìm kiếm khai thác tài nguyên trong khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Đồng thời nếu các nước muốn thăm dò thì có thể bàn với Trung Quốc về khả năng hợp tác cùng phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên”.
Khi được hỏi về các thông tin cho thấy Trung Quốc đang thăm dò tìm kiếm dầu mỏ tại khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa trên Biển Đông, Lưu nói thêm: “Trung Quốc chưa bắt đầu khai thác các mỏ dầu trong khu vực này. Trong khi đó Trung Quốc lại có một khu vực biển rộng lớn ví như biển Hoa Đông chẳng hạn”.
Đại diện ngoại giao của Bắc Kinh tại Manila còn nói thêm: “Chúng tôi đề xuất với chính phủ Philippines về việc cùng thăm dò dầu khí trong khu vực, đó là công thức hoàn hảo. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi phía Philippines có phản ứng tích cực”.
Tuy nhiên, những vụ xâm phạm chủ quyền của các tàu Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines nghiêm trọng hơn nhiều so với thông tin được đại sứ của Bắc Kinh tại Manila nhắc đến. Cụ thể các tàu này đã liên tục tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của cả Việt Nam và Philippines, những nơi vốn không có tranh chấp và không có cơ sở nào để Bắc Kinh đòi chủ quyền, nhằm quấy nhiễu và phá hoại tàu thăm dò dầu khí của các nước sở tại.
Song song với việc đòi các nước láng giềng ngừng thăm dò dầu khí ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, trước đó vào ngày 27/5 vừa qua, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin và ảnh về việc nước này sẽ đưa vào Biển Đông một dàn khoan dầu khổng lồ có thiết kế tối tân. Philippines đã triệu tập đại sứ Lưu Kiến Siêu tới để yêu cầu giải thích về thông tin này.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile bức xúc rằng Trung Quốc đang đối xử với Philippines như với “chiếc thảm chùi chân” và cho rằng đây là thái độ của “một nước lớn chống lại nước yếu hơn”. Ông Enrile cũng bình luận cách tự vệ tốt nhất để chống lại “hành động bắt nạt” này là Philippines phải phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Eduardo Batac thì đưa ra giải pháp khác khi thông báo: “Chúng tôi đang đưa vụ việc ra cộng đồng quốc tế và chúng tôi sẽ để cộng đồng quốc tế phán xử những hành động do phía Trung Quốc gây ra”.
Mới đây Manila đệ trình văn bản phản đối lên Liên Hợp Quốc về vụ tàu Trung Quốc quấy rối một tàu thuộc Bộ Năng lượng Philippines. Nhưng đại sứ Lưu Kiến Siêu chối rằng: “Đó không phải là quấy rối. Đó là hoạt động thực thi quyền tài phán bình thường và tin đồn các tàu Trung Quốc đã tấn công bằng đạn là không chính xác”.
Thái độ của Bắc Kinh đối với các vụ xâm phạm chủ quyền Philippines cũng giống như đối với Việt Nam. Sau mỗi lần tàu Trung Quốc gây rối và phá hoại tàu thăm dò của Việt Nam như hai ngày 26/5 và 9/6 vừa qua, Bắc Kinh lại lên tiếng phủ nhận và tuyên bố một cách vô lý rằng các tàu này chỉ hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Đình Nguyễn