Tinh Hoa

Bài văn sâu sắc của nữ sinh 16 tuổi về đường tắt

– Bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít ngườigiật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cô bé 16 tuổi.

Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình?

Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) từ bài thơ ” Đường tắt” của Đặng Chân Nhân:

Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?

Đặng Chân Nhân
(Sinh năm 1993)

Bài làm

Có một sự thật luôn tồn tại mà ai cũng biết: rằng nhiều kẻ bằng “ô dù”, bằng nịnh nọt, bằng cách này hay cách khác mà trèo lên được chức vụ cao, làm ông to bà lớn, ung dung hưởng kết quả mà lẽ ra phải đánh đổi bằng rất nhiều cố gắng nỗ lực. Ai cũng biết và ai cũng bức xúc. Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói to. Không ai dám nói to nhưng người ta thì thầm “ông ấy… bà nọ…” và ai cũng tặc lưỡi “biết rồi”. Nói như Đặng Chân Nhân là ta đã quen nhìn nhiều người đi “Đường tắt”

“Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào”

Mở đầu bài thơ “Đường tắt”, Đặng Chân Nhân mở ra trước mắt ta hai con đường với hai viễn cảnh hoàn toàn trái ngược dù nó cũng dẫn tới một đích. Con đường dài là biểu tượng cho hành trình gian khó, phải trải qua bao gian nan thử thách mới có thể gặt hái được thành công. Còn con đường ngắn – đường tắt lại là ẩn dụ cho một hành trình ngắn hơn với những luồn lách, thậm chí gian trá để có thể được hưởng thành quả. Đặng Chân Nhân đã xây dựng một tương quan hoàn toàn đối lập: một bên dài – một bên ngắn; một bên đầy bão tố thử thách – một bên “không có chướng ngại vật nào” và “không tốn thời gian”. Đánh vào tâm lí sợ khổ, sợ cực của con người, việc lựa chọn đường tắt quả là có một sức cám dỗ rất lớn.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó!

Lửa thử vàng, phải trải qua khó khăn con người mới có thể trở nên cứng cáp, phát huy hết năng lực bản thân, thậm chí bộc lộ những năng lực tiềm ẩn. Ta có thể sẽ vấp ngã rất đau nhưng giá trị là những bài học thu về. Đi trên con đường dài, vất vả song sẽ giúp ta ngày một trưởng thành hơn. Ta có quyền tự hào vì những gì tự mình gây dựng lấy. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi đạt được thành quả cũng trở nên trọn vẹn.

Và như thế có nghĩa là, khi chọn đi con đường tắt, người ta đã bỏ qua tất cả những điều tuyệt vời đó

” Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn”

Tôi nghĩ, thứ mất đi có lẽ không chỉ có chừng ấy. Đường tắt dễ đi nhưng lệ phí để đi con đường ấy thực không nhỏ chút nào. Muốn đi đường tắt, người ta phải dùng không biết bao nhiêu là thủ đoạn, hoặc là khom gối mà xin, hoặc là cướp trắng trợn thứ đáng lẽ thuộc về người khác. Hay nói đúng hơn, họ phải bán rẻ nhân cách, bán rẻ những giá trị người của chính mình. Kẻ dám bán có hai loại: kẻ trộm và kẻ lừa dối. Bán đi rồi thì còn lại những gì

“Kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học”

Đúng là đi đường tắt thì cái gì cũng dễ. Đi dễ, thành công dễ và mất cũng dễ. Mà đã mất là mất hết. Vì không có năng lực thực sự thì không khả năng giải quyết các yêu cầu công việc ở vị trí đó. Họ lúc nào cũng sống trong lo sợ sẽ có người hạ bệ mình, lúc nào cũng bất an, lúc nào cũng phải tìm cách lấp liếm sự kém cỏi. Nhưng, dù sớm hay muộn, họ chắc chắc cũng sẽ bị lật tẩy.

Câu hỏi cuối bài thơ vang lên đầy day dứt: “Liệu chúng có thể tồn tại?”. Đây có thể cũng là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo. Đặng Chân Nhân khẳng định đường tắt “luôn là con đường sai”. Nó chỉ đem đến thành công trước mắt mà không thể duy trì lâu dài, hơn nữa cái giá phải trả cho nó là quá lớn. Không chỉ với một người mà với cả cộng đồng, với cả kẻ đi dường tắt và người lựa chọn đường dài. Vì thành công bằng lối tắt là không công bằng với những người đã và đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Nó sẽ khiến những người có năng lực thực sự mất niềm tin, hao mòn ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Không dừng lại ở đấy. Hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Hãy là một phép nhẩm đơn giản. Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu. Hơn nữa những kẻ đi đường tắt sẽ khiến cả xã hội mất cân bằng ghê gớm. Chính vì đi đường tắt, không có năng lực thực sự, nên những kẻ ấy luôn cố gắng tìm cách che đậy sự kém cỏi của mình. Nhu cầu ấy sẽ kéo theo một loạt tệ nạn khác trong xã hội: mua quan bán chức, mua bằng, thi hộ… Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.

Ta phải nhìn thằng vào sự thật: rằng ngày càng có nhiều người muốn đi đường tắt. Từ cậu học trò không học nhưng muốn thi đỗ nên giờ bài quay cóp cho đến ông bộ trưởng nào đấy với cái bằng trị giá nghìn đô. Nó không ở một cá nhân mà đang lây lan trong cộng đồng như một thứ bệnh dịch. Gần đây người ta xôn xao vì clip ghi hình giám thị đáp bài cho thí sinh, thí sinh ngang nhiên giở tài liệu chép trong kì thi tốt nghiệp THPT. Nó trắng trợn quá. Và sự trắng trợn ấy đã diễn ra từ rất lâu rồi. Vì sao? Vì ai cũng muốn đi đường tắt. Đường tắt đã nhân bản muôn hình vạn trạng trong cuộc sống.

Không phải tự dưng mà những kẻ đi đường tắt có thể tồn tại. Không có người dung túng mở đường thì liệu những kẻ đó có thể đi được? Và, chúng còn được tiếp sức bởi chính cộng đồng. Vì chúng ta thích những thứ hào nhoáng, quá coi trọng bằng cấp mà quên đi giá trị thực sự bên trong. Tâm lí ấy dường như đã ăn sâu vào con người chúng ta.    

Hãy thay đổi.

Vì dẫu biết những kể đi đường tắt sớm muộn cũng bị lật tẩy, bị thay thế nhưng cho đến lúc ấy thì không biết đã kịp gây ra bao nhiêu hậu quả. Có thể khắc phục nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian mà không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Cùng giống như xây nhà vậy hãy xây cẩn thận ngay từ đâu còn hơn xây rối và sau này phải hì hục sửa chữa,chắp vá.

Bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình trước những suy nghĩ quá đỗi sâu sắc của một cậu bé 15 tuổi. Bởi nó đã vạch ra, phân định rõ ràng cho ta thấy bản chất đúng – sai giữa hai con đường, hai sự lựa chọn, giữa sống giả và sống thật.

Và bạn, bạn sẽ chọn con đường nào?

(Lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – đường Ngô Quyền – thành phố Hải Dương – tỉnh Hải Dương)

 

(vietnamnet.vn)