Các nhà đầu tư người Iran và Ấn Độ hiện dẫn đầu về trong việc chi ra hàng triệu USD để sở hữu những căn hộ xa xỉ và các cửa hiệu tại tòa tháp cao nhất thế giới.
Chính phủ Dubai tiết lộ, hơn 128 triệu USD từ Tehran đã được dùng để mua quyền sở hữu tại tòa tháp Burj Khalifa cao 828m trong vòng 6 tháng qua.
Nhiều người trong số 258 quý ông giàu có bí ẩn đã dùng tiền mặt để mua căn hộ và cửa hiệu nhằm tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn hạn chế việc tiếp cận của họ với ngân hàng.
Các nhà đầu tư từ Ấn Độ còn tiêu nhiều tiền hơn thế dù giá mỗi mét vuông trên tòa tháp từ 700 tới 1.000 USD, song vẫn rẻ hơn chục lần so với những địa điểm đẹp ở London, Anh.
Cơ quan đất đai Dubai cũng tiết lộ rằng trong nửa quý đầu của năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi hết 7,6 tỷ USD để mua bất động sản ở đây. Như vậy, so với năm ngoái, lượng thu mua đã tăng 36%, điều đó cho thấy thị trường đất đai Dubai đã dần ổn định sau khi giá nhà sụt hơn 60% kể từ thời kỳ đỉnh điểm vào năm 2008.
Sự mạnh tay của các nhà đầu tư Ấn Độ vào thị trường bất động sản Dubai là điều không đáng ngạc nhiên do Ấn Độ đã phát triển thành một trong những cường quốc kinh tế của thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng tò mò là việc dùng tiền mặt rất phổ biến của người Iran, nơi mà trừng phạt kinh tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân đã cắt đứt kết nối với hệ thống ngân hàng quốc tế.
Một người môi giới nhà đất ở Dubai nói: “Iran có vấn đề về tài chính và đó là lý do tại sao người Iran phần lớn chỉ dùng tiền mặt để mua bán. Chúng tôi đã bán 3 sàn trên Burj và nó đều liên quan tới người mua là công dân Iran”.
Dubai đã từ lâu là trung tâm mua bán lớn đối với Iran hơn một thế kỷ với khoảng 8.000 thương nhân và các công ty giao dịch Iran đăng ký tại tiểu vương quốc này.
Cũng theo cơ quan đất đai Dubai, người Anh và công dân các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất lần lượt xếp thứ 3 và 4 trong danh sách những người mua căn hộ và chỗ bán hàng ở Burj Khalifa. Đứng thứ 5 là người Pakistan.
- Hoài Linh (vietnamnet.vn)