Tinh Hoa

Cú lừa choáng váng trên facebook qua bức ảnh ‘tình mẹ trong đất’

Thời gian gần đây trên nhiều facebook cũng như diễn đàn mạng xuất hiện bức hình với nội dung người mẹ hy sinh cứu con trai 3 tháng tuổi khỏi cơn địa chấn ở Nhật Bản, nhưng nhiều người không hề để ý đó chỉ là một câu chuyện hoàn toàn không có thật.

Một năm trước, khi thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011, cư dân mạng đều rớt nước mắt xúc động vì câu chuyện một người mẹ Nhật Bản đã dùng thân mình che chắn cho đứa con trai 3 tháng tuổi thoát chết khỏi trận động đất, câu chuyện kèm theo tấm hình càng làm cho bất kỳ ai đọc xong cũng cảm thấy xúc động và thầm thán phục tình mẫu tử cao cả cũng như ngợi ca đức hy sinh và tình người của những người Nhật kiên cường trong thiên tai.

Câu chuyện và bức ảnh đang gây xúc động cư dân facebook thời gian gần đây.

Và gần đây, cư dân mạng facebook ở Việt Nam lại tiếp tục cho đăng lại câu chuyện cùng bức hình trên, thu hút hàng ngàn thành viên facebook vào bình luận, chia sẻ cũng như ấn “Like”. Vị chủ nhân facebook đó cũng đã “yêu cầu” mọi người ấn “Like” hoặc “Share” để thể hiện là người “có tâm”, “có lòng”, nếu không là người “vô tâm”, “vô cảm” hoặc “mất nhân tính” khi thấy bức hình và câu chuyện xúc động mà không ấn “Like” hay “Share”.

Làm một thao tác đơn giản là tìm kiếm trên mạng bằng tiếng Anh, tiếng Việt cũng có thể cho ra hàng ngàn kết quả về câu chuyện này với nội dung y chang nhau, do cư dân mạng dịch qua lại bằng ngôn ngữ của mình. Nhưng cũng không khó để tìm ra chân tướng của bức hình cũng như nội dung của câu chuyện là hoàn toàn bịa đặt, cốt chỉ để thu hút những cư dân mạng nhẹ dạ cả tin.

Hình chụp bức ảnh trên trang web hunantv của Trung Quốc với đầy đủ thông tin về tác giả bức ảnh cũng như thời gian, địa điểm chụp của bức ảnh.

Đầu tiên nói về bức ảnh, có thể thấy những nhân viên cứu hộ trong bộ đồng phục kia hoàn toàn không phải là người Nhật và bản thân họ cũng không phải là nhân viên cứu hộ mà là những nhân viên cứu hỏa dựa trên chữ viết phía sau lưng áo của họ (chữ tiếng Trung đó là 消防官兵 – nghĩa là lính cứu hỏa). Trên các diễn đàn mạng của Nhật Bản cũng khẳng định trang phục đó không phải là của nhân viên cứu hộ Nhật.

Thứ hai là màu đỏ cam của loại đất trong bức hình, cư dân mạng Nhật Bản cũng nhận xét đất ở Nhật thường có màu xám đen chứ không có màu đỏ như vậy.

Bức ảnh được phóng to để thấy rõ “đứa trẻ 3 tháng tuổi” có kích cỡ gần bằng người phụ nữ.

Khi chưa phóng to bức hình, người ta cũng có thể dễ dàng nhận ra “đứa bé 3 tháng tuổi” như trong câu chuyện không hề ăn khớp với bức hình, đó là một người trưởng thành vì cơ thể đó gần như có chiều dài và kích cỡ không nhỏ hơn là bao so với người phụ nữ đang ôm ở phía sau. Một đứa trẻ 3 tháng tuổi không thể có thân hình lớn đến mức vậy!

Một điều phi lý nữa là trong câu chuyện có đoạn: “Cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó… Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”. Thật là khó tin khi mới nhìn vào bức ảnh người ta cũng có thể thấy thi thể của hai con người rõ ràng chứ không đến mức phải “quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp ở dưới xác chết” mới có thể lôi ra một đứa bé như trong câu chuyện.

Nguồn gốc bức ảnh có thể tìm thấy trên trang Hunantv của Trung Quốc, bức ảnh được ký tên bởi nhiếp ảnh gia có tên là Châu Sâm và bức ảnh có tên “Tình mẹ – địa chấn” (Mother Love in Earthquake). Bức ảnh này đã giành giải vàng cá nhân với đề mục “War and Disaster News Singles” tại Cuộc thi Ảnh báo chí quốc tế Trung Quốc (CHIPP) được tổ chức tại Thượng Hải từ ngày 20 – 25/3/2009.

Ảnh chụp màn hình bức ảnh của nhiếp ảnh gia Châu Sâm trên trang web ban tổ chức Cuộc thi Ảnh báo chí quốc tế Trung Quốc (CHIPP) .

Phía dưới bức ảnh có lời ghi chú: Các nhân viên cứu hỏa sau khi đào bới dưới bức tường xụp đổ và phát hiện ra thi thể của hai nạn nân tại thị trấn Phán Chi Hoa, châu Hội Lí thuộc tỉnh Tứ Xuyên lúc 16 giờ 30 phút theo giờ địa phương ngày 31/8/2008 làm 36 người thiệt mạng và 675 người bị thương. Đây là nơi gần kề với huyện Vấn Xuyên, tâm chấn của trận động đất mạnh 7.8 độ richer làm 69.000 người thiệt mạng.

Người ta cũng không hề tìm thấy chiếc điện thoại di động nào cũng như không hề có cái gọi là “một chiếc chăn hoa” bọc cậu bé tại hiện trường trên ở Trung Quốc.

Đọc câu chuyện trên cũng khiến bao người cảm thấy xót xa và xúc động, nhưng khi nhìn bức hình thì những người tinh mắt sẽ để ý thấy nó không hề ăn nhập với nội dung câu chuyện. Và khi tìm hiểu sâu hơn thì mới biết nhiều người đã bị lừa cho một bức ảnh ở Trung Quốc trong trận động đất từ năm 2008 sang Nhật Bản với đại địa chấn năm 2011, còn câu chuyện thì không biết được lấy ở đâu và đã được “xào xáo”, thêm bớt công phu.