UBND TP.HCM vừa giao Công an TP chủ trì phối hợp với một số ban ngành xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện).
Những chiếc xe cũ như thế này có thể sẽ bị cấm lưu thông – Ảnh: T.THẮNG |
Liên quan đến đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Mạnh Hùng cho biết bộ cũng đang nghiên cứu về vấn đề này. Theo ông Hùng: “Nước ta hiện nay có hơn 34 triệu xe máy. Nhiều gia đình nghèo sử dụng xe cũ làm phương tiện đi lại, làm ăn nên cần phải tính toán phù hợp. Việc quy định niên hạn sử dụng với xe máy cần phải làm nhưng phải nghiên cứu để đánh giá trước khi có những đề xuất cụ thể”.
Sẽ có quy chế hợp tình, hợp lý
Thượng tá Trần Thanh Trà – phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM – cho biết lãnh đạo PC67 được giao soạn dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành đối với môtô hai, ba bánh. Hiện Công an TP đang cùng các đơn vị gấp rút hoàn chỉnh các khâu, quy trình để trình để sớm có bản dự thảo. Quan điểm của PC67 là đồng tình và ủng hộ chủ trương này để giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo thượng tá Trà, hiện đã có quy định về niên hạn sử dụng của xe tải, xe khách, đến lúc cũng cần phải tính đến niên hạn của xe máy. Việc đưa ra quy chế này sẽ giải quyết được tình trạng “xe mù”, xe không rõ nguồn gốc xuất hiện rất nhiều nơi và chính loại xe này gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, luôn tiềm ẩn những tai họa trên các con đường. Thực tế thời gian qua cho thấy không thể tịch thu được số xe đó vì không có quy định niên hạn sử dụng. “Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý xe cũ do các đời xe chồng chéo nhau, cải tạo tùy tiện, lẫn lộn số khung, số sườn, biển số nhái, không biển số… nên khi gây ra tai nạn truy ra nguồn gốc là cực kỳ gay go” – thượng tá Trà nói. Thượng tá Trà khẳng định Công an TP sẽ phối hợp cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng về quy chế sao cho hợp lý, hợp tình, có khoa học để người dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành tốt.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, việc quy định niên hạn sử dụng xe máy có hai vấn đề: một là xe sử dụng lâu ngày thì các chi tiết trong máy xe hư hỏng dù được sửa chữa vẫn không đảm bảo an toàn; hai là xe sử dụng lâu ngày sẽ xả khói và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng khi đưa ra niên hạn sử dụng xe máy cần tính toán thật cụ thể thời hạn sử dụng xe. Sẽ không khó xác định niên hạn sử dụng với loại xe máy mới, với xe máy đời cũ các cơ quan chức năng nên căn cứ số khung hoặc số máy để quy định niên hạn sử dụng xe. Nhưng trường hợp người sử dụng xe máy cũ đã thay đổi động cơ (có số máy mới) hoặc lên đời xe thì cần có quy định niên hạn sử dụng phù hợp với loại xe này. Cũng theo ông Mai, hiện nay có người sử dụng xe máy nhiều nhưng cũng có người sử dụng rất ít, không nên tính theo năm sử dụng chiếc xe mà nên tính theo số kilômet xe chạy trên đường để quy định niên hạn sử dụng xe như một số nước đã áp dụng.
Nhiều xe máy cũ vẫn lưu thông trên đường TP.HCM (ảnh chụp chiều 6-8) – Ảnh: T.THẮNG |
Nên chú trọng kiểm tra khí thải
Ông Trịnh Ngọc Giao – cục trưởng Cục Đăng kiểm VN – cho biết trước đây có nhiều ý kiến về việc cần có quy định niên hạn sử dụng xe máy, nhưng Bộ GTVT chưa tính đến việc này vì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Giao còn cho biết Bộ GTVT đang xây dựng đề án triển khai cụ thể quyết định 909 của Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy đã đề ra biện pháp kiểm soát trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào những đô thị đang bị ô nhiễm trầm trọng. Theo ông Giao, thông qua biện pháp kiểm tra khí thải, người dân nghèo có thể đưa xe cũ về vùng nông thôn, vùng xa để sử dụng tiếp thay vì loại bỏ. Như vậy, muốn quy định niên hạn sử dụng xe máy cần hết sức cẩn trọng, nên tham khảo thêm ý kiến của dư luận.
Ông Dương Hồng Thanh – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho rằng điều quan trọng nhất là cần kiểm tra khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường chứ không phải quy định niên hạn sử dụng xe. Theo đó, người có xe máy sử dụng nhiều hay ít khi hoạt động trên đường đều bị kiểm tra khí thải, trong đó người có chơi xe cổ (đã sử dụng vài chục năm) nhưng bảo đảm đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn được phép lưu thông.
Băn khoăn
Dù ý định trong việc ban hành niên hạn lưu hành xe hai, ba bánh là tốt nhưng nhiều ý kiến cho rằng thời điểm hiện nay là chưa thích hợp. Nếu bắt buộc xe hai, ba bánh chỉ được lưu thông trong thời gian nhất định chẳng khác nào khiến người “nghèo mắc thêm cái eo”.
Ông Nghị Cẩm Tường – một người dân đã có hơn 20 năm làm nghề chạy xe ôm tại khu vực hẻm 725 Ba Tháng Hai, Q.10 – nói không phải xe máy nào chạy một thời gian cũng sẽ hỏng hóc, không lưu hành được. Chỉ tay về chiếc xe máy hiệu Citi của Hàn Quốc, ông Tường nói: “Tôi gắn bó với nó từ năm 1998 đến nay có hề hấn gì đâu”. Vừa dứt câu, ông Tường nổ máy, đạp thắng xe để minh chứng xe vẫn còn chạy tốt. Theo ông Tường, chất lượng xe tùy thuộc vào từng nhà sản xuất và giá tiền. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là cách bảo quản, bảo trì của mỗi người. “Có những xe tốt nhưng chạy kiểu hành xe, không thay nhớt định kỳ… thì xe mau hỏng. Còn những người chạy xe kỹ, chăm sóc tốt nên chạy 15-20 năm vẫn bình thường” – ông Tường nói.
Anh Phan Nguyễn Du, chạy xe ôm ở khu vực P.9, Q.Phú Nhuận, băn khoăn nếu ban hành các quy định về niên hạn xe máy chắc chắn có nhiều người coi xe máy là “cần câu cơm” như anh bị ảnh hưởng, mong Nhà nước hết sức cân nhắc.
NGỌC ẨN – QUANG KHẢI – SƠN BÌNH – T.PHÙNG