Tinh Hoa

Hạn hán – Mỹ khát thì Trung Quốc đói?

Các chuyên gia cho hay tình trạng hạn hán của Mỹ sẽ không chỉ là một mối
thiệt hại cho Trung Quốc. Là quốc gia nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông
nghiệp của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải ‘lãnh đủ’ khi hạn hán tàn phá đất canh tác của
Mỹ.

Hạn hán tại Mỹ năm nay, ảnh Guardian

Đợt hạn hán tệ nhất trong lịch sử 50 năm qua đe dọa tàn phá diện tích trồng
ngô, đậu nành ở khắp vùng trung tâm phía bắc Hoa Kỳ, khiến cho giá lương thực
tăng cao, các quan chức Trung Quốc đang hết sức chống chịu với cú sốc có thể làm
phức tạp thêm các kế hoạch hồi sinh cho nền kinh tế trong năm nay.

Năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu số nông sản gồm đậu nành, ngô, bông và một số
mặt hàng khác trị giá lên tới 20 tỉ USD của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc
vượt Canada trong việc nhập khẩu nông sản Mỹ.

Trung Quốc đặc biệt lệ thuộc vào đậu nành, đây là một nguồn thiết yếu để nuôi
sống các trang trại nuôi lợn của nước này. Khi mà ngày càng có nhiều người dân
Trung Quốc có thịt để ăn nhiều hơn, mức tiêu thụ thịt lợn trở nên tăng vọt.
Lượng thịt lợn sản xuất và tiêu thụ tại Trung Quốc chiếm hơn một nửa của thế
giới. Nhập khẩu ngô cũng rất quan trọng. Lượng ngô mà Trung Quốc mua từ Mỹ cao
hơn tất cả các quốc gia khác, trừ Nhật. Năm tới đây, dự kiến Trung Quốc sẽ mua 5
triệu tấn ngô của Mỹ.

Nhưng các nhà phân tích không kỳ vọng mức giá này sẽ hạ thấp trong thời gian
tới. Giá mua đậu nành cho đợt giao hàng tháng 11 tới đây sẽ còn vượt cả mức giá
cao nhất từ trước tới giờ trong suốt kỳ khủng hoảng lương thực toàn cầu năm
2008.

Tất cả những điều này sẽ cản trở tới khả năng Trung Quốc chấn chỉnh lại nền
kinh tế. Nếu giá lương thực đẩy lạm phát lên cao, chính quyền sẽ không có nhiều
cơ hội để tăng lượng tiền cung cấp và thúc đẩy tăng trưởng – đây là một mối lo
ngại dựa trên việc nền kinh tế đã trở nên trì trệ hơn suốt năm vừa qua.

Cùng với đó, các nhà phân tích đang tiên liệu rằng người dân Trung Quốc sẽ
cảm nhận thấy cú sốc này khi họ tới cửa hàng bán thịt. Theo tờ Thời báo Tài
chính, Zhang Zhiwei tại Nomura cho biết “giá lương thực toàn cầu tăng gắt có thể
sẽ đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc lên cao”.

Tuy nhiên, có một vài nhân tố khiến cho các nhà phân tích hy vọng rằng Trung
Quốc sẽ vượt qua khỏi cơn hạn hán tại Mỹ mà không chịu tổn thương nào.

Trước tiên, mặc dù Trung Quốc mua rất nhiều nông sản của Mỹ, nhưng họ vẫn gần
như tự cung tự cấp xét về mặt các nông sản cơ bản, như gạo hoặc lúa mì.

“Trung Quốc nỗ lực hết sức để có thể tự cung tự cấp” – giáo sư Harold Corke
nghiên cứu về an ninh lương thực tại Đại học HongKong cho biết. “Giá cả tăng cao
sẽ vắt kiệt túi tiền của các khách hàng như ở châu Phi, trước khi gây ra vấn đề
nghiêm trọng tại Trung Quốc”.

Thứ hai là, lạm phát tại Trung Quốc đang giảm. Do nền kinh tế được ‘hãm
phanh’ lại và thị trường bất động sản hạ nhiệt, lạm phát giờ đây chỉ còn vào
khoảng gần với mức 6% của năm ngoái – trên thực tế, lạm phát đã hạ khoảng 2% vào
tháng Sáu vừa qua. Giá thịt lợn đã giảm 12% so với hồi năm 2011.

Không phải ai cũng tin rằng giá ngô và đậu nành tăng sẽ khiến cho Trung Quốc
phải ‘liểng xiểng’. Frederic Neuman – nhà kinh tế học cho ngân hàng HSBC của
HongKong – viết rằng tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao như hiện nay ‘khó có
thể’ khiến cho lạm phát tại Trung Quốc tăng trở lại. Ông cho rằng với Trung Quốc
thì giá dầu và gạo có ý nghĩa đáng kể hơn trong việc xác định giá thực phẩm.

“Chúng ta nên lo ngại tới mức nào? Cũng không cần phải lo lắng quá. Chắc chắn
là châu Á có các vấn đề về cấu trúc lạm phát. Nhưng đậu nành không nằm trong số
đó”.

Nhưng điều đó cũng không nói lên rằng kinh tế Trung Quốc đã qua cơn bĩ cực.
Điều thần kỳ trong nền kinh tế Trung Quốc trông có vẻ như đang chao đảo trong
năm nay, khi mà tăng trưởng GDP rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.

Xét về mặt lịch sử, giá thực phẩm tăng cao luôn khiến cho lòng dân rối loạn
tại Trung Quốc cũng như rất nhiều quốc gia khác. Trong khi hạn hán có vẻ như
cũng chẳng hơn gì một cơn đau đầu cho Trung Quốc thì thực tế, Bắc Kinh cũng chưa
phải cảm thấy đau đầu vào lúc này.

(vietnamnet.vn)