Gần 1.500 trường hợp nhập viện trong tháng 5 và tiếp tục tăng ca ở tuần đầu tháng 6, bệnh tay chân miệng được Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đánh giá là đang có tốc độ lây lan cao nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, lượng trẻ nhập viện hiện cao gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2010. Mỗi ngày có đến hàng trăm trẻ nằm viện điều trị. Nếu 5 tháng đầu năm nay, thành phố có khoảng 2.700 trường hợp mắc bệnh thì chỉ trong một tháng vừa qua, số ca nhập viện đã gần 1.500 cháu.
Chưa có văcxin phòng ngừa, dễ lây, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ gây tử vong, tay chân miệng đang trở thành căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ. Đến nay, đã có 12 trẻ chết vì bệnh này ở thành phố, chỉ sau 5 tháng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng có tên tiếng Anh là hand – foot – mouth disease do virus đường ruột gây nên. Thường gặp nhất là loại virus coxsackie A16 và entero 71.
Bóng nước của bệnh tay chân miệng và các vị trí bóng nước thường xuất hiện. |
Bệnh dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người mắc bệnh. Giai đoạn dễ lây nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Trẻ nhũ nhi, trẻ em dưới 2 tuổi dễ nhiễm hơn vì chưa có kháng thể chống lại bệnh này.
Phụ nữ mang thai cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy không ảnh hưởng đến thai nhi, song nếu bà bầu bị nhiễm virus gây bệnh trước khi sinh, mẹ có thể truyền virus cho con.
Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Biểu hiện thường thấy là sốt, đau họng, biếng ăn, mệt mỏi, nổi bóng nước. Bóng nước ban đầu chỉ là những chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành bọng nước và vỡ ra. Bóng nước thường xuất hiện ở lưỡi, nướu (lợi) và bên trong má. Ngoài ra còn thấy ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, một số trường hợp nổi ở mông. Cũng có một số trường hợp bóng nước chỉ xuất hiện ở miệng.
Nếu bệnh do coxsackievirus A16 gây nên thường tự lành sau một tuần. Nhưng nếu nhiễm enterovirrus 71, trẻ có thể bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng được xác định từ năm 2005. Trước đó, nhiều trường hợp tử vong có biểu hiện tương tự mà các bác sĩ chưa biết do bệnh gì.
Bệnh thường tăng ca từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 10. Các nghiên cứu cho thấy, chủng virus entero 71 có độc tính cao dần xuất hiện nhiều hơn.
Do chưa có văcxin điều trị, cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với người lớn, nếu chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
Các vật dụng, đồ chơi thường dùng của trẻ, sàn nhà, tay nắm cửa, cần được lau rửa bằng nước sạch, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%. Không dùng chung các đồ dùng ăn uống của người bệnh và cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi hẳn. Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, phụ huynh không nên cho trẻ đến những nơi đông người hoặc chơi những vật dụng mà nhiều trẻ tiếp xúc.
Khi nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh, phụ huynh cần đưa con em đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu như dễ giật mình, hoảng hốt, run chân tay, thở mệt, gồng người, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.
Cao Lâm