Đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phát hiện nhiều di tích cổ, trong đó có một ngôi mộ và một phần công trình tôn giáo.
Đoàn khảo cổ khai quật di tích tín ngưỡng cổ tại chùa Lang Đạo thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: tuyenquangtv.vn. |
Ông Lý Mạnh Thắng, phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, nói rằng chùa Lang Đạo thuộc thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương là một di tích nổi bật mà đoàn khảo sát phát hiện. Qua khai quật bước đầu, các chuyên gia đã phát hiện dấu tích của một công trình tín ngưỡng cổ, với ba khoảng sân lát gạch hoa chanh, được khởi dựng từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV) và tồn tại đến thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVII). Đây là một trong hai di tích tiêu biểu nhất được tìm thấy ở Việt Nam và còn khá nguyên vẹn với nhiều hiện vật có giá trị.
Cũng qua khảo sát, đoàn khảo cổ đã phát hiện khu mộ thời Hùng Vương tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương. Căn cứ vào đặc trưng chất liệu, kiểu dáng và hoa văn của các vò, nồi gốm cũng như kiểu chôn cất, các nhà khảo cổ xác định đây là khu mộ thời tiền văn hóa Đông Sơn, thuộc vào giai đoạn văn hóa Gò Mun, có niên đại khoảng gần 3.000 năm.
Gạch lát nền in nổi hình hoa chanh tại chùa Lang Đạo. Ảnh: tuyenquangtv.vn. |
Ngoài ra, đoàn còn phát hiện một chiếc giếng cổ tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; di tích cự thạch tại xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương; sưu tầm được một răng voi hóa thạch tại xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương…
Đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng kế hoạch khai quật và tổ chức bảo quản, nghiên cứu các di tích và hiện vật mà họ phát hiện.
TTXVN