Tinh Hoa

Đầu tư vào Mỹ đạt kỷ lục: Bước nhảy của Trung Quốc

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng kỷ lục trong năm nay, đó là báo cáo của tổ chức Rhodium, một cơ quan nghiên cứu chuyên phân tích xu hướng kinh tế toàn cầu có trụ sở tại New York.

Theo đó, FDI của Trung Quốc đổ vào Mỹ đã đạt con số ấn tượng 3,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2012 với 33 dự án, trong đó có 12 dự án liên quan tới hoạt động mua bán, sáp nhập và 21 dự án còn lại là đầu tư vào lĩnh vực xanh (xây dựng các thiết bị mới).

Như vậy, 6 tháng đầu năm nay đã chứng kiến mức đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Và đó chỉ là một phần trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong Quý 2/2012 đã chậm lại, đạt 7,6% so với 8,1% của quý 1, thấp nhất từ năm 2009 trở lại đây. Đồng thời, đang xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ Trung Quốc do chi phí sản xuất tăng cao.

Lợi dụng khủng hoảng để thâm nhập thị trường

Như vậy, hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã có một bước nhảy vọt quan trọng từ việc tập trung vào các thị trường đang phát triển từ nhiều năm trước, đến nay nước này đã có thể tự tin bước chân vào thị trường các nước phát triển. Có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã tạo cơ hội để Trung Quốc tiến hành các bước thâm nhập và thâu tóm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn của các nước phát triển, từ EU cho tới thị trường Mỹ.

Lợi dụng khủng hoảng Trung Quốc đã mở cuộc tấn công toàn diện vào châu Âu trên một loạt lĩnh vực từ tài chính, hạ tầng cơ sở đến bằng sáng chế. Theo tạp chí kinh tế L’Expansion của Pháp, Bắc Kinh đã can thiệp một cách kín đáo để nắm khoảng 700 tỷ công trái bằng euro, tức 10% tổng lượng trái phiếu mà khối này phát ra thị trường thời gian đầu khủng hoảng tài chính. Từ 2008 đến 2010, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các công ty tại các quốc gia châu Âu đã tăng gấp 6 lần. Trung Quốc đã thâm nhập châu Âu như mua từ các tập đoàn xe hơi, Rover của Anh, Volvo, Saab của Thụy Điển đến vườn nho Bordeaux của Pháp, cùng nhiều tập đoàn sản xuất máy móc công nghệ cao, như Baudoin hay NFM Technologié, hay những cơ sở hạ tầng cảng như Pirée ở Hy Lạp, Napoli ở Italia.

6 tháng đầu năm nay đã chứng kiến mức đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào thị trường Mỹ

Thilo Hanemann, Giám đốc nghiên cứu của Rhodium chuyên giám sát về hoạt động FDI của Trung Quốc vào Mỹ dự báo với mức đầu tư quy mô lớn sẽ đẩy dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Mỹ nam nay đạt con số kỷ lục, dự kiến sẽ là 8 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2010.

Ge Shunqi, Phó viện trưởng Viện Kinh tế quốc tế thuộc Đại học Nam Khai, Thiên Tân cho rằng trong lúc nền kinh tế Mỹ vẫn đang cố gắng thoát khỏi những khó khăn nội tại thì việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư được nền kinh tế số 1 thế giới đặc biệt chào đón. Đầu tư của Trung Quốc sẽ đem lại nhiều tiềm năng và góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong 10 năm tới. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc mang tầm chiến lược cao.

Sang Baichuan, Giám đốc Viện kinh doanh quốc tế tại đại học Kinh tế và kinh doanh quốc tế nhận định rằng một kỷ nguyên mới đang mở ra. “Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có khả năng thâm nhập vào thị trường phát triển của Mỹ và lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng và sẽ thu được nhiều lợi ích”.

Đầu tư vào thị trường Mỹ sẽ đem lại nhiều lợi ích khác nhau cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số doanh nghiệp sẽ tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ với chi phí thấp hơn trong khi những doanh nghiệp khác sẽ tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như công nghệ nguồn tiên tiến. Theo Ge Shunqi, cần xác định các lĩnh vực đầu tư chính, trong đó ngành sản xuất theo công nghệ cao và hạ tầng cơ sở công sẽ là nhưng lĩnh vực chủ chốt đối với đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ bởi Mỹ đang bắt đầu quá trình tái công nghiệp hóa.

Nhiều dự án quan trọng mà FDI của Trung Quốc hướng tới bao gồm thương vụ mua 1/3 cổ phần, trị giá 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Hóa dầu SINOPEC, trong 5 lĩnh vực dầu khí của Mỹ từ Tập đoàn năng lượng Devon, có trụ sở tại Ohio. Doanh nghiệp sản xuất ống tuýp đồng Golden Dragon cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào cơ sở sản xuất thiết bị tại hạt Wilcox, bang Alabama. Lĩnh vực ngân hàng cũng chứng kiến những chuyển động quan trọng khi Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc đầu tư 140 triệu USD vào Ngân hàng Đông Á của Mỹ.

Năng lượng vẫn là lĩnh vực quan tâm hàng đầu

Bên cạnh đó, có hai thương vụ lớn là Tập đoàn Dalian Wanda của Trung Quốc đã mua lại Tập đoàn giải trí AMC của Mỹ với giá 2.6 tỷ USD và vụ đấu thầu công ty không gian Hawker Beechcraft với giá 1,8 tỷ USD vào đầu tháng 7/2012. Trong khi Super Aviation của Trung Quốc đang tiếp tục đợi sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng Mỹ (Hawker đang tiến hành thủ tục phá sản tại New York) thì hai công ty Wanda và AMC ngày 25/07 cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ về các thương vụ kể trên với Trung Quốc và thương vụ sẽ hoàn tất vào cuối tháng 8 tới. Nếu thỏa thuận của Super Aviation được thông qua sẽ đưa tổng mức đầu tư FDI của Trung Quốc vào Mỹ vượt con số 8 tỷ USD trong năm nay, đó là không kể những dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Theo báo cáo của Rhodium, dầu khí là lĩnh vực đón nhận dòng đầu tư mạnh mẽ nhất, chiếm phần lớn lượng FDI của Trung Quốc vào Mỹ, mà dẫn đầu là thỏa thuận giữa SINOPEC và Devon. Tiếp sau dầu khí là các lĩnh vực như không gian, ngân hàng, tái chế kim loại, nhựa. Năng lượng thay thế và chuyển đổi tiếp tục đạt kỷ lục với số lượng các thỏa thuận nhiều nhất mặc dù mức độ đầu tư trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. “Mỹ là quốc gia rất giàu tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Nếu Mỹ mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài thì đầu tư của Trung Quốc sẽ tăng đột biến trong hai lĩnh vực này, nhất là ở những ngành cần công nghệ cao”, ông Ge cho biết.

Ngoài những dự án lớn, Rhodium còn chỉ ra những sự phát triển tích cực trong chính sách đầu tư ở cả Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Obama đã đề xuất tăng mức độ cấp visa cho Trung Quốc lên 40% năm 2012 và tuyên bố chính thức hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ – Trung hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên, đó chỉ là những bước khởi đầu, Rhodim cho rằng còn khá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc theo đuổi các dự án hạ tầng cơ sở và hậu cầu, cũng như những rào cản của vấn đề an ninh quốc gia Mỹ. Quan ngại sâu sắc trong nội bộ Mỹ hiện nay chủ yếu về dòng FDI của Trung Quốc đổ vào lĩnh vực viễn thông mà các sự vụ liên quan tới tập đoàn viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc ZTE.

Tập đoàn này vừa bị FBI điều tra do đã bán cho công ty viễn thông lớn nhất của Iran một hệ thống theo dõi tối tân, có khả năng kiểm soát đường dây điện thoại bàn, sóng điện thoại di động và Internet trong một thương vụ trị giá lên đến 120 triệu USD, ký kết hôm 24.7.2011. Các sản phẩm được liệt kê trong danh mục bán hàng của ZTE cho đối tác Iran bao gồm thiết bị phần cứng và cả phần mềm của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Microsoft, Hewlett-Packard, Oracle, Cisco, Dell.

AQ (Chinadaily)

(vietnamnet.vn)