Tinh Hoa

Đột nhập làng giá đỗ chuyên dùng độc tố

Cấm SHS thì có ngay… N3M (?!)

Khảo sát các tuyến phố Hà Nội chuyên bán các chất phụ gia như Hàng Bồ, Cao Thắng, Hàng Khoai và thậm chí là một số cửa hàng thuốc thực vật, giống cây trồng trên phố Phạm Ngọc Thạch về loại thuốc SHS kích thích giá đỗ lớn nhanh, câu trả lời chung chúng tôi nhận được là: không bán! Có người chủ trên phố Cao Thắng còn khẳng định ráo hoảnh: “Ở đây chỉ có bán chất làm trắng bánh bao thôi chứ làm gì nghe nói đến thuốc làm giá đỗ lớn nhanh bao giờ”.

Ngay cả chợ Đồng Xuân, trung tâm buôn bán chất phụ gia lớn nhất Hà Nội cũng không thấy bày bán loại thuốc này. Tuy không thấy sự hiện diện của SHS, nhưng những câu trả lời đầy lấp lửng, cảnh giác của các chủ cửa hàng nơi đây khiến người mua bắt buộc phải “nhanh ý” hiểu.

Vừa chìa tên SHS hỏi mua mấy ống về làm giá đỗ, chủ cửa hàng T.L trong chợ Đồng Xuân đã chối đây đẩy: “Em ơi chỗ chị không bán cái hóa chất này đâu” – “Sao chưa nói mà chị đã biết đây là hóa chất?” – “Chắc chắn đây là hóa chất rồi, nó kích thích để cho giá nó lên nhanh mà. Chị không biết nó bán ở đâu đâu (!)”.

Tiếp tục truy tìm SHS tại khu Giải Phóng chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Tạt vào địa điểm bán giống cây trồng, thuốc thực vật khu vực vỉa hè trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cô chủ trạc 50 tuổi niềm nở chào hàng với muôn vẻ thuốc kích thích cây trồng nhanh, mạnh như biển quảng cáo.

Khi được hỏi về thuốc SHS, cô này không ngại ngần chia sẻ: “Cô biết có cái này rồi, trước cũng có bán nhưng giờ cô… không có. Thuốc này nó có hàng mấy năm nay, 10.000 đồng/tuýp, pha với 5 lít nước. Bây giờ người ta dùng loại khác rồi, N3M ấy, chỉ 50.000 đồng/lọ thôi. Dùng cái này nó lên nhiều lắm. Loại này là mạnh nhất đấy”.

“Tất nhiên là phải dùng thuốc kích thích rồi!”

Mặc dù không thấy bóng dáng của loại thuốc SHS tại các chợ, nhưng khi đến làng Thượng Cát, Từ Liêm, một vùng chuyên làm giá đỗ nổi tiếng ở Hà Nội, chúng tôi khá bất ngờ khi nhận được một tuýp nhỏ đề SHS được giới thiệu là loại thuốc kích thích sinh trưởng từ một hộ gia đình làm giá.

Vỏ thuốc SHS

Ngập ngừng trong giây lát, bà M (người cung cấp loại thuốc SHS cho PV) thật thà chia sẻ, loại thuốc SHS là thuốc kích thích mà con gái bà thường hay dùng trong quá trình làm giá.

“Phải có chất kích thích một tí nó mới mập mới trắng, trông mới ngon chứ không có thuốc kích thích thì không ra gì đâu, dài nghều, xấu và gầy lắm. Mà bán cái này cũng được lắm, nhà con gái bác “đi” mấy chục nồi một ngày cơ mà. Ngày nào nó cũng đi. Bán ở chợ Mai Dịch đấy” – bà M vui vẻ chia sẻ.

Theo bà M, nếu một mẻ giá làm theo truyền thống là ngâm nước thì phải mất 6 -7 ngày mới có giá bán. Nhưng khi sử dụng thuốc kích thích SHS, đến ngày thứ 4, thứ 5 giá đã có rồi.

Một quy trình ngâm thuốc kích thích vào giá cũng rất đơn giản: “Đầu tiên là phải đạp đỗ (công đoạn làm mỏng vỏ). Khi cho đỗ vào ngâm là mình cho thuốc kích thích vào, khoắng đều lên, trộn đều để thuốc ngấm vào đỗ, sau đó vớt ra cho vào nồi để ủ. Lấy lá tre, cỏ gianh nén, lấy nan tre ép nó xuống thế là xong. Hàng ngày phải cho nó uống nước 3 lần, để đổ hết cái nước nóng đi, thay mới bằng nước mát. Mỗi chum dùng khoảng 5 lạng đỗ để ủ, 20 chum thì cho khoảng 1 – 2 lọ thuốc, đại loại là như thế. Thuốc này con gái bác mua chứ bác cũng chẳng biết mua ở đâu”, bà M nói.

Với câu hỏi thuốc kích thích giá đỗ như thế, bác có dám ăn không? Bà M cười: “Ôi giời, tráng đi tráng lại hàng bao lần trong mấy ngày liền. Mấy ngày giời cho ăn nước như thế thì sợ cái gì, có cái gì nữa mà phải sợ?”.

Dù bà M khẳng định như đinh đóng cột giá được ngâm thuốc kích thích “có gì phải sợ” nhưng theo người dân trong làng, rất nhiều người cũng đã bị tổn thương vùng chân, tay vì thuốc kích thích sinh trưởng này.

Anh T chia sẻ: “Ngày trước nhà em cũng ủ giá, mẹ em bị nước ăn chân ghê lắm. Ngâm nước thì không nói nhưng cái chính là toàn nước thuốc, làm giá tất nhiên là phải cho thuốc kích thích rồi. Thuốc nó ghi chữ Trung Quốc em cũng không biết là loại gì”.

Chị H cũng sẵn sàng chia sẻ: “Người ta cất hàng nhiều nên chúng em phải dùng thuốc kích thích mới làm nhanh, làm nhiều được. Thuốc màu trắng, đổ vào ngâm thì đổi màu vàng khè. Nhiều người ngứa rách tay cũng vì nước thuốc đấy”.

Theo Phunutoday