Việc các quan ở Việt Nam khi về hưu làm thành viên HĐQT các ngân hàng hay tập đoàn lớn râm ran thời gian qua. “Trông người ngẫm ta” – hãy xem các “quan” thế giới làm gì sau khi mãn nhiệm kỳ.
Nam châm hút tiền
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi từ nhiệm, các vị cựu tổng thống thường chuyển sang nghề diễn thuyết. Vận động cử tri, phát biểu trước báo giới, kêu gọi sự ủng hộ của công chúng… , tài ăn nói của các vị nguyên thủ quốc gia dường như là công cụ tuyệt vời để kiếm tiền và duy trì hình ảnh.
Người đầu tiên “lấp đầy” cuộc sống về hưu của các cựu tổng thống Mỹ trước đó là Gerald Ford, tổng thống thứ 38, với mức sống dư dả từ diễn thuyết, xuất bản sách và trả lời phỏng vấn.
Còn theo thống kê của CNN về hồ sơ tài chính, vị tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ – Bill Clinton – đã thu về 75,6 triệu USD (năm 2010), sau một thập kỉ rời ghế tổng thống từ năm 2001. “Dolar Bill” đã “sở hữu” khoảng 417 bài phát biểu, nhận được trung bình 181.000 USD cho mỗi lần diễn thuyết (gần bằng lương hưu một năm của tổng thống Mỹ – 191.300 USD), khoảng 2/3 thu nhập đến từ 48 quốc gia khắp các châu lục và phần còn lại là quê hương Hoa Kỳ.
Theo sau “Dolar Bill”, tổng thống George W. Bush cũng bước vào nghề này sau một tháng rời tòa Bạch ốc với những chia sẻ về “một thời kì trị vì” cũng như những nhận định về thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, những người tiền nhiệm như Ronald Reagan, Bush cha, Bà đầm thép Anh Margaret Thatcher, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev… đã tích lũy được một tài sản khổng lồ từ duyên ăn nói của mình.
Theo CNN, cựu tổng thống Bill Clinton kiếm được tổng cộng 89 triệu USD nhờ diễn thuyết sau khi rời Nhà Trắng tháng 1/2001 |
Song hành với nói là thú vui viết lách. Những tác phẩm hồi kí, ngoài việc ghi lại một quá trình “chinh chiến”, đã đem lại một khoản lợi nhuận không nhỏ cho các chính trị gia. Tính đến nay, “My Life” (năm 2004) của Bill Clinton đã đạt mốc tiêu thụ 2,5 triệu đầu sách. “Decision Points” (năm 2010) vượt qua với 2,6 triệu sách bán ra trong năm đầu tiên dù George W. Bush đang phải đối mặt với các tổ chức nhân quyền vì tiết lộ dùng phương pháp tra tấn trong vụ khủng bố 11/9. Có thể nói, hầu hết những tác phẩm của chính khách Mỹ đều thu hút được sự tò mò của độc giả về những bí mật trong căn phòng Bầu Dục.
Những nguồn thu nhập béo bở
Xu hướng kinh doanh dường như rất phổ biến đối với những lãnh đạo EU. Sau nhiệm kì, những vị chủ tịch thường được mời làm cố vấn cho chính công ty đã từng làm việc hoặc tiếp tục ngồi ghế lãnh đạo ở nước nhà.
Vị chủ tịch thứ 8 Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Horst Köhler trở thành tổng thống Đức dù không xuất thân từ chính trường. Với trình độ kinh tế của mình, sự tín nhiệm của các đảng phái và dân chúng Đức đối với ông ngày càng tăng lên. Người kế nhiệm – Rodrigo Rato thì tiếp tục sự nghiệp với vai trò chủ tịch ngân hàng Bankia, Tây Ban Nha. Renato Ruggiero được chọn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý sau khi kết thúc nhiệm kì ở WTO. Năm 2010, cựu chủ tịch WTO – Mike Moore – được bổ nhiệm làm Đại sứ New Zealand tại Hoa Kỳ ở tuổi 61.
Về lĩnh vực kinh doanh thì có lẽ cựu thủ tướng Anh Tony Blair gây được nhiều sự chú ý nhất. Các khách hàng mời ông làm cố vấn có ngân hàng đầu tư JP Morgan, tập đoàn bảo hiểm Zurich Financial Services. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp lãnh đạo công ty Tony Blair Associates đảm trách tư vấn cho quỹ đầu tư Mubadala của chính phủ Abu Dhabi (Trung Đông). Không dừng lại ở đó, Tony Blair tiếp tục “lấn sân” sang lĩnh vực diễn giả cho các quỹ đầu cơ với chủ đề môi trường chính trị và đầu tư trong khu vực và thế giới. Theo tiết lộ của tờ Guardian (Anh) thì trong 90 phút, Tony Blair đã kiếm được thu nhập 180.000 bảng Anh, gấp 2,8 lần lương hưu hàng năm của một thủ tướng Anh (63.000 bảng Anh).
Tony Blair đã quyết định đóng góp 5,6 triệu Euro, toàn bộ số tiền thu được từ hồi kí “A Journey: My Political Life” cho một quỹ từ thiện vì các binh lính tham gia chiến tranh. |
Những sứ mệnh đặc biệt
Ngày 26/6/2007, vị cựu thủ tướng xứ sương mù Tony Blair được nhóm Bộ tứ (Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga) bổ nhiệm vị trí đặc phái viên Trung Đông. Không chỉ đảm nhận vai trò hàn gắn mối quan hệ Israel và Palestine, ông còn tích cực làm cố vấn tài chính cho Libya thời Muanmar Gaddafi, giới chức Kazakhstan và chính phủ Kuwait. Mặt trận ngoại giao Triều Tiên cũng ghi nhận cuộc viếng thăm của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (năm 1994) nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng về năng lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng và sứ mệnh giải cứu hai phóng viên Mỹ thành công nhờ cuộc thân chinh của Bill Clinton (năm 2009).
Bên cạnh đó, một trong những hành động khiến dư luận quan tâm chính là những đóng góp cho nhân đạo của các lãnh đạo cấp cao. Với Quỹ bất vụ lợi, Clinton – Bush đã hỗ trợ hàng triệu USD cho nạn nhân Haiti. Để giúp các nước nghèo chống lại căn bệnh thế kỷ, Quỹ William Clinton Foundation HIV/AIDS Intiative (CHAI) của Bill Clinton đã ra đời. Gần gây, Tony Blair có quyết định đầy bất ngờ khi đóng góp 5,6 triệu Euro, toàn bộ số tiền thu được từ hồi kí “A Journey: My Political Life”, cho Battle Back Challenge Centre – một trung tâm thể thao giành cho những binh lính bị thương do chiến tranh.
Nhà văn Mỹ John Updike từng nhận định rằng: “Nhiệm kỳ tổng thống chỉ là một ga nhỏ trên con đường dẫn tới cuộc sống dư dả của các cựu tổng thống”. Giới chính trị gia giống như một nam châm hút các cơ hội, dù nhiệm kì đã kết thúc. Rời ghế chủ tịch, tổng thống, thủ tướng… nhưng sự nghiệp của họ vẫn chưa chấm dứt. Họ tham gia diễn thuyết, viết sách, cố vấn cấp cao hay kinh doanh… vừa đem lại một khoản lương hậu hĩnh vừa chứng tỏ bản lĩnh “gừng càng già càng cay” của mình.
Tuy nhiên, tiền chưa phải là tài sản quý giá nhất họ thu nhặt được khi viết tiếp “hậu nhiệm kì” mà chính là được tiếp tục cống hiến cho nước nhà, gây quỹ từ thiện, đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Vị trí trong lòng công chúng mới chính là tài sản vô giá nhất!
Vân Anh
(vietnamnet.vn)