Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% của cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ sản phẩm trong ngành công nghiệp chế biến chậm dẫn đến lượng tồn kho cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6 tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy hàng hoá tồn kho vẫn tăng ở mức cao nhưng đã có xu hướng tích cực trong vài tháng gần đây. Bằng chứng là so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho tháng 3 là 34,9%; tháng 4 là 32,1%; tháng 5 là 29,4% và tháng 6 là 26%.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết tổng mức doanh thu bán lẻ của dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,5%, sau khi loại trừ yếu tố giá. Trong khi con số này các năm hoàng kim lên đến 11-12%. Ông Phú cho rằng, bản chất của việc hàng hóa tồn kho hiện do nguồn tiền trong dân quá ít, người lao động thu nhập giảm, thậm chí mất việc làm vì nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
“Thanh lý rẻ mà người tiêu dùng không có tiền thì cũng chẳng mua sắm được”, ông Phú nói. Theo đó, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng giảm giá phải đi đôi với tăng cầu, tăng khả năng thanh toán trong dân. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, khuyến mãi phải thực chất, còn tăng giá ảo rồi xuống giá đến 50-70% để câu khách chỉ khiến người tiêu dùng mất lòng tin và càng khó tiêu thụ hàng hóa hơn.
|