“Lạc lõng” hát ru trong gia đình trẻ
(LV) – Từ xưa, những câu hát ru êm ái, dịu ngọt thể hiện tình yêu thương tha thiết của người mẹ theo con mãi cuộc đời, nhưng giờ đây hát ru có lẽ trở nên “lạc lõng” trong cuộc sống hiện đại.
Mới đây, trong Ngày hội gia đình Việt Nam do Bộ VHTTDL tổ chức người ta chú ý đến một sự kiện là Liên hoan hát ru, tuy nhiên đến ngày sắp diễn ra thì lại được thông báo rằng: đó chỉ là giao lưu hát ru của một số câu lạc bộ người cao tuổi ở các địa phương lân cận Hà Nội. Đến lúc diễn ra, gọi là cuộc giao lưu nhưng nó chỉ vẻn vẹn mấy tiết mục. Có lẽ điều đó cũng nói lên phần nào của thực tế người trẻ không còn thiết tha với hát ru và hát ru đang ngày càng mai một. Bởi vậy hát ru trở nên…
… nhạt nhòa trong gia đình trẻ
Hát ru không phải là loại hình nghệ thuật cao siêu mà nó giản dị, dân dã, dễ nhớ như chính hình ảnh của bà của mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn. Và chẳng ai biết hát ru có từ khi nào, chỉ biết rằng từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng đến miền núi, miền ngược đến miền xuôi, hát ru không phân biệt sang hèn, không thể thiếu bên cánh võng, vành nôi và đôi tay trìu mến của mẹ. Mỗi dân tộc đều có làn điệu hát ru riêng, nhưng với trẻ thơ đó đều là những lời ru nồng nàn của người mẹ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ.
Nghe hát ru không chỉ là nghe âm nhạc thuần túy mà đó là yếu tố giao lưu tình cảm giữa mẹ và con. Các bà mẹ trẻ dường như không biết điều đó, họ chẳng biết hát ru hoặc chỉ ê a vài câu, thậm chí là cho con nghe hát ru qua đài. Có trường hợp các thể loại nhạc rap, hip hop… cũng được các ông bố bà mẹ cho con “thưởng thức” miễn sao con ngủ được. Cho nên, dù mẹ rất yêu con, con rất cần mẹ lúc ăn, lúc bú nhưng khi ngủ trẻ lại muốn được bà bế ẵm để được bà hát ru, những câu hát ru à ơi, ầu ơ… ấm áp, đầy yêu thương, giàu nhạc điệu gợi trí tưởng tượng như cho bé thấy không gian bao la, nhiều điều mới lạ mà gần gũi, thân thiết đưa bé vào giấc ngủ yên bình. Người ta thường chỉ thấy bà ru cháu, rất hiếm mẹ ru con, chị ru em. Lý giải cho việc này, các mẹ thì nói rằng công việc quá bận không còn thời gian, rồi con đi học suốt ngày, không có thói quen ru con. Có người còn sợ khi hát lên những câu hát xưa cũ mọi người sẽ cho là “quê, lạc hậu”.
Bà Nguyễn Thị Lâm (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang làm giúp việc chăm trẻ cho chủ nhà trên Hà Nội, dù là người ở quê, ít học nhưng bà lại biết rất nhiều điệu hát ru, chỉ cần nghe tiếng à ơi của bà, đứa trẻ đang quấy khóc cũng dần lịm vào giấc ngủ ngon lành. Bà bảo, chả ai dạy, từ những câu tục ngữ ca dao ngày xưa có vần có điệu, ngày xưa mẹ bà hay ru các em nên bà thuộc lúc nào không biết. Rồi đến khi làm mẹ bà cũng hát ru con, giờ lại ru cháu… Ra đây giúp việc bà vẫn hát ru chẳng ngại ngần gì, những làn điệu nghe đơn giản, mộc mạc dễ nhớ mà sao không ai thuộc.
Phải chăng quan niệm của các bậc cha mẹ trẻ đã thay đổi, những lời ru ê a, chậm dãi không còn thích hợp với cuộc sống sôi động ngoài kia? Phải chăng vì vậy mà những đứa trẻ ngày nay thông minh, láu lỉnh hơn nhưng thiếu đi sự nết na, ngoan ngoãn, lòng nhân ái, bao dung đối với thế giới xung quanh?
Để hát ru không bị lãng quên
Thực trạng mai một hát ru có lẽ không chỉ ở gia đình trẻ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Cuộc điều tra nhỏ tại Anh cho biết trong 10 bậc cha mẹ thì có một người không thể nhớ lời các bài hát ru và có 13% người được hỏi cho rằng hát ru là “lỗi thời” |
Trong đời sống hát ru bị nhạt nhòa, còn trong hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng bị lãng quên một thời gian dài. Khán giả không còn mặn mà thì nghệ sỹ cũng khó mà hào hứng đem nhiệt huyết, lời ca tiếng hát lên sân khấu. Năm 2004, Liên hoan hát ru được tổ chức nhưng khán giả đến với đêm diễn lèo tèo, nhiều người đến nghe còn… ngủ gật. Sau đó, không có cuộc liên hoan nào quy mô toàn quốc diễn ra. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hội diễn, hội thi về hát ru ở mọi lứa tuổi đã được tổ chức từ Bắc Giang đến Quảng Trị, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Những tưởng các liên hoan về hát ru cũng “chịu chung số phận” với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác song đã có sự đổi khác.
Liên hoan hát ru của Hội Phụ nữ xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị diễn ra tháng 5/2012, dù kinh phí tổ chức hạn chế những đã thu hút được gần 100 nghệ sỹ không chuyên mọi lứa tuổi tham gia. Tình yêu hát ru đã được đánh thức trong lòng người nghe. Hàng đêm, sân trung tâm Nhà văn hóa xã Gio An chật kín khán giả đón nghe các điệu hát ru địa phương, các điệu ru phía Bắc, phía Nam lồng ghép với các làn điệu hò ca vần vè của các vùng miền.
Tiếp nối sự thành công ấy, ngay từ đầu tháng 6/2012, vào tối thứ 7 hàng tuần, sân khấu trước cổng chợ Đồng Xuân, Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam đã lựa chọn loại hình âm nhạc hát ru để gửi đến công chúng. Trong mỗi đêm diễn, hàng trăm khán giả từ trẻ đến già, khách du lịch nước ngoài, vây quanh sân khấu lắng nghe “Lời ru trên nương”, ru hời trong quan họ Bắc Ninh hay trong ca trù…
Sau cuộc giao lưu hát ru ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhân Ngày hội gia đình Việt Nam của các câu lạc bộ người cao tuổi Hà Nội, bà Nguyễn Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Năm nay, Trung tâm chưa chuẩn bị kỹ để hát ru có thể trở thành liên hoan, nhưng với sự quan tâm của nhiều người và sự cần thiết của hát ru với đời sống, năm sau Trung tâm sẽ tổ chức Liên hoan hát ru dành cho nhiều lứa tuổi. Hi vọng, Liên hoan sẽ được diễn ra hàng năm vào Ngày gia đình Việt Nam 28/6”. Còn Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị tổ chức một cuộc hội thảo và trình diễn về hát ru vào tháng 9 này.
Phong Vũ