(LV) – Ngoài khu nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực đảo Đá Tây đang hoạt động khá hiệu quả, quần đảo Trường Sa còn có tiềm năng lớn về du lịch.
Thơ mộng đảo Song Tử Tây. |
Khu nuôi trồng thủy sản Đà Tây
Đảo ngầm Đá Tây nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, có hình quả trám, chiều dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý. Quan sát bằng mắt thường, Đá Tây gồm 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng. Ở giữa là một cái hồ do các doi cát bao quanh tạo thành độ sâu không đều trở thành nơi lý tưởng nuôi trồng thủy sản và neo đậu tàu thuyền.
Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai dự án nuôi cá lồng và thành lập khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên diện tích 3.000m2 nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày.
Thượng úy Nguyễn Văn Duyên, thành viên tổ nuôi trồng thủy sản thuộc Hải đoàn 129 cho biết, ban đầu việc thí điểm được tiến hành với 4 loại cá: Hồng đen, chim trắng, chẽm và mú. Sau một thời gian thí điểm, cá hồng đen, chim trắng và cá chẽm tỏ ra thích nghi tốt, ít bệnh tật, mau lớn. Tuy vậy, theo thượng úy Nguyễn Văn Duyên, cá chẽm rất dễ mắc các bệnh ngoài da như xù, tróc vẩy và tốc độ lây bệnh nhanh. Hàng ngày, các công nhân tổ nuôi trồng thủy sản phải thường xuyên thăm lồng. Khi phát hiện cá bị bệnh, việc tắm nước ngọt cho cá phải tiến hành ngay để dập tắt mầm bệnh, hạn chế lây lan.
Sau gần 5 năm triển khai, khu nuôi nuôi cá lồng ở đảo Đá Tây đáp ứng được hơn 50% nhu cầu thực phẩm tươi sống, giúp cải thiện bữa ăn cho quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thiếu úy Đậu Bá Quy, tổ trưởng tổ nuôi trồng thủy sản đảo Đá Tây, cho biết, vài năm gần đây, nguồn cá từ Đá Tây được xuất về đất liền, bán cho các khách sạn, nhà hàng lớn tại TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. “5 lồng cá hồng đen, chim trắng và cá chẽm, mỗi lồng từ 1.500 – 2.000 con, thả giống từ tháng 10-2011 đã đạt trọng lượng từ 2,5-3kg/con. Đến hết tháng 6, khi lịch thăm Trường Sa của các đoàn khách từ đất liền kết thúc, chúng tôi sẽ thu hoạch, vệ sinh lồng và tiếp tục đợt nuôi mới”, thiếu úy Đậu Bá Quy nói.
Năm 2011, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã cung cấp miễn phí hơn 1.000m3 nước ngọt, bán 407.000m3 dầu và 20 tấn lương thực, thực phẩm các loại, sửa chữa 18 tàu thuyền cho ngư dân. Theo thiếu úy Đậu Bá Quy, việc nhân rộng mô hình nuôi cá lồng, xây dựng kho chứa hàng, nhà nghỉ, nhà kính trồng rau xanh đang được tiếp tục phát triển để không chỉ phục vụ ngư dân đánh bắt trên biển mà còn đáp ứng nhu cầu của người dân ra sinh sống, lập nghiệp tại đây.
Khu nuôi cá lồng ở đảo Đá Tây. |
Tiềm năng du lịch Trường Sa
Ngoài thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá, dầu khí, tiềm năng du lịch trên quần đảo Trường Sa và vùng biển Đông là rất lớn. Trong số các đảo nổi mà chúng tôi ghé thăm trong dịp công tác, các bãi biển ở Trường Sa lớn, Sơn Ca và Sinh Tồn cát trắng phẳng lì. Hàng rau muống biển xanh um điểm hoa tím lãng mạn. Môi trường trên các đảo trong lành, nước biển sạch, cây cối tốt tươi, biển Trường Sa nhiều san hô và nhiều loại hải sản quý, lý tưởng cho loại hình lặn biển.
Anh Lê Thanh Hải, một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội, cùng đi trong chuyến thăm Trường Sa, cho rằng: Trong khi các điểm đến trong nước gần như bão hòa, thì tour du lịch Trường Sa kết hợp thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa chắc chắn sẽ đông khách.
Trao đổi với chúng tôi, chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam cho biết: “Việc khai thác du lịch tại Trường Sa đang trong quá trình thăm dò, thử nghiệm. Hiện tại, việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, đưa dân ra xây dựng đảo đang được thực hiện từng bước để tạo nền tảng vững chắc về quốc phòng gắn với khai thác thế mạnh phát triển kinh tế Trường Sa trong tương lai”.
BN (Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng tàu)