Oshin từng là bộ phim lấy đi bao nước mắt của khán giả Việt. Cho đến bây giờ, Oshin vẫn để lại những ảnh hưởng nhất định trong khán giả Việt Nam… Cùng đọc lại những câu chuyện hậu trường chưa kể về bộ phim Oshin.
Oshin là bộ phim truyền hình Nhật Bản nổi tiếng từng chiếu trên đài truyền hình Nhật NHK trong hai năm 1983-1984. Bộ phim kể về cuộc đời của cô gái trẻ có tên Shin Tanokura trong thời kỳ từ triều đại Meiji cho tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong tiếng Nhật, để thể hiện sự tôn trọng, Shin được gọi là “Oshin” (từ “Shin” trong từ “Shinbo” nghĩa là tâm bão, nói rộng ra là sự đắng cay, sự nhẫn nại và kiên trì).
Bộ phim mở đầu với mốc thời gian 1983. Thay vì đi dự lễ khai trương của cửa hàng thứ 17 trong chuỗi cửa hàng do mình lập ra, bà cụ Oshin Tanokura 83 tuổi quyết định đặt vé đi một chuyến tàu hoả. Cả nhà náo loạn vì không biết bà cụ đi đâu. Cháu trai của Oshin, cậu Kei, nhớ ra câu chuyện về những cô búp bê kokeshi truyền thống của Nhật mà bà đã từng kể cho anh. Linh cảm mách bảo và cậu thực hiện chuyến hành trình mong sẽ bắt kịp bà mình. May mắn, linh cảm đó đã đúng và cậu đã gặp được bà, trên chuyến hành trình hai bà cháu quay trở về, họ đã đi qua những vùng đất với khung cảnh khác nhau chạy qua ô cửa sổ tàu hoả, đi qua cả nơi bà cụ Oshin từng sống nhiều năm, bà bắt đầu hồi tưởng lại về thờ kỳ khó khăn đã từng trải qua trong đời…
Bà cụ Oshin ở tuổi 83 và cháu trai Kei
Năm 1907, cô bé Oshin 7 tuổi được cha đưa tới làm trông trẻ cho một nhà giàu, kiếm tiền giúp đỡ thêm cho gia đình. Ở đây, cô luôn bị ngược đãi, đánh đập và mắng chửi thậm tệ, nhưng Oshin luôn cắn răng chịu đựng tất cả để có thể kiếm những đồng tiền ít ỏi gửi về cho bố mẹ và các em. Tuy vậy, khi bị buộc tội ăn cắp tiền, cô bé đã quá sợ hãi mà bỏ đi. Trong nhiều ngày liền, cô phải chịu đựng trận bão tuyết trên đường quay về nhà với cha mẹ. Bão tuyết lớn quá, cô gần như bị chôn vùi và tưởng sẽ chết vì rét. Nhưng cô đã được cứu mạng nhờ một người đàn ông tên là Shunsaku, ông là lính trong quân đội đế quốc dưới thời Nhật hoàng nhưng đã đào ngũ. Cô ở với ông qua mùa đông cho tới khi tuyết tan. Khi bão tuyết dịu đi, họ bị quân đội tìm thấy và người lính đào tẩu Shunsaku bị bắn chết. Tốp lính đó định đưa Oshin về giao lại cho gia đình nhưng cô bé bảo mình biết đường và có thể tự đi bộ về nhà được.
Cô bé Oshin
Về tới nơi, Oshin một lần nữa lại phải rời xa gia đình, bố mẹ cho em đi trông trẻ ở cho một gia đình khác ở Kaga-ya thuộc tỉnh Sayaka. Cô ở với gia đình này cho tới khi 16 tuổi. Sau khi quay về sống với gia đình, cô tình cờ nghe thấy cha muốn cô đến làm cho một quán bar, hiểu rằng thân phận mình sẽ trở nên ô nhục, Oshin liền bỏ nhà đi tới Tokyo để theo đuổi giấc mơ trở thành thợ làm tóc chuyên nghiệp.
Oshin khi đã trưởng thành
Bà cụ Oshin
Câu chuyện về nhân vật Oshin được cho là dựa trên cuộc đời có thật của một phụ nữ Nhật. Đó là mẹ của nữ doanh nhân Kazuo Wada. Gia đình Wada đã lập nên chuỗi siêu thị lớn tại Nhật.
Kịch bản được viết ra sau khi nhà biên kịch Sugako Hashida nhận được những lá thư ẩn danh. “Đó là quá khứ không thể kể ra chính thức của một người phụ nữ đang nằm trên giường hấp hối. Việc đưa câu chuyện này đến với đông đảo khán giả để họ hiểu được những khó khăn của một người thợ học việc đến từ tỉnh lẻ, người đã từng bị bán vào kỹ viện là trách nhiệm mà tôi vinh dự được trao. Tuy vậy, chủ đề của bộ phim tương đối nghiệt ngã và u ám khiến ban đầu không một đài truyền hình nào đón nhận. Thậm chí đài NHK ban đầu cũng không nhận. Họ nói họ không thể khơi lại thời kỳ u tối dưới triều đại Meiji. Nhưng cuối cùng mọi việc đã ổn thoả khi đạo diễn của đài, ông Mikio Kawaguchi bị thuyết phục bởi độ hấp dẫn của kịch bản.”
Oshin, nhân vật nữ chính, là nhân vật mang ý nghĩa tượng trưng cho tính kiên trì, nhẫn nại, không bao giờ từ bỏ giữa chừng kể cả trong những thời điểm đen tối nhất. Nhân vật Oshin được yêu quý bởi cả người Nhật và khán giả của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở Nhật Bản, rất nhiều người vẫn lấy hình ảnh Oshin ra mỗi khi nói về sự bền gan, vững trí. Ví dụ, đô vật sumo Takanosato được đặt biệt danh là “Oshin Yokozuna” khi anh phải vật lộn với bệnh tiểu đường. Một số cụm từ hay dùng khác ở Nhật trong những năm 80 của thế kỷ trước là “Bữa cơm Oshin”, khi đó người dân đang phải vật lộn với nền kinh tế khó khăn nên họ thường chỉ ăn cơm với củ cải. Một nhánh sông của con sông lớn Mogami cũng được đặt tên là “Oshin”.
Oshin đã nổi tiếng trên toàn Châu Á khi nó xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của nhiều nước. Ngày nay, Ayako Kobayashi vẫn nhận được sự đón chào nồng nhiệt mỗi khi cô tới thăm các nước Châu Á từng chiếu phim Oshin. Ở Việt Nam, ô-sin đã trở thành từ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để chỉ những người làm giúp việc cho các gia đình.
Diễn viên Ayako Kobayashi vào vai Oshin khi nhỏ
Bộ phim có tất cả 297 tập nhỏ, mỗi tập kéo dài 15 phút. Để hoàn thành gần 300 tập phim, Oshin đã cần tới 8 đạo diễn và 3 nữ diễn viên để vào vai nhân vật chính từ lúc nhỏ cho tới khi về già.
Người vào vai Oshin lúc nhỏ là nữ diễn viên Ayako Kobayashi. Cô đã thể hiện xuất sắc vai diễn này, để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Ayako sinh năm 1972 tại Tokyo, vào vai Oshin năm 1983. Đây là vai diễn đầu tiên và cũng là vai diễn nổi bật nhất của Ayako trên màn ảnh nhỏ.
Đóng vai Oshin ở tuổi trưởng thành là nữ diễn viên Yuno Tanaka. Cô sinh năm 1955, là một nữ diễn viên khá tên tuổi của Nhật Bản. Đóng vai Oshin về già là nữ diễn viên gạo cội Nobuko Otawa, sinh năm 1925 và đã qua đời năm 1994.
Nhiều người Nhật khi đó thấy bộ phim được trình chiếu ở nhiều nước đã lo ngại nó sẽ để lại ấn tượng không đẹp về nước Nhật. Tuy nhiên, bộ phim đã để lại ấn tượng đẹp về con người và đất nước Nhật.
Hình ảnh cô bé Oshin đi ở đã từng lấy bao nước mắt của khán giả Việt. Thậm chí khi đó người ta thường đùa nhau: “Sắp có Oshin rồi, lấy khăn ra lau nước mắt đi”. Có những câu chuyện dễ thương và cảm động mà khán giả hẳn vẫn chưa quên:
Diễn viên Yuno Tanaka vào vai Oshin khi trưởng thành
Tại Việt Nam, Oshin gây được tiếng vang lớn trong đông đảo người xem một phần không nhỏ là nhờ đội ngũ lồng tiếng đã làm việc rất công phu, thể hiện được tình cảm sâu sắc dành cho nhân vật bằng giọng thoại của mình.
Khi đó, nhóm lồng tiếng phải làm việc cả ngày để kịp tiến độ chiếu phim trên truyền hình. Một số diễn viên khi đến ca lồng tiếng ban đêm, trời mưa gió nên bị cảm lạnh, sốt xình xịch trong phòng thu nhưng vẫn nén ho để diễn thoại cho đạt. Nghệ sĩ Văn Hiệp thì liên tục “bắn” thuốc lào để giọng khàn hơn còn lồng tiếng cho ông cụ Gemamon.
Ba thế hệ diễn viên vào vai Oshin trên phim trường
Các nghệ sĩ lồng tiếng cho phim Osin khi đó đều cảm thấy sung sướng và hạnh phúc dù tiền lương rất thấp và kỹ thuật của Đài lúc đó còn hạn chế khiến họ phải diễn đi diễn lại nhiều lần. Có những gia đình nghệ sĩ cùng nhau đến lồng tiếng cho phim như ba mẹ con Hương Dung, vợ chồng Lan Hương – Đỗ Kỷ và hai chị em Lan Hương – Bích Ngọc.
Phát thanh viên của Đài khi đó cũng thử sức mình với những cái tên nhưnghệ sĩ ưu tú Kim Tiến diễn xuất lời người dẫn chuyện. Các phát thanh viên Thanh Hùng, Nhật Lệ, Phương Hoa, Minh Khuê và Ngọc Trâm tham giadiễn lời thoại của các vai phụ, vai quần chúng.