Tinh Hoa

Doanh nhân Trung Quốc tìm đường di cư ra nước ngoài

Báo cáo mới đây của Công ty tư vấn Bain cho thấy, 60% các đại gia sở hữu khối tài sản trên 10 triệu Nhân dân tệ tại Trung Quốc đang tính đến chuyện sẽ định cư ở nước ngoài. Khảo sát trên cũng cho biết 27% doanh nhân Trung Quốc có tài sản trên 100 triệu Nhân dân tệ đã di cư và 47% đang có ý định rời bỏ quê hương. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như: Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.

Kết quả trên hoàn toàn tương thích với một số báo cáo cho biết Ngân khố Mỹ ghi nhận sự tăng đột biến trong lưu chuyển tiền mặt từ Trung Quốc kể từ đầu mùa hè năm ngoái.

Ngày càng có nhiều người giàu Trung Quốc muốn định cư ở nước ngoài. Ảnh: Forbes

Theo Global Financial Integrity, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về các giao dịch ngoại hối ra nước ngoài. Theo ước tính, dòng ngoại hối ra nước ngoài của Trung Quốc lên tới 2.180 tỷ USD từ năm 2000 đến năm 2008.

Dòng tiền này cũng tăng đáng kể trong quý 4 năm 2008 khi chính phủ Trung Quốc triển khai gói kích thích kinh tế, mở đầu cho giai đoạn mới của kế hoạch tái quốc hữu hóa một phần nền kinh tế. Khi đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã rót ngân sách vào khu vực quốc doanh và các tổ chức tín dụng nhà nước cũng đầu tư tiền vào các công trình do Chính phủ tài trợ.

Kết quả là trong năm 2009, 95% tăng trưởng Trung Quốc là từ đầu tư, và phần lớn là từ Chính phủ. Mặc dù ưu tiên các doanh nghiệp quốc doanh trong một số ngành kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân cũng được không ít lợi ích từ gói kích thích kinh tế. Họ “ăn theo” bong bóng tài sản và trở nên ngày càng giàu hơn. Theo nghiên cứu của China Merchants-Bain, trong năm 2011, số người giàu của Trung Quốc sẽ lên tới 585.000 người, gần gấp đôi so với năm 2008.

Việc giới thượng lưu Trung Quốc di cư ngày càng nhiều đã gây tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận. “Chúng ta đã làm việc vất vả trong suốt 30 năm qua để phát triển nền kinh tế, nhưng giờ thì những người giàu đang đem của cải rời bỏ đất nước,” nhà phân tích kinh tế Zhong Dajun trả lời phóng vấn của Global Times, tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

“Sự mất mát này thậm chí còn lớn hơn tất cả các khoản đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Nó cũng giống như đến mùa thu hoạch, tất cả nông sản của chúng ta đều đã rơi vào giỏ của người khác”, ông này nói.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có nguyên do của nó. Từ năm 2008, Trung Quốc đã đối xử không công bằng và lợi dụng các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, theo lẽ tự nhiên giờ đây họ phải tự bảo vệ bản thân.

Giới thượng lưu Trung Quốc vẫn tiếp tục mua bất động sản của Mỹ, và tiến tới đưa cả gia đình ra nước ngoài. Trong vòng năm năm qua, tỷ lệ giới đầu tư nước này nhập cư vào Mỹ đã tăng 73%. Trung Quốc đóng góp phần lớn trong làn sóng đầu tư từ Châu Á sang Vancouver (Canada). Tại Vancouver, trong tháng 2, dân môi giới đã làm không hết việc khi người Trung Quốc mua nhà ngày càng đông, khiến doanh số bán bất động sản tăng 70% so với tháng trước.

Có một nghịch lý là trong khi người nước ngoài đang rót tiền đầu tư vào Trung Quốc thì những doanh nhân nước này lại đem tiền của mình đầu tư ra nước ngoài.

Trên thực tế, làn sóng di cư của người giàu Trung Quốc không chỉ đơn thuần xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan mà còn do những yếu tố khách quan nảy sinh từ điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại của nước này.

“Cơn sốt” đất, nhà ở trên thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh thời gian gần đây luôn khiến người dân Trung Quốc trở nên “ngộp thở”. Vì vậy, những bất cập trong đời sống thường nhật thôi thúc tầng lớp giàu có tìm kiếm cơ hội kinh doanh, sinh sống tại một môi trường thông thoáng hơn, bớt ngột ngạt hơn so với đại lục.

Ngoài ra, giới đại gia Trung Quốc cũng luôn cảnh giác với sự an toàn của số tài sản kếch xù của mình. Chính phủ đại lục từ lâu ban hành điều luật bảo đảm tài sản cá nhân nhưng trên thực tế, giới siêu giàu vẫn chưa thực sự yên tâm.

Ngô Giai Xuyên, 42 tuổi, một thương gia có tiếng trong giới bất động sản thổ lộ: “Tôi không có cảm giác an toàn khi kinh doanh ở Trung Quốc. Mỗi phi vụ làm ăn, tôi thường đau đầu giải quyết những thủ tục hành chính rườm rà. Chỉ cần một chút sơ sẩy, cả cơ nghiệp mấy chục năm gây dựng sẽ tan thành mây khói”.

Không ít người trong cuộc điều tra mới đây tỏ rõ thái độ bức xúc trước tác phong quản lý, làm việc của một số cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Ông Xuyên lý giải: “Nghe nói, ở nước ngoài môi trường kinh doanh rất thông thoáng, không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính rườm rà. Môi trường như vậy mới thực sự thu hút tôi”.

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang trở thành nỗi khiếp sợ của toàn bộ người dân nói chung và các đại gia Trung Quốc nói riêng. Hàng loạt những vụ việc bê bối: sữa chứa melamine, dầu bẩn, thịt siêu nạc, bánh bao nhiễm độc, hóa thịt lợn thành thịt bò, giá đỗ bẩn, miến giả… thời gian qua đã làm chao đảo thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Do vậy, người giàu Trung Quốc cho rằng họ có quyền lựa chọn một môi trường sống an toàn hơn, nhằm đảm bảo tương lai của chính họ và con cái.

Tuyến Nguyễn (theo Forbes)