Tinh Hoa

Tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa

Một tàu đổ bộ của Trung Quốc được phát hiện trong quần đảo Trường Sa, tại khu vực bãi Su Bi mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.



Hình ảnh tàu đổ bộ 934 của Hải quân Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa do máy bay trinh sát của Philippines chụp được. Ảnh: Philippines Star

Máy bay giám sát của Hải quân Philippines phát hiện ra tàu Hải quân 934, thuộc lớp Ngọc Đình (Yuting), được trang bị ba súng hạng nặng, cần cẩu và một bãi đáp trực thăng, neo đậu tại cảng mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên bãi Su Bi.

Phía Philippines cho biết sẽ nỗ lực để theo dõi hoạt động của con tàu trong khu vực, cũng như tình hình trong quần đảo Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh miền tây của Philippines Niel Estrella cho biết.

Công việc theo dõi hôm qua bị cản trở bởi điều kiện thời tiết xấu, Philippines Starhôm nay cho hay.

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đội 30 tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép tại bãi Su Bi dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc. Đội tàu này xuất phát từ tỉnh Hải Nam, do hội nghề cá địa phương tổ chức. Không chỉ đưa tàu xuống đánh bắt trái phép, Trung Quốc còn liên tục đăng tải trên các báo, mạng về hoạt động của đội tàu này.

Đảo đá Su Bi nhìn từ trên không. Ảnh: Google Maps.


Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc 30 tàu cá từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa là hành động phi pháp.

“Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế”, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.

Hồi cuối tuần trước, một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc cũng xuất hiện và bị mắc cạn gần bãi Trăng Khuyết, cách đảo Palawan của Philippines 60 hải lý. Đây là địa điểm mà Philippines tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Con tàu sau đó đã được đánh nổi lên và lên đường về Trung Quốc. Manila và Bắc Kinh không có tuyên bố gì thêm về vụ việc.

Hé lộ năng lực tàu đổ bộ Trung Quốc ở Biển Đông:

  Năm 1983, Công ty đóng tàu quốc gia và Cục thiết bị Hải quân Trung Quốc đã kí hợp đồng phát triển và xây dựng một phiên bản cải tiến của tàu đổ bộ lớp Yukan – kiểu 072-I. Từ đó, cái tên tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Yuting (Ngọc Đình) kiểu 072-II ra đời.

Bản thiết kế sơ bộ đã được Quân đội Trung Quốc phê duyệt ngay trong năm đó. Đến năm 1992, phần khung tàu của sản phẩm đầu tiên lớp Yuting có số hiệu 991 được bắt đầu đóng tại nhà máy đóng tàu Zhonghua, nay là nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua.

Đến năm 1993 thì con tàu đổ bộ lớp Yuting đầu tiên với số hiệu 991 này được hạ thủy và đưa vào sử dụng. Kể từ năm 1992 đến 1997, đã có 5 khung tàu lớp này được đóng là 911, 934, 935, 936 và 937. 

Sau đó, do tình hình trên biển trở nên căng thẳng từ năm  1999 – 2002 đã có thêm 6 tàu được đóng mới bao gồm 938, 939, 940, 908, 909 và 910.

Về cơ bản, Yuting 072-II có thiết kế tương tự như Yukan 072-I, với phần chính là một tàu quân sự cao tốc. Binh lính và các phương tiện có thể được đổ bộ từ cửa sau của tàu, bộ phận này cũng có thể điều chỉnh cho ngập một phần trong nước để thuận lợi hơn trong lúc đổ bộ xe lội nước. 

Các tàu con được đưa xuống nước bằng một đệm không khí phía sau.

Ngoài ra, trên boong tàu còn có phần diện tích rộng lớn lên đến 810 mét vuông là nơi tập hợp của binh sĩ hay các phương tiện khác. 

Đuôi tàu có một sân bay dành cho trực thăng với khả năng tiếp nhận cất hạ cánh của trực thăng cỡ trung bình như Z-8/SA 321.

Về hỏa lực, Yuting được trang bị súng máy 37mm nòng đôi kiểu 76 AAA với tốc độ bắn 400 viên mỗi phút và tầm bắn 9.4 km. Ngoài ra còn có súng nòng đôi 57mm kiểu 66 và một số súng phòng không 37mm khác được trang bị trên tàu.

Trong số các tàu đổ bộ Yuting, một số được trang bị dàn phóng tên lửa 40 ống kiểu 81H với cỡ nòng 122mm được Trung Quốc chế tạo để ngăn chặn hỏa lực trên bờ của mục tiêu.

Dưới đây là những hình ảnh khái quát về tàu đổ bộ lớp Yuting, loại tàu đang neo đậu trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Tàu đổ bộ lớp Yuting số 908 của Trung Quốc 


Các tàu con di chuyển sau khi rời tàu đổ bộ 


Xe lội nước thoát ra từ phần cửa sau của tàu mẹ 



934, một trong số những con tàu đầu tiên của lớp Yuting hiện đang neo đậu tại Biển Đông 


Cận cảnh sân bay trực thăng và cửa đổ bộ ở đuôi tàu lớp Yuting 

Theo Vũ Hà & VTC news