Trung Quốc ước tính khoảng 18.000 tàu cá từ tỉnh đảo Hải Nam sẽ tràn ra biển Đông sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương của nước này kết thúc vào 16/8.
Một truyền thống “quấy rối” lâu đời
Một ngư dân tên Bao cho biết tàu cá từ cảng Tanmen, tỉnh Hải Nam đã lập tức ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt kết thúc ngày 16/8.
“Chúng tôi đã đánh bắt ở đó trong nhiều năm, không có lý do gì chúng tôi không nên ra khơi. Không cần phải lo gì hết, chúng tôi có tàu của chính phủ bảo vệ” – ông Bao giải thích với tờ South China Morning Post của Hong Kong.
Tờ Global Times của chính quyền Trung Quốc dẫn nguồn các quan chức Hải Nam ước tính, khoảng 18.000 tàu cá sẽ tràn xuống Biển Đông sau 108 ngày thực hiện lệnh cấm đơn phương của nước này.
Bắc Kinh đã ngang ngược đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông năm 2017, thời hạn từ ngày 1/5 đến 16/8, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, một phần vịnh Bắc bộ, và bãi cạn Scarborough.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá quá phân nửa diện tích 3,5 triệu km2 của biển Ðông trong 10 tuần lễ bắt đầu từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8 lấy cớ bảo vệ sự bền vững của nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, điều tranh cãi của lệnh cấm này là những vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền lại bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines, từ phía Bắc vĩ tuyến 12 xuống tới khu vực quần đảo Trường Sa.
Việc Bắc Kinh xua tàu cá giành giật ngư trường với các nước trong khu vực không phải mới. Đây là một phần của chiến lược “khẳng định chủ quyền”, tiến tới thâu tóm các đảo và bãi cạn trên Biển Đông của chính phủ ngang ngược này.
Theo South China Morning Post, giới quan sát dự báo nguy cơ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc, thường hoạt động dưới sự bảo vệ của các tàu hải giám, và tàu của các nước trong khu vực sẽ tăng cao tại một số vùng biển đang tranh chấp.
Cùng ngày lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc kết thúc, một vụ “chạm mặt” đã xảy ra gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, kết quả là một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc xua đuổi khỏi khu vực.
Dẫn nguồn tin quân đội, nghị sĩ Philippines Gary Alejano cho biết, đoàn tàu cá Trung Quốc được tháp tùng bởi 1 tàu hải giám và 2 tàu hải quân đã hoạt động tại vùng nước đảo Thị Tứ trong nhiều ngày. Ông Alejano nhận xét đây là một điều “đáng báo động” và “mang tính đe dọa”.
“Trung Quốc có một lịch sử đi xâm chiếm đảo và quấy rối các ngư dân Philippines” – ông Alejano bổ sung.
Hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ cho thấy có tất cả 9 tàu cá Trung Quốc và 2 tàu bảo vệ của quân đội Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ vào ngày 13/8, 3 ngày trước khi lệnh cấm đánh bắt do chính nước này đưa ra kết thúc.
Nhật Bản cũng lo lắng
Đội tàu cá “đông như kiến” của Trung Quốc cũng gây ra lo ngại ở Nhật, nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm 1/8, hàng trăm tàu cá Trung Quốc từ một cảng thuộc tỉnh Chiết Giang đã tràn ra biển Hoa Đông, cũng ngay sau khi lệnh cấm đánh cá kết thúc, theo truyền thông Trung Quốc.
Ngay lập tức, lực lượng tuần duyên Nhật đã tăng cường tuần tra, theo dõi sát di chuyển của đội tàu cá và hải giám Trung Quốc gần quần đảo Senkaku.
Năm 2016, khoảng 200-300 tàu cá Trung Quốc, tháp tùng bởi tàu hải giám, đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo Nhật đang kiểm soát. Chính quyền Tokyo đã cho triệu tập đại sứ Trung quốc để phản đối hành động này.
Ông Lyle Morris, nhà phân tích chính sách thuộc tổ chức học giả RAND Corporation của Mỹ, nhận định rằng mùa đánh bắt mới của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở cả Biển Đông và Hoa Đông.
“Chúng ta đừng quên vụ chạm trán năm ngoái giữa Trung Quốc và Nhật, khi đó tàu cá Trung Quốc tràn ngập khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku, thách thức khả năng phản ứng của Nhật” – ông Morris nhắc lại.
“Sự hiện diện của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ cũng cần phải theo dõi, Trung Quốc có thể xua nhiều tàu cá hơn đến khu vực đó và đuổi người Philippines đi chỗ khác. Việc dỡ lệnh cấm đánh cá và đưa tàu của ngư dân mình ra biển sẽ cho thấy Bắc Kinh hành xử với các nước khác như thế nào ở các khu vực tranh chấp, chẳng hạn như bãi cạn Scarborough” – vị chuyên gia cảnh báo.
TinhHoa tổng hợp