Tinh Hoa

Rút ruột dự án rừng phòng hộ, 3 cán bộ bị truy tố

Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa ra cáo trạng truy tố 3 cán bộ của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hà Đan, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) gồm Đào Công Lập (SN 1967), nguyên phó BQL và Lương Công Huân (SN 1979), kế toán BQL, cùng truy tố về tội tham ô tài sản; Nguyễn Thanh Phong (SN 1982), cán bộ kỹ thuật BQL truy tố về tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng…

Theo tài liệu điều tra, thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định số 661 ngày 29/7 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 205-2008, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt thiết kế, dự toán trồng và chăm sóc rừng tại các tiểu khu 50 và 52 thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan làm chủ đầu tư.

Theo đó, từ tháng 12/2005 đến tháng 12/2008, Đào Công Lập, Phó BQL rừng phòng hộ Hà Đan, đại diện chủ đầu tư không thực hiện ký hợp đồng giao thầu theo qui định, mà tư ý tổ chức cho cán bộ, nhân viên của BQL tự ý thuê lao động thực hiện trồng rừng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên đọc lệnh bắt tạm giam
ông Đào Công Lập (bìa phải)
 

Đồng thời, ông Lập cũng chỉ đạo cho Lương Công Huân, kế toán BQL lập khống 10 hợp đồng trồng và chăm sóc rừng, rồi giả chữ ký tên người nhận thầu là ông Võ Văn Trị, ở thôn Thạch Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân). Sau đó, giao cho Nguyễn Thanh Phong, cán bộ kỹ thuật BQL lập biên bản nghiệm thu.

Biết rõ diện tích trồng và chăm sóc rừng không đúng với thiết kế đã duyệt, không tổ chức kiểm tra, nhưng Phong vẫn dựa vào hồ sơ thiết kế để lập 10 biên bản nghiệm thu cơ sở bước 1, 2, với diện tích 358,3 ha rừng trồng và chăm sóc từ năm 2005-2008, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Sau đó, cùng với Đào Công Lập, Lương Công Huân ký đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Yên chấp nhận thanh toán và chuyển toàn bộ số tiền trên vào BQL rừng phòng hộ Hà Đan…

Khi có kinh phí chuyển về, Đào Công Lập đã chỉ đạo cho Lương Công Huân rút về quỹ đơn vị hơn 1,6 tỷ đồng để quản lý và sử dụng, rồi chiếm đoạt hơn 398 triệu đồng. Trong đó, Đào Công Lập chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân hơn 369 triệu đồng, còn Huân chiếm đoạt 28,2 triệu đồng để mua xe máy và sử dụng cá nhân…

Ngày 4/10/2010, theo kết luận số 1074 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, tổng diện tích  trồng rừng và chăm sóc thực tế từ năm 2005-2008 của BQL rừng phòng hộ Hà Đan chỉ có 251,4 ha. Vì vậy, so với nghiệm thu thanh toán 358,3 ha thì khối lượng chênh lệch khống là 106,8 ha, gây thiệt hại hơn 563 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện trong tài khoản của BQL rừng phòng hộ Hà Đan còn 237 triệu đồng chưa chi nên xem xét giảm trừ. Vì vậy, việc lập khống nghiệm thu thanh toán trồng và chăm sóc rừng đã gây thiệt hại hơn 325 triệu đồng…Do đó, việc lập khống 10 biên bản nghiệm thu chênh lệch, Phong đã tạo điều kiện cho Lập và Huân lợi dụng chiếm đoạt, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 325 triệu đồng…

Văn Nguyễn