Tinh Hoa

Cả xã kéo nhau đi tìm trầm

Thông tin dân “điệu” (từ dùng để chỉ người tìm trầm) liên tục trúng bạc tỷ mấy tháng nay thôi thúc nhiều người ở xã Xuân Lãnh cơm đùm, cơm vắt lên núi thử thời vận. Ông Phan Lê Sơn, một người dân ở thôn Lãnh Vân, khẳng định: “Nghề đi trầm đã có từ lâu ở thôn chúng tôi nhưng chưa bao giờ rộ lên như lúc này”. Trước đây, cả thôn chỉ có một nhóm thanh niên khoảng 9 người chuyên đi tìm trầm ở khu vực núi Đất. Từ ngày nghe nói có người trúng trầm cầm bạc tỷ thì hầu hết lao động của xóm đều khăn gói đi tìm món quý.

Anh Phan Văn Minh ở thôn Lãnh Cao nói: “Vợ chồng tôi không có đất đai, vốn liếng để làm ăn, thu nhập chủ yếu của cả nhà chỉ trông chờ vào đồng công ít ỏi từ nghề chặt mía thuê hay trồng rừng mướn”. Thấy nhiều người lên đường, vợ chồng anh Minh cũng quyết định theo chân để tìm vận may.

Nhiều người ở xã Xuân Lãnh, Phú Yên, kéo nhau đi tìm trầm đến nỗi không có người chặt vác mía. Mía đốn xong bỏ đống khô ở ven đường. Ảnh: Thiên Lý

Cơn sốt trúng trầm thu hút cả nhiều học sinh cấp ba trong dịp nghỉ hè. Em Linh, học sinh Trường phổ thông cấp 2-3 Chu Văn An tham gia đoàn lên núi. Linh bảo: “Tranh thủ nghỉ hè, em theo các anh, các chú ở cùng xóm lên rừng để tìm trầm, mong kiếm được tiền phụ cha mẹ trang trải việc học”.

Xã Xuân Lãnh là một trong những vùng nguyên liệu mía. Theo UBND xã Xuân Lãnh, đến nay còn khoảng gần 10.000 tấn mía chưa được thu hoạch, thế nhưng không tìm đâu ra công chặt mía vì phần lớn mọi người đổ xô đi tìm trầm.

Ông Huỳnh Thanh Son ở thôn Lãnh Vân nói: “Để có người chặt mía, chúng tôi chấp nhận trả tiền gấp đôi bình thường mà vẫn không có công”. Dọc hai bên đường mía chặt chất thành đống mà không có người bốc lên xe. Mía đứng trên ruộng thì bắt đầu khô vì chẳng thuê được ai đốn.

Ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, thừa nhận: “Địa phương đang có tình trạng dân đổ xô đi tìm trầm nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc mía bỏ khô không có người đốn và bốc lên xe vào nhà máy”.

Theo những người “đi điệu” chuyên nghiệp, nếu tay ngang đi tìm trầm kiểu phong trào thì rất hú họa, không ít người nằm cả tháng trời trong rừng rồi về tay không. Thành quả gặt hái được không phải là trầm quý mà có thể bị căn bệnh sốt rét. Việc tìm trầm không phụ thuộc vào kinh nghiệm, học thức hay tuổi tác, mà chủ yếu là nhờ may rủi và sự chịu khó. Do đó ngày càng có nhiều người ôm mộng làm giàu, đi “cuốc rừng cầu may”.

Cách đây không lâu, hàng trăm người ở Phú Yên và Khánh Hòa cũng đổ xô vào rừng Dinh Bà (khu vực đèo Cả Phú Yên) để tìm trầm. Công an địa phương phải huy động lực lượng giải thích, giải tỏa họ khỏi khu rừng. Sau đấy cơ quan chức năng xác định tin rừng Dinh Bà có trầm chỉ là tin vịt.

Thiên Lý