Tinh Hoa

9 nhân vật “có lỗi” với kinh tế thế giới

Theo Business Insider, mặc dù những người này không cố ý gây ra tác động tiêu cực với kinh tế thế giới nhưng sự phản ứng chậm chạp về mặt chính sách của họ khiến kinh tế toàn cầu không thể được điều chỉnh đúng hướng. Sau đây là 9 cái tên nổi bật nhất trong danh sách nêu trên.

1. Thủ tướng Đức Angela Merkel

  Với cương vị người đứng đầu chính phủ Đức, bà Angela Merkel đã chịu nhiều chỉ trích trong việc giải quyết khủng hoảng khu vực đồng Euro. Là đầu tàu kinh tế và chủ nợ lớn nhất của khu vực Eurozone, sự chấp thuận của Đức có ý nghĩa quyết định tới việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên về đường hướng thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng dường như bà Merkel lại chỉ quan tâm đến duy nhất 1 điều là phản ứng của cử chi trong nước.

Trong khi đó người Đức về cơ bản phản đối việc tăng cường cứu trợ các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đến tận tuần trước vị thủ tướng Đức vẫn một mực cự tuyệt việc phát hành trái phiếu EU đến “chừng nào tôi vẫn còn sống” bất chấp lời kêu gọi từ các thành viên cũng như các chuyên gia kinh tế, những người xem đây là giải pháp duy nhất giúp EU thoát khủng hoảng.

2. Tổng thống Pháp Francois Hollande

  Là người cổ vũ nhiệt liệt cho sự gắn kết chặt chẽ hơn về chính sách tài khóa cũng như các biện pháp chia sẻ nợ trong khối Euro-zone, nhưng vị tổng thống Pháp lại kém mềm mỏng trước vị thủ tướng Đức, khiến 2 bên luôn ở thế đối đầu.

Mới đây hãng tin Reuters đã miêu tả ông Hollande “đã cố gắng chứng tỏ mình ngang hàng với Berlin sau khi người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy được xem là luôn để ngỏ lựa chọn cho bà Merkel tại các cuộc đàm phán”. Cùng lúc đó ông cũng khiến người Đức không hài lòng khi giảm độ tuổi về hưu, khiến chi tiêu công tăng, trong khi người Đức muốn toàn khối cắt giảm chi tiêu.

3. Hans-Werner Sinn – giáo sư kinh tế đại học Munich

  Là người có tiếng nói rất lớn trong giới trí thức Đức, Hans-Werner Sinn lại là một trong những người phản ứng dữ dội nhất việc Đức tiếp tục cứu trợ các nước thành viên Euro-zone. Thậm chí ông còn có nhiều bài viết, phát biểu trên báo giới Đức yêu cầu Hy Lạp từ bỏ đồng euro. Dù quan điểm này bị Bộ trưởng Tài chính Đức chỉ trích nặng nề nhưng lại có rất nhiều người Đức ủng hộ ông, khiến áp lực lên chính phủ Đức trong việc giải quyết khủng hoảng càng cao.

4. Chủ tịch cục dữ trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke

  Là người có công lớn trong việc giúp thị trường tài chính thế giới vượt qua khủng hoảng tài chính 2008 cũng như các dư âm của nó sau này, ông Bernanke vẫn bị chỉ trích vì đã không quyết liệt trong việc kích thích kinh tế Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Paul Krugman viết trên tờ New York Times: “Fed được kỳ vọng bơm tiền vào nền kinh tế khi tình hình quá ảm đạm với tỉ lệ thất nghiệp cao còn lạm phát thấp. Đó chính là những gì đang diễn ra. Thế nhưng trong biên bản họp mới nhất, hồi tháng 3, Fed vẫn không mấy quyết tâm kích thích kinh tế”.

5. Nikolaus Blome – Phó tổng biên tập tờ Bild

  Tại châu Âu, Bild là tờ báo có lượng độc giả lớn nhất và xếp hàng thứ 7 thế giới. Với tư cách trưởng ban chính trị và Phó TBT, mỗi ngày bài viết của Nikolaus Blome tới tay hàng triệu độc giả Đức chưa kể các buổi tham gia trả lời trên truyền hình.

Miêu tả về nhà báo này Reuters viết: “đó là một nhà môi giới quyền lực nắm trong tay số phận của châu Âu”. Thế nhưng chính Blome cùng các độc giả người Đức của mình đã “trói tay” thủ tướng Angela Merkel trong các cuộc đàm phán quốc tế bởi họ không tin người Đức nên cứu trợ những nước như Hy Lạp.

6. Tổng thống Mỹ Obama

  Thừa hưởng một nền kinh tế tồi tệ từ người tiền nhiệm, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ có không ít quyết sách khiến tình hình xấu thêm. Đầu tiên đó là gói kích thích kinh tế không đủ liều, bỏ lỡ cơ hội rút ngắn giai đoạn suy giảm. Giờ đây những khoản chi tiêu công sụt giảm càng khiến nền kinh tế khó trụ vững nếu có những biến cố mới.

Ngoài ra người đứng đầu Nhà trắng cũng đã mất quá nhiều thời gian lắng nghe những người cho rằng phải thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ suy thoái. Điều này đã dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài tại Thượng và Hạ viện Mỹ. Tổng thống Obama cũng chọn theo đuổi con đường giảm nợ công và thỏa hiệp với những người đối lập trong khi rõ ràng rằng điều này là không thể và sai lầm.

7. Chủ tịch NHTW châu Âu Mario Draghi

  Rất nhiều người đã kỳ vọng người đứng đầu ECB sẽ có giải pháp nhanh chóng cho khủng hoảng châu Âu. Giữa lúc Italia và Tây Ban Nha phải đi vay với lãi suất kỷ lục, không ít ý kiến cho rằng ECB cần phải hành động, ví dụ như tung tiền ra trên thị trường mở để mua trái phiếu. Hôm thứ 5 vừa qua, sau khi ECB quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% giới phân tích đã lên tiếng chỉ trích biện pháp này là không đủ mạnh. Nhưng có lẽ chỉ có thời gian mới chứng tỏ liệu người đứng đầu ECB đã đúng với quyết định này.

8. Bộ trưởng tài chính Áo Maria Fekter

  Hồi tháng 6 vừa qua bà Maria Fekter đã chịu chỉ trích dữ dội khi cho rằng Italia sẽ là nước tiếp theo cần cứu trợ. Mặc dù là bộ trưởng tài chính một nước châu Âu nhưng những phát biểu của bà thường có xu hướng thiếu thận trọng. Cho dù đây có là lời thật lòng thì có lẽ bà cũng không nên tự phát biểu giữa lúc thị trường như hiện tại. Ngay sau khi nghe được nhận định của bà Fekter, thủ tướng Italia Mario Monti đã phản ứng dữ dội và cho rằng nhận xét trên “hoàn toàn không phù hợp”.

9. Thủ tướng Anh David Cameron

  Anh là một trong những trung tâm lớn của kinh tế châu Âu và thế giới. Sự gắn kết của Anh với châu Âu khiến nước này dễ chịu tác động tiêu cực. Thế nhưng việc thủ tướng David Cameron cương quyết thắt chặt chi tiêu công đã khiến chính phủ nước này không có nhiều biện pháp hữu hiệu. Hậu quả là giờ đây kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái.

Quan điểm cắt giảm nợ công trong ngắn hạn để tăng niềm tin từ các nhà đầu tư của người đứng đầu chính phủ Anh cũng đã không đem lại hiệu quả. Và việc tiếp tục duy trì chính sách này đang khiến nền kinh tế chịu thiệt hại.

Thanh Tùng
Theo Business Insider

(dantri.com.vn)