Tinh Hoa

10 lý do kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh

Vài năm gần đây, dự báo của các chuyên gia về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc hầu hết đều không thành sự thực, ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh cũng tìm mọi cách hạ nhiệt. Tuy nhiên, nguy cơ này ngày càng hiển hiện rõ nét hơn, khi sản lượng các nhà máy cũng như tình hình xuất khẩu liên tục sụt giảm.

Economic Times đưa ra 10 lý do khiến Trung Quốc sẽ giảm nhiệt.

1. Đã quá giàu, không thể tăng với tốc độ diệu kì

Thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc năm ngoái đã vượt 5.000 USD, dấu mốc quan trọng (tính cả tỷ lệ lạm phát) mà tại đó các nền kinh tế từng phát triển thần kì khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm tốc với mức trung bình giảm đi 4%.

Hiện tượng này được gọi là “giảm tốc thu nhập trung bình”, trong đó nhiều nền kinh tế đã sụt giảm với tốc độ cao, thậm chí dù chưa hoàn toàn theo kịp các nền kinh tế giàu nhất thế giới. Các nhà kinh tế học còn gọi đây là “bẫy thu nhập trung bình”. Đối với bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện nay “giảm tốc thu nhập trung bình” có lẽ là kịch bản tốt nhất.

Các khu chung cư ở Hong Kong từng là mục tiêu mua đầu cơ của nhiều người giàu ở đại lục. Số liệu mới công bố cho thấy quý I năm nay tỷ lệ người đại lục mua nhà ở Hong Kong giảm một nửa so với ba tháng trước đó, và xuống mức thấp nhất kể từ giữa 2010. Ảnh: Bloomberg.

2. Quá nhiều bê tông

Bùng nổ kinh tế trong thập kỷ qua chủ yếu là do đầu tư mạnh vào đường xá, cầu cống và các hạ tầng cơ sở cơ bản khác của một nền kinh tế hiện đại dựa vào xuất khẩu. Giờ đây các mạng lưới đó hầu như đã được xây dựng xong. Hệ thống đường cao tốc ở Trung Quốc khang trang vào loại nhất nhì thế giới, gần như chỉ đứng sau Mỹ.

Năm ngoái, đầu tư đạt tỷ lệ đáng kinh ngạc là 50% GDP – một tỷ lệ chưa từng có và khó bền vững đối với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới. Trung Quốc đã chi nhiều cho cơ sở hạ tầng – đổ một lượng bê tông nhiều hơn cả của Mỹ và châu Âu cộng lại. Bắc Kinh gần đây đã phải công bố giảm tốc các kế hoạch xây mới giao thông đường bộ và đường sắt.

3. Nguồn lao động nông thôn cạn kiệt

Lao động nông thôn di cư ra thành phố, với tổng số tới 150-200 triệu người, từng là động lực cơ bản thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng theo tính toán của Capital Economics vào đầu năm 2011, ở nông thôn Trung Quốc hiện chỉ còn 15 triệu người thất nghiệp. Lượng di cư vào thành phố đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 5 triệu người năm, và ngay cả với tốc độ di cư ít ỏi đó, nguồn lao động từ nông thôn đang nhanh chóng cạn kiệt.

4. Nguồn lao động trẻ cạn kiệt

Các thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em của những năm 1960 và đầu những năm 1970 đã thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế ở những năm 1990 và những năm 2000. Nhưng các thế hệ này đang già đi mà thiếu lực lượng thay thế do việc thực thi nghiêm ngặt của chính sách một con từ năm 1979.

Trong thập kỷ này chỉ có năm triệu người Trung Quốc ra nhập lực lượng lao động cốt lõi trong độ tuổi từ 35 đến 54, giảm nhiều so với con số 90 triệu trong thời kỳ 2000-2010. Chính vì vậy mà các nhà phân tích thường nói rằng Trung Quốc sẽ già trước khi giàu.

5. Lao động tại nhà máy không còn rẻ

Lạm phát tiền lương – triệu chứng tương tự như báo hiệu sự giảm tốc độ tăng trưởng trong các nền kinh tế kỳ diệu khác của châu Á. Tiền lương trung bình ở Trung Quốc hiện tăng 15% mỗi năm, và người lao động có lợi thế trong các cuộc đàm phán về lương. Một giám đốc kể rằng trước kia anh ta thường quát nhân viên, còn bây giờ nhân viên quát anh ta.

(vnexpress.net)