Tinh Hoa

Tài năng và bản lĩnh của nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Sự nghiệp của Hillary Clinton là một trong những ví dụ rõ ràng nhất trong lịch sử về việc biến thất bại thành thành công. Vào năm 2008, bà đã bị đánh bại trong tham vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Với thất bại đó, sự nghiệp của bà Clinton dường như đã kết thúc. Nhưng giờ đây, trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã làm mới chính mình với tư cách là “thuyền trưởng” một lĩnh vực chính sách mà chính quyền Mỹ được lòng các cử tri: các vấn đề ngoại giao. Một sự sùng bái mới đã nổi lên quanh nữ chính khách mạnh mẽ nhưng giàu lòng trắc ẩn, người đã phục hồi sức mạnh và sự tín nhiệm đối với sứ mệnh toàn cầu của Mỹ. Chúng ta đang sống phần lớn trong thời của Clinton dù hiện đang là thời của Obama.

Khi ý tưởng để bà Clinton trở thành ngoại trưởng trong chính quyền Obama được nhen nhóm vào tháng 11/2008, bà đã trả lời trong một bức email: “Không thể nào”. Ông Obama đã quyết tâm mời Clinton vào cái gọi là “Nội các của các đối thủ” và tránh cuộc điện thoại của bà nhằm từ chối lời mời bằng cách giả vờ đang ở trong thang máy. Cuối cùng, sự quyết tâm của ông Obama đã được bà Clinton chấp nhận.

Mối quan hệ giữa bà Clinton với Tổng thống mới từng không thân thiết và những căng thẳng đã bị làm trầm trọng thêm bởi một nhân vật thứ 3, chồng bà – cựu Tổng thống Bill Clinton. Cuốn hồi ký gần đây về Obama của tác giả Edward Klein, tựa đề “The Obama Identity”, khẳng định cựu ông Bill Clinton gọi Obama là “một kẻ nghiệp dư” và đã cố gắng thuyết phục vợ chạy đua với Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2012.

Tuy nhiên, Obama và Clinton đã trở thành một nhóm cộng tác tốt, một phần vì bà Clinton là một nhà ngoại giao xuất sắc. Bà đã công du thế giới nhiều hơn bất kỳ ngoại trưởng nào trong lịch sử Mỹ, tận dụng sự nổi tiếng và những mối liên hệ mà bà từng có được thời còn là đệ nhất phu nhân để bổ trợ cho cương vị mới.

Sau khi trang mạng WikiLeaks công bố các tài liệu ngoại giao Mỹ làm tổn hại danh tiếng của các nhà ngoại giao thế giới, trong đó có Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, bà Clinton đã nỗ lực hàn gắn những tổn thương. Ngoại trưởng Clinton đã tái khẳng định với ông Berlusconi về mối quan hệ thân thiết giữa 2 nước, làm yên lòng ông Berlusconi và nhờ đó mối quan hệ Mỹ-Italia được hàn gắn.

Bà Clinton và ông Obama hợp tác tốt với nhau vì quan điểm về thế giới của họ tương đồng: rút quân khỏi Iraq nhưng không rút quân khỏi Afghanistan, lật đổ chế độ Gadhafi nhưng miễn cưỡng hành động tại Syria và Ai Cập. Chính quyền Obama khẳng định đó là một chính sách thực dụng, khác biệt so với chủ nghĩa không tưởng thời chính quyền Bush. Cuộc chiến chống khủng bố đã được thay thế bởi bằng chiến dịch kiểm soát chiến thuật. Thay vì sử dụng các binh sĩ Mỹ để truy tìm các phần tử nổi dậy, chính quyền giờ đây chủ yếu sử dụng các vụ tấn công bằng máy bay do thám.

Chính sách ngoại giao của Mỹ gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo và được phản ánh trong nhiều việc làm của bà Clinton. So với các đạo luật mà ông Obama và bà Clinton từng ủng hộ thời họ còn làm thượng nghị sĩ, các đạo luật của Tổng thống Obama có khuynh hướng nghiêng về việc làm, hoà bình, đường hướng của nước Mỹ, trong các đạo luật của bà Clinton tập trung vào việc cải thiện đời sống của phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực dinh dưỡng và giáo dục.

Trên cương vị ngoại trưởng, các thành công ngoại giao của bà Clinton không phải là ít: cô lập Iran và xây dựng một liên minh nhằm lật đổ Gadhafi. Nhưng bà cũng thiết lập các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trị giá 1,2 tỷ USD nhằm trợ giúp các phụ nữ. Giảm mua bán sex và tăng sự hiện diện của phụ nữ trong chính phủ Iraq là những ưu tiên mới của bà. Ngoại trưởng Mỹ từng nói với tờ Newsweek: “Tôi tin rằng quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là lĩnh vực chưa hoàn thiện của thế kỷ 21”.

Bà Clinton cũng làm được điều mà ông Obama không làm được: giữ được sự yêu mến của các nhân vật tự do trong khi cũng tiếp cận với những người có quan điểm ôn hoà. Vì thế, không có gì bất ngờ khi các nhà bình luận đưa ra ý tưởng rằng ông Obama nên chọn bà Clinton làm “phó tướng” thay cho Phó tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm nay.

Nhiều khả năng bà Clinton có để hướng tới năm 2016. Ở tuổi 68, bà Clinton vẫn còn nhiều thời gian (Ronald Reagan tranh cử tổng thống vào năm 1980 khi đã 69 tuổi) và bà có thể bước vào một cuộc đua tổng thống với uy tín cao hơn năm 2008. Việc tham gia chính quyền của ông Obama có thể giúp bà Clinton đắc cử. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn giờ đây, trên cương vị ngoại trưởng, bà Clinton đã gây dựng được điều thường không đi liền với “thương hiệu Clinton”: phẩm giá và sự tôn trọng từ tất cả các bên.

An Bình
Theo Telegraph

(dantri.com.vn)