Tinh Hoa

Bi hài cách làm đẹp… “hành xác” của teen

Triệt lông theo kiểu… người Dao

Cô bạn V.M (Lớp 12, trường T.) hơi tự ti về tình trạng “rậm rạp” của mình đang muốn thử thực hiện… triệt lông tay vĩnh viễn bằng phương pháp tự nhiên của người Dao (đọc được trên mạng).

Đầu tiên phải lấy tro bếp rang nóng, thêm lá bưởi vào, bỏ hỗn hợp vào túi vải chườm lên vùng lông khoảng 10 phút cho đỏ da lên, lấy túi vải ra rồi dùng sợi chỉ se, lông sẽ tự bật ra.

Nhưng cách này cũng chỉ làm cho lông của bạn “biến mất” một thời gian chứ không đạt được hiệu quả… vĩnh viễn như mong đợi. Trong khi công đoạn thực hiện thì lại công phu và phải chịu đau đớn đến phỏng cả da tay.

Thực ra, đây chỉ là một cách… nhổ lông cho dễ mà thôi (làm nở lỗ chân lông bằng sức nóng). Đơn giản hơn các bạn gái có thể “bái bai” sợi lông bằng cách thủ công: nhổ bằng nhíp hoặc dùng dao cạo.

 
Những ngộ nhận về cách làm đẹp khiến teen dễ rơi vào trường hợp “khóc dở mếu dở”. (ảnh minh họa) 

Một số bạn cho rằng việc cạo lông là giúp chúng “hậu sinh khả úy”’, mở đường cho một “thế hệ” vượt trội hơn các tiền bối. Thật ra đây chỉ là sự ngộ nhận thị giác, sợi lông mới mọc, trẻ khỏe, bao giờ cũng có màu sắc đậm nét hơn, dáng vẻ cứng cáp hơn, nên tạo cảm giác chúng có vẻ đông đảo và sung mãn hơn.

Thực tế, sau một thời gian, thời xuân sắc qua đi, thì những sợi lông cũng rơi vào thời kỳ suy thoái như màu lông nhạt,dáng vẻ ủ rũ. Sợi lông mọc từ lỗ chân lông, và cơ số chân lông được quy định sẵn từ trong bào thai, không ai có thể gieo thêm.

Những ngộ nhận khác

Nhân đây kể thêm vài ngộ nhận tương tự về các mẹo làm đẹp vốn từ lưu truyền trong giới teen :

Uống giấm giảm béo: Giấm là một a- xít hữu cơ, nên uống vào là cách đầu độc dạ dày, khiến nó không thể tiêu hóa tốt thức ăn, qua đó giúp cô chủ gầy đi. Chung quy chỉ là cách nhịn ăn theo hướng bạo lực và có phần “dại đủ đường” bởi khỏi nói sức khỏe của bao tử về lâu dài sẽ như thế nào. Việc sớm “tương ngộ” với các bệnh như loét dạ dày, đau bao tử sẽ ngay trước mắt.

“Tuyệt giao” với món chiên xào: Những bạn gái theo trường phái trị mụn này dựa vào một cơ chế suy ra quá đơn giản: da nhờn làm dậy mụn, chất nhờn có gốc dầu, nên kiêng dầu mỡ ắt chấm dứt da nhờn từ đó nói không với mụn.

Đúng là chất nhờn da có gốc dầu, nhưng không thể chặn đầu vào mà bỏ đói được các tuyến tiết nhờn, bởi chúng có thể lấy nguyên liệu từ hiện tượng chuyển hóa. Cùng một điều kiện sống, da người này nhờn hơn người khác là do di truyền, không thể “kháng chỉ” tự nhiên đơn giản bằng cách bắt nó nhịn “chiên xào”.

Thức khuya dễ bị nổi mụn: Có phần đúng nhưng đừng vội đổ triệt hết lên đầu “thức khuya dậy sớm”. Thao thức chỉ can dự sự “ăn nên làm ra” của họ nhà mụn khi thức khuya quá đà, kéo dài và không có kế hoạch bù đắp hao tổn.

Đại để, thức khuya làm cơ thể mỏi mệt, rối loạn mọi hoạt động sống, trong đó có việc điều hành làn da, mở đường cho mụn được đà. Thức khuya còn làm tăng lượng mồ hôi trên da (vận động, hoạt động trí não, biến dưỡng tăng).

Như vậy, suy ra, nếu thức khuya có kiểm soát, ngắn hạn, có đầy đủ phương tiện bù lỗ (nghỉ bù, ăn uống bù chất…) vào sáng hôm sau, thì nên công bằng gạch tên “thao thức” ra khỏi danh sách xách động mụn làm loạn.

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

Theo Mực Tím

(dantri.com.vn)