Tinh Hoa

Vẻ đẹp các loài chim ở Nam Tây Nguyên

Dưới tác động của con người, sinh vật ở khu vực Nam Tây Nguyên đang ngày càng giảm sút, hình ảnh những loài chim quý cũng dần biến mất.

Chim hút mật (Nectariniidae). Thức ăn của phần lớn các loài hút mật là mật hoa, một số loài ăn cả sâu bọ khi nuôi chim non. Việt Nam đã bắt được các vật mẫu của loài chim hút mật ở Di Linh, Tây Ninh, Biên Hòa và Phú Quốc.

Cận cảnh chim Cu Rốc lớn. Có 84 loài trên thế giới, trong đó Việt Nam có 10 loài chim Cu Rốc. Đặc trưng của chúng có mỏ và đầu rất lớn, loài lớn nhất có trọng lượng trung bình khoảng 210 g, dài khoảng 33 cm. Chúng sống trong môi trường tự nhiên là các khu rừng, ăn côn trùng và trái cây. Quả sung là thức ăn ưa thích nhất của chúng. Cu Rốc được cho là tác nhân quan trọng trong việc phát tán hạt giống trong các khu rừng nhiệt đới.

Chèo bẻo xám (Dicrurus leucophaeus baker). Ở Việt Nam chèo bẻo xám làm tổ ở các vùng rừng núi thuộc các tỉnh ở bắc bộ, nhưng số lượng không nhiều, mùa đông chúng di cư xuống phía nam.

Chèo bẻo xám có đặc điểm: mặt lưng xám tro xám có ánh thép xanh, mặt bụng xám tro hơi nhạt hơn, có ánh thép rất mờ, cánh và đuôi xám có ánh tím và lục, phần bị che khuất của lông cánh đen nhạt.

Chim Họa mi Langbiang (Crocias langbianis) – một trong những loài đặc hữu của Việt Nam. Hoạ mi Langbiang hay còn được gọi là Mi núi Bà là loài chim quý hiếm thuộc bộ Sẻ, họ Khướu. Loài chim này chỉ có thể được tìm thấy ở độ cao trên 1.500 m.

Chim Xanh (Chloropseidae). Chúng là một trong ba họ chim đặc hữu của vùng sinh thái Indomalaya. Các loài chim này có hình dáng giống như chào mào (Pycnonotidae), sinh sống trong các khu rừng. Mặc dù nhóm này có xu hướng màu nâu xám, chúng có dị hình lưỡng tính, với chim trống có bộ lông màu xanh lục và vàng.

Các loài Chim Xanh thường ăn quả, mật ong và đôi khi ăn cả sâu bọ. Chúng có lưỡi nhọn, thích hợp với việc ăn mật. Chúng đẻ 2-3 trứng trong tổ trên cây.

Chim Cành cạch đen (Hypsipetes leucocephalus Gmelin). Ở Việt Nam, về mùa đông phân loài này có ở các vùng núi rừng từ biên giới phía bắc cho đến đèo Hải Vân, Lâm Đồng (Bidoup Núi Bà).

Chim đực trưởng thành có đặc điểm đầu, cổ và phần trên ngực trắng. Toàn phần còn lại của bộ lông đen hay nhạt, thỉnh thoảng có vệt nâu. Dưới đuôi thỉnh thoảng có viền trắng. Chim cái có bộ lông như chim đực nhưng mặt bụng thường màu xám thẫm. Bộ lông của phân loài này có nhiều biến đổi, có thể gặp những cá thể mà đầu có ít nhiều lông đen.

Chim Phướn lớn (Green-billed Malkoha). Đây là loài chim có lông mặt lưng xám đen thẫm, hơi ánh lục, lông cánh và lông đuôi màu hơi thẫm hơn nhưng ánh lục cũng nhiều hơn, các lông đuôi có phần mút trắng, lông ở cằm, họng và ngực tua ra; ngực và bụng xám. Ở Việt Nam, loài này có ở phần Nam Trung bộ và Nam bộ. Chúng thường sống ở các ven rừng những chỗ có cây cối rậm rạp.

Chim Cu rốc đầu đỏ (Megalaima asiatica). Ở Việt Nam, loài này có ở hầu hết các vùng, những chỗ có nhiều cây cối rậm rạp và không cao quá 800 m.

Chim hút mật họng hồng. Trên hình là chim trống. Con trống có đặc điểm: Đỉnh đầu lục ánh thép có phớt ánh vàng; trước mắt, má, tai, hai bên và trên cổ, lưng trên, các lông cánh thứ cấp phía trong và lông bao cánh đen nhung; lưng dưới, vai và những lông bao cánh kề vai, hông và trên đuôi xanh ánh đỏ.

Chim hút mật họng hồng – Chim mái. Con mái có đặc điểm: mặt lưng lục vàng với các lông ở đỉnh đầu có vệt thẫm ở giữa lông; đuôi đen; cánh nâu hơi viền hung; lông đuôi giữa có viền trắng ở mút.

Phạm Hồng Phương

(vnexpress.net)