Làng hoa đầu tiên trên cao nguyên Langbian
(LV) – Làng hoa ấp Hà Đông là một trong những làng nghề trồng hoa nổi tiếng có lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố festival hoa Đà Lạt.
Từ đồi hoang thành vườn rau tươi tốt
Sau 40 năm kể từ khi bác sĩ Yersin phát hiện ra cao nguyên Langbian và đề xuất với Toàn quyền Đông Dương – Doumer cho xây dựng nơi đây thành trung tâm nghỉ dưỡng, đặc biệt là giai đoạn sau 1930, Đà Lạt đã thực sự phát triển thành đô thị: các nhà máy điện, nhà ga, hệ thống đường giao thông, trường học, cơ quan công quyền được xây dựng cùng với sự xuất hiện của hàng trăm biệt thự sang trọng đầy đủ tiện nghi theo kiểu Âu châu của các quan chức người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Nhiều khách sạn, nhà hàng được mọc lên. Dân số Đà Lạt cũng tăng nhanh, chủ yếu là người Pháp và những công chức người Việt, những thương nhân người Hoa kiều tới đây sinh sống.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố cũng như nhu cầu của người dân nơi đây, người Pháp và chính quyền sở tại đã cho di dân từ miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt lập ấp trồng rau để cung cấp rau xanh cho thành phố.
Ấp Hà Đông được thành lập vào năm 1938 do sáng kiến của các quan chức triều Nguyễn thời bấy giờ là ông Hoàng Trọng Phu – Tổng đốc Hà Đông, Phó chủ tịch hội đồng tư vấn Bắc Kỳ, ông Trần Văn Lý – quản đạo thành phố Đà Lạt, Tổng đốc Lâm Đồng – Bình Ninh (Lâm Đồng, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận) và ông Lê Văn Định – Thượng canh nông tỉnh Hà Đông, sau làm chánh án tòa án hỗn hợp Đà Lạt.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29/5/1938, nhóm cư dân đầu tiên gồm 35 người được đưa vào Đà Lạt bằng tàu hỏa. Họ là những người khỏe mạnh, thạo nghề làm vườn ở các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Ban đầu do xa quê hương, thiếu thốn phương tiện sản xuất, núi rừng hoang sơ nhiều thú dữ lại chưa quen phong thổ đã làm cho một số người nản chí bỏ về. Số bà con còn lại vẫn quyết tâm bám trụ tiếp tục khai hoang, đồng thời nhờ chính quyền mà trực tiếp là ông Lê Văn Định (Thượng canh nông tỉnh Hà Đông) thu xếp tạo điều kiện cho người thân vào đoàn tụ. Cuối năm 1938 đến năm 1940 có nhiều đợt người từ các làng quê nói trên tiếp tục vào đây lập nghiệp, bổ sung dân cho ấp Hà Đông. Đến cuối năm 1943, ấp Hà Đông đã có tới 57 hộ gia đình định cư. Vốn là những người dân làm vườn giàu kinh nghiệm lại cần mẫn nên chẳng bao lâu đồi hoang cỏ dại nơi đây đã phải nhường chỗ cho những vườn rau tốt tươi màu mỡ.
Sự ra đời và phát triển của nghề trồng hoa
Theo lời kể của người dân trong ấp thì người đầu tiên trồng hoa nơi đây là ông Ngô Văn Bính. Năm 1939, khi rời quê vào đây ông đã mang theo được 2000 củ hoa lay ơn trồng thử. Thấy hoa thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu phát triển tươi tốt, rực rỡ nên đã nhân giống mở rộng cùng với một số giống hoa khác ở địa phương. Dần dần các gia đình trong ấp ngoài rau cũng trồng thêm hoa và phát triển thêm các giống hoa mới như Hoàng Anh, Cúc đỏ, Cúc chi, hoa hồng, hoa margarite…
Thời gian đầu hoa được trồng chủ yếu là cung cấp cho thị trường thành phố Đà Lạt mà đa số là giới công chức người Pháp và triều đình Huế. Cũng trong thời gian này nhiều giống hoa mới được người Pháp và một số người Việt ở nước ngoài đã mang về trồng tại vườn của gia đình ở Đà Lạt, nhờ vậy mà nhiều giống hoa mới được bà con sưu tầm về trồng và nhân giống ở ấp Hà Đông giúp cho hoa ở đây ngày càng phong phú về chủng loại, sản lượng cao, việc trồng hoa ngày càng phát triển.
Ấp Hà Đông đã trở thành làng nghề trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt. Hoa sản xuất không những đáp ứng nhu cầu của thị trường thành phố Đà Lạt mà còn được tiêu thụ ở thị trường Sài Gòn và khu vực miền Trung.
Từ năm 1992 – 1998, số hộ chuyển đổi sang trồng hoa ngày càng nhiều, một số nhà kính để trồng cúc giống mới nhập ngoại đã xuất hiện. Các giống cúc này rất đa dạng về màu sắc, hình thức nên được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.
Đặc biệt, từ 1998 đến nay bà con nơi đây đã biết ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác như làm nhà kính plastic, công nghệ tưới tiêu hiện đại kết hợp với quy trình trồng và chăm sóc hoa khoa học cùng với việc đa dạng hóa các loài hoa (ngoài các giống cũ của địa phương còn có các giống mới như: cúc Đại Đóa, tulip của Hà Lan, hoa hồng của Pháp, địa lan của Mĩ, Nhật…) đã giúp cho hoa ở đây ngày càng nâng cao về chất lượng và sản lượng được tiêu thụ rộng rãi trên các thị trường trong nước và góp phần xuất khẩu ra các thị trường ở nước ngoài.
Làng hoa ấp Hà Đông đã trở thành nơi sản xuất hoa chuyên canh tập trung với quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp ứng dụng khoa học kĩ thuật ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Hiện nay làng hoa ấp Hà Đông đã có 400 hộ trồng hoa với hơn 600 người lao động và nhiều nghệ nhân nổi tiếng giàu kinh nghiệm trong nghề trồng hoa, bonsai như: ông Nguyễn Đình Bộ – 83 tuổi, ông Vũ Hoa Son – 77 tuổi, ông Nguyễn Văn Đông… Sản lượng và chất lượng hoa ngày càng nâng cao với nhiều loại hoa có giá trị như: Lys, phong lan, địa lan, hoa hồng, lay ơn, cúc,…
Ngoài ra làng còn có 3 cơ sở ươm cây giống mới, chọn và cung cấp nhiều giống hoa, phát triển công nghệ sản xuất giống và hoa thương phẩm có giá trị cho dân trồng hoa. Đồng thời phục vụ cho các đoàn tham quan học tập và khách du lịch trong các dịp festival.
Làng hoa ấp Hà Đông đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là một trong những điểm tham quan du lịch nhà vườn khá thú vị và hấp dẫn của du khách khi đến với thành phố hoa Đà Lạt – Lâm Đồng.
Đoàn Bích Ngọ