Giáo sư vật lý Peter Higgs (phải) nói chuyện với nhà vật lý Francois Englert trong cuộc họp báo của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu tại Geneva hôm 4/7. Ảnh: AFP. |
Hôm 4/7, Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) tuyên bố các nhà khoa học của họ đã tìm thấy loại hạt mới có đặc tính giống hạt Higgs, thứ tạo ra khối lượng cho vật chất trong vũ trụ. Công việc còn lại của họ là xác định hạt mới có phải là hạt Higgs, thường được gọi là “hạt của Chúa”, hay không.
Phát hiện hạt có đặc điểm giống hạt Higgs (hoặc có thể nó chính là hạt Higgs) sẽ giúp ít nhất một người đoạt giải Nobel Vật lý, The Guardian nhận định. Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức có thẩm quyền lập ủy ban để chọn chủ nhân của giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học, chỉ xét tối đa ba người. Quy định này ra đời trong thời kỳ mà phần lớn thành tựu khoa học được tìm ra bởi những cá nhân hoặc nhóm nhỏ.
Hai nhóm chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử Quốc tế (CERN), với số lượng người lên tới vài nghìn, đã thực hiện tới 500 nghìn tỷ vụ va chạm hạt trong máy gia tốc hạt lớn (LHC) để tìm kiếm hạt Higgs trong đống mảnh vỡ của hạt. Tất cả họ đều xứng đáng nhận giải Nobel.
Xác định người xứng đáng đoạt Nobel Vật lý sẽ vấn đề hóc búa đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển. Rất có thể giải thưởng sẽ được trao cho 6 nhà vật lý lý thuyết từng đề ra giả thuyết về khối lượng của hạt từ gần 50 năm trước. 6 người này lần lượt công bố giả thuyết của họ trong vòng 4 tháng của năm 1964. Robert Brout và Francois Englert, hai chuyên gia của Đại học Tự do ở Bỉ, công bố giả thuyết vào tháng 8. Brout đã qua đời vào năm 2001. Theo quy định, giải Nobel không được trao cho người quá cố.
Peter Higgs, nhà vật lý người Anh, công bố hai công trình về hạt mang tên ông vào tháng 9 và 10. Trong báo cáo thứ hai, ông tuyên bố Mô hình chuẩn của vật lý hạt – giả thuyết thành công nhất trong việc giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ – cần một loại hạt mới trong tự nhiên để trở nên hoàn hảo. Năm 1972, cộng đồng khoa học dùng tên Higgs để gọi loại hạt mà Higgs đề cập. Đặt tên cho hạt thần bí là một việc quan trọng, bởi nó mang đến một mục tiêu cụ thể cho nỗ lực tìm kiếm của giới khoa học.
Vào tháng 11/1964, ba nhà vật lý lý thuyết cũng công bố giả thuyết về hạt bí ẩn trong Mô hình chuẩn. Họ bao gồm hai nhà khoa học Mỹ – Dick Hagen và Gerry Guralnik – và nhà vật lý người Anh Tom Kibble.
Higgs và hai nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập, chứ không liên quan tới nhau. Vì thế, ít nhất 5 nhà vật lý còn sống có thể được xét trao giải Nobel. Nếu hạt mà các nhà vật lý của CERN phát hiện chính là hạt Higgs thì chắc chắn giáo sư Higgs sẽ được vinh danh. 4 nhà vật lý kia sẽ cạnh tranh hai vị trí còn lại nếu Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định chọn ba người để trao giải. Francois Englert là người công bố giả thuyết đầu tiên nên có lợi thế hơn hẳn so với các đồng nghiệp. Như vậy ủy ban trao giải sẽ phải chọn Guralnik, Hagen hoặc Kibble vào vị trí cuối cùng.
Trên thực tế, tranh cãi về người xứng đáng nhận giải Nobel giữa những người nghiên cứu hạt Higgs đã bùng nổ từ lâu. Trong một hội nghị khoa học tại Paris vào năm 2010, giới vật lý Mỹ bày tỏ sự phản đối sau khi những người tổ chức hội nghị tuyên bố chỉ Higgs, Englert và Brout xứng đáng được gọi là người khai sinh giả thuyết về hạt Higgs. Guralnik và Hagen tin rằng một số nhà vật lý châu Âu đang tìm cách gạt họ ra khỏi lịch sử. Điều bất lợi đối với Guralnik và Hagen là họ công bố giả thuyết muộn nhất.
Quyết định những người có vai trò lớn nhất đối với giả thuyết về hạt Higgs là một bài toán nan giải đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển. Giới hạn số lượng người đoạt giải Nobel là cách để duy trì danh tiếng của giải. Nhưng trong thời đại ngày nay, rất ít phát kiến khoa học ra đời nhờ công của một hay vài cá nhân. Đa số chúng là thành quả của những nhóm lớn và trong nhiều trường hợp số lượng của những nhóm này có thể lên tới vài nghìn.
Minh Long
(vnexpress.net)