Tinh Hoa

Chàng Mười và những chuyện kỳ lạ

Chàng Mười và những chuyện kỳ lạ

 

(LV) – Những câu truyện cổ Chăm thường mang những tên gọi giản dị, gần gũi phản ánh hoạt động lao động sản xuất, lễ hội, tín ngưỡng, ma chay, cưới hỏi… của người Chăm qua nhiều giai đoạn lịch sử.

 

 

 

Rước y trang thần ở Lễ Ka tê. Ảnh: Nguyễn Á

Trải qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, cùng với nhiều dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Chăm đã để lại những giá trị vật chất và tinh thần quý báu, bồi tụ và làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà, khiến cho nó có bề dày về lịch sử phát triển, chiều sâu về văn hiến, phong phú đa dạng về thể loại, phong cách, chứa đựng thế giới quan, nhân sinh quan và mang tính nhân dân, tính nhân văn sâu sắc. Một trong những nét văn hóa ấy, chính là văn học dân gian.

 

Nội dung câu truyện kể về Chàng Mười, một người ưa thích những điều mới lạ, luôn muốn tìm ra “cái gốc” của mọi điều xảy ra trong thiên nhiên, trong xã hội, không bao giờ thỏa mãn với những điều đã biết. Vì thế, khi cha mẹ Chàng sắp lâm chung có để lại cho Chàng một phần của cải thừa kế, nhưng rồi, Chàng lại không “chí thú làm ăn” như chín người anh trai khác, mà lại mua ngựa, sắm yên khao khát lên đường khám phá những điều kỳ lạ của cuộc sống.

 

Chàng luôn tự vấn mình bằng những câu hỏi, “làm sao gió bỗng ngừng, bỗng thổi, lúc yếu ớt, lúc dữ dội”, nắng, mưa, sấm, sét, sức khỏe là gì?, “tại sao lại có những người rụng hết răng vẫn chưa chết, lại có người chết lúc chưa mọc đủ răng?”, “tại sao có người yếu, người khỏe, người sống lâu, người chết non?”.v.v. Và Chàng quyết chí ra đi, dù cho có phải tới nơi “không còn dấu vết con người” để lý giải những điều bí ẩn ấy.

 

Chính khát vọng và bản lĩnh khám phá những điều kỳ lạ xung quanh đã đưa Chàng tới gặp thần Gió, thần Sức Khỏe, thần Công Bằng, thần Nắng, thần Mưa và xác nhận những điều Chàng đang hoài nghi, xác nhận lời Chàng đã nói với cha rằng: “chí thú làm ăn chỉ đem lại giàu có, chớ không cho con biết những điều kỳ lạ…”, rằng: “Những điều kỳ lạ ấy chắc là không ăn được, nhưng mà vui”.

 

Nhờ lòng dũng cảm, gan dạ và trí khôn, Chàng Mười đã dần dần hiểu ra gốc rễ của nhiều điều bí ẩn. Và khi đã thấu hiểu được những hiện tượng của thiên nhiên, xã hội, Chàng vui sướng reo lên “Cha ơi! Con đã tìm được một điều kỳ lạ rồi! Các anh ơi! Em đã tìm được một điều kỳ lạ…”.

 

Chàng Mười nhận ra rằng, các hiện tượng thiên nhiên và đời sống đều do một vị thần nào đó cai quản. Nhưng thần linh đâu có xa lạ với thế giới con người, thần linh cũng râu bù, tóc rối, quần áo rách tướp như xơ, cũng phải ăn, phải ngủ, có việc riêng, tắm giặt, bị đau ốm (thần Gió); ngày đội nắng, đêm dầm sương, lưng trần, chân đất, ăn cơm bằng bát đũa (thần Sức Khỏe); mặt đỏ như một hòn than hồng, râu, tóc đỏ cạch, cổ, tai, tay, chân da dẻ đỏ như mào gà (thần Nắng)… cho nên cũng có những lúc họ làm không tròn trách nhiệm mà Trời đã giao phó và vô tình gây họa xuống nhân gian.

 

Thần Gió đã mách nước cho chàng Mười biết rằng, để đề phòng những lúc trái gió trở trời, người dân cần chủ động “làm nhà thì phải chôn cột cho sâu, đè nóc cho chặt; ruộng rẫy phải cày gieo cho đúng lúc đúng thời”; để có sức khỏe, con người phải chịu gội sương, phơi gió, tắm nước mưa và sưởi ánh nắng mặt trời, chịu làm và chịu ăn, phải chịu khó ra đồng, lên rẫy…

Tháp Pôklong Garai dịp lễ hội Ka tê.
 

Thần Sức Khỏe đã mách bảo cho Chàng biết, sức khỏe không ở đâu xa, mà nằm trong con người lao động siêng năng, cần cù, cho nên, “Ai siêng năng thì hứng được nhiều. Ai lười biếng thì phải chịu thiệt”.

 

Thần Công Bằng đã vạch cho Chàng thấy lý lẽ xác đáng về những phán xử công tâm đối với con người rằng, “Loài người ngày nay có quá nhiều tính xấu. Thói đời có vay có trả. Ai làm điều ác con cháu phải chịu trừng phạt. Ai làm điều lành con cháu được nhờ… Đó là nợ đời”, điều này giúp Chàng càng thêm thấu hiểu, chính do con người tháo cầu đường, phá hoại rừng xanh, tham lam… cho nên, phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Kẻ tháo cầu thì phải dùng lưng chắn ngang mương nước cho người đời đi qua, kẻ chặt dây rừng thì bị dây rừng quấn lấy thân xác, kẻ chặt cây cổ thụ thì bị rễ cây quấn chặt lấy thân xác, kẻ cấm con đến tuổi được dựng vợ gả chồng thì làm ăn thất bát.

 

Câu truyện kết thúc, cũng là lúc chàng Mười thấu hiểu ra mọi điều kỳ lạ của thiên nhiên, con người và đời sống. Như một sứ giả “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, Chàng trở về và mách bảo những điều thấu hiểu được cho dân làng biết, vì thế, những người bị tội biết lỗi lầm sửa chữa và được tha, mách nước cho mọi người biết cách phòng tránh thiên tai, lũ lụt, hạn hán, ốm đau, bệnh tật.

 

Như vậy, qua câu truyện, chúng ta thấy, khát vọng ngàn đời của người dân là có sức khỏe, được mùa màng, ấm no, hạnh phúc. Nhưng đứng trước thiên nhiên hùng vĩ và không kém phần huyền bí đó, bằng những suy nghĩ sơ khai, mộc mạc, mang đầy chất huyền thoại, lãng mạn, người dân đã dùng các biểu tượng thần thánh để tự hóa giải cho mình những băn khoăn về bản tính của các hiện tượng thường nhật, của thiên nhiên, đời sống, qua đó, răn dạy lẫn nhau sự tự ý thức về lẽ sống ở đời sao cho hợp tình hợp lý.

 

Câu chuyện gửi tới chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ một thông điệp đó là, phải có ước mơ, lý tưởng và hoài bảo chính đáng, có óc hoài nghi khoa học lành mạnh, không nên thỏa mãn với những điều đã biết, mà cần mạnh dạn học hỏi, khám phá những điều kỳ lạ để làm giàu về vốn sống cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Làm được điều đó, chúng ta sẽ trở thành những “hiệp sĩ” như Chàng Mười, thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

 

Lê Văn Dũng

(Theo langvietonline)