Hành tinh của chúng ta di chuyển tới điểm xa mặt trời nhất trong năm hôm nay, các nhà thiên văn thông báo.
Trái đất thường tới điểm xa mặt trời nhất trong khoảng thời gian từ ngày 2 tới 5/7. Ảnh: Đại học Ohio. |
Đài Thiên văn Hải quân Mỹ cho biết, trái đất sẽ tới điểm xa mặt trời nhất (aphelion) trong năm trên quỹ đạo của nó vào lúc 4h theo giờ GMT hôm 5/7 (11h cùng ngày theo giờ Việt Nam). Tại điểm đó, khoảng cách giữa địa cầu và mặt trời vào khoảng 152 triệu km, Space cho biết.
Khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trời là 150 triệu km. Nhưng do quỹ đạo của trái đất là một hình elip, chứ không phải hình tròn hoàn hảo, nên nó có điểm xa nhất và điểm gần nhất so với mặt trời. Hành tinh xanh tới tới điểm gần mặt trời nhất hồi đầu tháng 2. Tại điểm xa nhất, khoảng cách giữa hai thiên thể lớn hơn 3,28% và lượng ánh sáng mà địa cầu nhận nhỏ hơn 7% so với khi trái đất tới điểm gần nhất.
Nếu bạn ở Mỹ hôm nay, bạn sẽ thấy nhiệt độ trong ngày ở nhiều bang tăng vọt bất thường. Với tình trạng đó, có lẽ bạn sẽ hỏi: Tại sao nhiệt độ tại đây tăng trong khi trái đất sắp tới điểm xa mặt trời nhất. Đó là một câu hỏi thú vị.
Hiện tượng nhiệt độ tăng vọt tại Mỹ hay bất kỳ nước nào trên thế giới không liên quan trực tiếp tới khoảng cách từ địa cầu tới mặt trời. Do trục trái đất nghiêng 23,5 độ nên thời gian mặt trời xuất hiện ở phía trên đường chân trời thay đổi theo mùa. Trạng thái nghiêng của trái đất cũng khiến góc xiên của tia nắng thay đổi theo từng giai đoạn của năm.
Địa cầu không tới điểm xa nhất và điểm gần nhất so với mặt trời vào những ngày cố định. Trên thực tế nó thường tới điểm gần nhất từ ngày 1 tới 5/1 và điểm xa nhất từ ngày 2 tới 5/7. Năm ngoái trái đất tới điểm xa nhất vào ngày 4/7.
Minh Long
(vnexpress.net)