Tinh Hoa

Hát nhép là u nhọt của làng nhạc Việt Nam

Không riêng Thu Minh bức xúc về những đồng nghiệp không tôn trọng giọng ca trời cho, các nghệ sĩ vốn nói không với hát nhép như Mỹ Linh, Tùng Dương cũng có nhiều chia sẻ về vấn nạn này.

Khi chỉ thị 65, trong đó có những quy định về xử phạt về hành vi hát nhép trên sân khấu được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) mang ra bàn bạc khiến không chỉ người trong cuộc mà chính khán giả – đối tượng trực tiếp thụ hưởng các sản phẩm âm nhạc cũng hết sức quan tâm.

Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương, Đan Trường (đại diện là ông bầu Hoàng Tuấn) đã có những chia sẻ cho ba câu hỏi chung: 1. Anh (chị) có từng hát lip-sync? 2. Anh (chị) nghĩ thế nào về vấn nạn hát nhép ngày càng lan tràn và không ít ca sĩ đã nổi tiếng và kiếm nhiều tiền nhờ việc hát không cần sử dụng giọng thật? 3. Hình thức xử phạt mà anh (chị) đề xuất cho những hành động thiếu tôn trọng khán giả này?

Thu Minh: “Thật bất công khi nhiều ca sĩ làm giàu nhờ hát nhép”

Với những chương trình thu hình yêu cầu ca sĩ hát nhép, tôi vẫn cố gắng hát thật. Âm thanh trong sân khấu của đài truyền hình hiện nay rất hay. Chỉ trừ những trường hợp ban tổ chức (BTC) khuyến cáo về chất lượng âm thanh, yêu cầu phải hát nhép, và đồng thời là tất cả các ca sĩ khác cũng nhép. Trong trường hợp này, nếu chỉ duy nhất mình làm “anh hùng” cũng không ổn. Vì thế, nhiều lần tôi cũng đã thử làm rồi… chết đứng, nên đành chấp nhận.

Lúc trước, nếu phải hát nhép tôi thường phản ứng mạnh, nhưng sau này, khi hát nhép trở thành một điều hiển nhiên trong tất cả các show trình diễn lớn nhỏ thì tôi cũng chẳng tỏ thái độ nhiều nữa. Vì nói nhiều, đụng chạm nhiều nhưng chưa chắc đã thay đổi được gì. Tôi cũng chia sẻ để mọi người có thể để ý, nếu thấy tôi hát mà lấy tay che miệng, điệu hơn bình thường hoặc hay quay lưng về phía khán giả nhiều là biểu hiện của hát nhép đấy.

Nói chung là vừa hát vừa run, không mạnh mẽ và máu lửa. Nhưng quan trọng nhất là hát mà không thả hồn được vào bài hát vì đầu óc căng thẳng cứ sợ nhảy đĩa thì công sức gầy dựng tên tuổi thực lực bao năm sẽ tan biến bởi sự thất vọng của khán giả. Nói chung, với tôi hát nhép khó hơn hát thật rất nhiều.

Việc vẫn có nhiều ca sĩ toàn hát nhép mà vẫn nổi tiếng, đắt show và kiếm được nhiều tiền, tôi thấy bất công nhiều lắm. Nhưng ngẫm lại mới thấy, điều gì cũng có mặt lợi và mặt hại. Ai thích đi đường tắt thì mau đến, nhưng sẽ thiệt thòi vì không ngắm được cảnh đẹp. Cũng như khi đi trên con đường dài, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Bản thân tôi đồng ý 100% chỉ thị cấm biểu diễn với ca sĩ hát nhép của Bộ Văn hóa.

Hơn nữa, các đơn vị tổ chức biểu diễn cũng phải làm sao để kiểm soát được tình hình, có thể khi chạy chương trình hay phúc khảo thì hát thật nhưng đến khi biểu diễn thì đút đĩa vào, ai mà kiểm soát được, hoặc biết đi chăng nữa không lẽ lại phải cho dừng cả chương trình lại? Tất nhiên, tôi cũng mong một sự đánh giá công bằng của khán giả cho những người thật sự có tài năng, bởi họ chính là những người đáng được tôn vinh, đồng thời có thể làm thay đổi quan điểm và ý thức nghề nghiệp của đàn em sau này.

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói, tại sao bạn trở thành ca sĩ? Nếu chỉ đơn giản vì muốn nổi tiếng và có thu nhập tốt thì tôi không dám bàn, nhưng nếu vì đam mê được hát thì tại sao phải nhép?

Mỹ Linh: “Khi hát live, bạn sẽ thấy mặt đẹp, miệng đẹp hơn nhiều”

Thông thường, chỉ có nhà tổ chức đề nghị hát nhép chứ tôi chẳng bao giờ chủ động đề nghị như thế cả. Rơi vào trường hợp ốm hay mệt quá, tôi thà chọn cách xin huỷ tiết mục của mình còn hơn là hát nhép. Tôi không phải là người giỏi diễn nên khi hát nhép mặt tôi cứ nghệt ra. Tôi chưa bao giờ thấy tự tin với chuyện hát nhép cả vì luôn cảm giác mình vừa làm việc gì đó không phải hay có tội (cười). Nếu hát thật, tôi có thể được 9 điểm nhưng hát nhép chắc chỉ được… 2 điểm.

Thú thật là ngày trước, tôi cũng hát sai, hát hỏng nhiều lần lắm. Có phải mới đi hát là đã hát hay, hát tốt ngay được đâu. Nhưng với kinh nghiệm của tôi thì mình cứ hát nhiều, luyện nhiều sẽ hát tốt hơn. Ngoài ra, theo tôi thấy, ca sĩ nước ngoài hát live cũng chán lắm. Ca sĩ Việt hát trực tiếp hay hơn ca sĩ nước ngoài rất nhiều, vậy tại sao mình không cố gắng phát huy mà cứ học thói hát nhép?

Các ca sĩ trẻ bây giờ chuộng hát nhép vì họ thấy cách đó dễ dàng mà an toàn quá. Họ hát nhép thường xuyên rồi tới khi hát live thì sẽ cảm giác rất lo sợ, giống như đang chơi trò chơi mạo hiểm vậy. Nếu sau này có làm thầy, tôi sẽ khuyên các em phải chịu khó hát live thường xuyên. Nó cũng giống như ta đi học vậy, học kém thì chịu khó làm nhiều bài tập sẽ hiểu ra vấn đề và giỏi hơn. Chơi trò chơi mạo hiểm 1-2 lần đầu thì rất sợ nhưng chơi mãi sẽ quen và thích. Có chấp nhận mạo hiểm thì mới toả sáng được! Hơn nữa khi hát live, bạn sẽ thấy mặt đẹp, miệng đẹp hơn nhiều.

Khi Bộ VH-TT-DL đã phải thành lập cả đội đặc nhiệm chống hát nhép thì chứng tỏ vấn nạn đã rất nghiêm trọng rồi. Bản thân tôi thấy đó là vấn đề rất cần thiết và nên làm càng sớm càng tốt!

Tùng Dương: “Cứ đánh mạnh vào tài chính”

Trong các chương trình hệ thống âm thanh không đảm bảo hoặc phục vụ việc ghi hình thì ca sĩ cũng phải đồng ý hát lip-sync theo đề nghị của BTC thôi. Tuy nhiên, tôi hát nhép… dở lắm. Chỉ cần tinh ý một chút là khán giả có thể thấy mặt tôi cứng đờ, vô cảm như thế nào. Tôi là người sống và biểu diễn chủ yếu bằng các xúc cảm. Mỗi lần ra sân khấu có thể vẫn ca khúc ấy nhưng cảm xúc khác thì tôi lại có cách biểu diễn, thăng hoa hoàn toàn khác. Cái khó của tôi là dù hát nhép ngay trên chính giọng hát của mình vẫn không tìm được xúc cảm để thăng hoa nên bị “đơ” ngay lập tức.

Chỉ khi nào âm thanh quá dở hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu, tôi mới chọn cách hát nhép. Hát live là niềm tự hào và cũng là cách tốt nhất để tôi tri ân, giao lưu với khán giả nên tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.

Chuyện bộ VH-TT-DL mạnh tay với cái lệ hát nhép trong showbiz và thậm chí còn lập cả đường dây nóng tố cáo nạn này, tôi rất tán thành. Cứ đánh vào tài chính thật mạnh thì những chuyện hát nhép hay ăn mặc hở hang liệu có còn tồn tại được không?

Nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào hát nhép, các cơ quan ban ngành nên lập biên bản và xử phạt thật chặt tay. Như thế là không chỉ túi tiền mà cả hình ảnh của người nghệ sĩ đó cũng bị ảnh hưởng, họ sẽ không dám “nhờn” mà cổ súy cho tệ nạn ấy nữa.

Ông Hoàng Tuấn – Quản lý ca sĩ Đan Trường: “Hát nhép là u nhọt của làng âm nhạc Việt Nam”

Đây không khác gì chuyện “thường ngày ở huyện”, ai cũng đua nhau mà hát nhép, tiến bộ hơn một chút thì hát chồng, hoặc đoạn nào hô hào khán giả thì hát thật, đến đoạn cao trào thì cũng phải nhép, cách thức ngày càng tinh vi. Từ đó mới thấy được ý thức của người ra sĩ như thế nào, đứng trước khán giả, một là được phục vụ, hai là có được thù lao, thì ít nhất họ cũng phải hát làm sao cho xứng đáng với đồng tiền mà mình nhận. Có nhiều người chỉ biết dựa vào hình thức bên ngoài, hoặc những điều “ảo” trên mạng, mà không dám đối diện với sự thật về giọng hát của mình. Nói thật, hát nhép cũng giống như u nhọt của làng âm nhạc Việt Nam.

Hơn nữa, việc các chương trình ca nhạc phát trực tiếp trên truyền hình yêu cầu ca sĩ hát nhép để đảm bảo chất lượng chương trình cũng là tiền đề cho việc các ca sĩ ngày càng mạnh dạn với việc làm này. Thời gian trước, Đan Trường luôn 100% hát live, nhưng có nhiều chương trình yêu cầu gắt gao quá thì cũng đành phải chấp hành. Nhưng hát nhép là phải tập, mất thời gian lắm. Rồi biểu diễn mà trong lòng cứ lo đủ điều, bị sự cố gì thì chết.

Trong bộ luật 65 mới được Bộ Văn hóa thông tin ban hành, tôi không biết là có được thực thi nghiêm chỉnh hay không, nếu không thì sau này muốn đưa ra luật gì khác cũng khó. Người nghệ sĩ cũng phải có ý thức, phải có sự cầu tiến trong công việc, không thể ỷ lại vào việc hát nhép.

1,2 lần có thể du di, nhưng nếu đến lần thứ 3 thì việc cấm biểu diễn theo tôi cũng không phải là quá gắt gao. Trong buổi họp vừa qua, tôi cũng đã phát biểu rằng phải lập một đội đặc nhiệm 65 để đi tìm những trường hợp hát nhép. Đội này sẽ được hưởng lợi từ số tiền phạt của người bị phát hiện, có như vậy thì ca sĩ mới biết sợ.

Theo Infonet

(vietnamnet.vn)